Huyền sử Luy Tổ: Chính thất Hoàng hậu thuở Trung Hoa sơ khai có công sáng tạo ra nghề nuôi tằm dệt lụa

Theo truyền thuyết, bà là người có công phát hiện ra tơ tằm cũng như công nghệ dệt vải rồi truyền bá rộng rãi văn hóa này đến người dân Trung Hoa cổ đại.

Trong lịch sử, người Trung Hoa mang vải lụa, gấm vóc... đến Ba Tư, La Mã đồng thời tạo điều kiện để những doanh nhân các vùng khác cũng tìm đường đến với Trung Hoa. Động thái này góp phần kiến tạo nên “Con đường tơ lụa (The Silk Road)” - tuyến đường thông thương quan trọng của nhân loại trong suốt một thời gian dài lịch sử. Nhờ có con đường tơ lụa, những vùng đất, nền văn hóa mới được tìm ra và là động lực cho sự phát triển của cả châu Á, châu Âu trên nhiều lĩnh vực.

Qua đó cho thấy, tơ lụa đã giúp Trung Quốc rất nhiều trong việc mở rộng giao thương cũng như nối rộng thêm quan hệ với các quốc gia lân cận và kéo dài đến cả châu Âu. Đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vậy tơ lụa có nguồn gốc từ đâu và ai là người có công tạo tác nên loại chất liệu “đắt giá” và vẫn giữ được giá trị lớn đến ngày nay? 

Huyền sử Luy Tổ: Chính thất Hoàng hậu thuở Trung Hoa sơ khai có công sáng tạo ra nghề nuôi tằm dệt lụa-1

(Ảnh minh họa)

Câu chuyện được đề cập đến trong cổ thư Minh Triều chính là câu trả lời đích xác nhất về Luy Tổ - nữ nhân có công phát hiện ra tơ lụa, qua đó thay đổi hoàn toàn đời sống của người dân Trung Hoa từ cổ chí kim.

Chuyện kể rằng, một hôm Luy Tổ đi đến sườn núi hái quả dại rồi đột nhiên phát hiện ra trên thân cây dâu có nhiều vật to bằng quả trứng chim cút. Luy Tổ tưởng rằng đó là loại quả chưa từng nhìn thấy nên đã hái mang về nhà. 

Chẳng bao lâu sau những thứ quả ấy đều vỡ kén và tạo thành bướm. Bướm đẻ ra rất nhiều trứng, được bà gọi là tằm. Nhưng để nuôi lớn số tằm này, cần phải cho chúng ăn. Nghĩ đến những câu dâu, nơi mình tìm được những chiếc kén, Luy Tổ đến đó hái lá về cho tằm ăn.

Huyền sử Luy Tổ: Chính thất Hoàng hậu thuở Trung Hoa sơ khai có công sáng tạo ra nghề nuôi tằm dệt lụa-2

Sau khi ăn xong, tằm non bắt đầu nhả tơ để bao quanh mình thành những vòng tròn, và trở thành kén tằm, giống như khi Luy Tổ phát hiện ra chúng. Luy Tổ cảm thấy tò mò về những cái kén này. Bà vừa nghĩ vừa ném một ít kén tằm vào trong nước nóng và phát hiện có thể rút ra được rất nhiều tơ, tơ càng rút càng dài. Hơn nữa, những sợi tơ này đặt trên da thì thấy rất mềm mại và trơn bóng, khi kéo thì khá dai.

Phát hiện sự thật này, Luy Tổ bắt đầu tự mình nuôi nhiều tằm con. Hàng ngày bà hái lá dâu cho tằm ăn. Tằm con dần lớn lên, nhả tơ rồi tạo kén. Luy Tổ theo cách cũ, thu tơ về dệt thành lụa, rồi làm ra những bộ quần áo. Ở thời điểm lúc bấy giờ, tơ lụa đều có màu trắng. Luy Tổ đã hái rất nhiều cây cỏ với đủ loại màu sắc khác nhau rồi tiến hành nhuộm màu cho tơ lụa và may thành quần áo để sử dụng.

Huyền sử Luy Tổ: Chính thất Hoàng hậu thuở Trung Hoa sơ khai có công sáng tạo ra nghề nuôi tằm dệt lụa-3

Huyền sử Luy Tổ: Chính thất Hoàng hậu thuở Trung Hoa sơ khai có công sáng tạo ra nghề nuôi tằm dệt lụa-4

(Ảnh minh họa)

Thời cổ đại, đa phần trang phục con người sử dụng được cấu tạo từ lá cây hoặc da thú; cho nên khi thấy Luy Tổ có những bộ quần áo bằng tơ lụa xinh đẹp, họ đã tìm đến để hỏi. Bà chia sẻ lại quá trình phát hiện ra cây dâu và làm thành tơ lụa, đồng thời dạy người dân kỹ thuật làm tơ lụa.

Sự việc này nhanh chóng gây được tiếng vang đến những bộ tộc lân cận. Tây Lăng Vương của Tây Lăng Thị - một trong những đại bộ tộc thời điểm đó cũng biết đến Luy Tổ vừa thông minh vừa xinh đẹp, nên đã nhận bà làm con. Các thị tộc khác thấy Tây Lăng Thị có một cô gái thông minh xinh đẹp lại tìm ra lụa tơ tằm thì đều đến học theo, còn có người đến cầu hôn, nhưng Luy Tổ đều không ưng ý.

Huyền sử Luy Tổ: Chính thất Hoàng hậu thuở Trung Hoa sơ khai có công sáng tạo ra nghề nuôi tằm dệt lụa-5

Thủ lĩnh nước Hữu Hùng là Công Tôn Hiên Viên (Hoàng Đế đầu tiên trong "Ngũ Đế" Trung Hoa sau này) nghe tiếng đích thân mang lễ vật đến cầu thân, qua mấy phen thử thách Hiên Viên đều đáp ứng được các đề mục nên Luy Tổ chấp nhận về làm dâu nước Hữu Hùng. Luy Tổ đi theo Hoàng Đế chinh chiến nam bắc, về sau Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu, đánh bại Viêm Đế , thống nhất Trung Nguyên.

Thiên hạ yên ổn, Hoàng Đế bắt đầu dạy dân chúng trồng trọt làm ruộng, gieo trồng ngũ cốc. Còn Luy Tổ dạy mọi người cách hái dâu nuôi tằm ươm tơ làm quần áo. Từ đó về sau dân chúng bắt đầu cuộc sống đàn ông cày ruộng đàn bà dệt vải. Trải qua hàng ngàn năm, công việc hái dâu, ươm tơ, dệt vải may quần áo luôn gắn liền với đời sống của người phụ nữ, là một phần quan trọng của nền văn hóa truyền thống.

Huyền sử Luy Tổ: Chính thất Hoàng hậu thuở Trung Hoa sơ khai có công sáng tạo ra nghề nuôi tằm dệt lụa-6

(Ảnh minh họa)

Bắt đầu từ triều đại nhà Hán, trên con đường tơ lụa, văn hóa trang phục làm từ tơ lụa đã được truyền bá sang phương Tây xa xôi. Vì thế, Luy Tổ đã được người đời sau tôn làm Tiên Tằm, điều này được ghi chép trong “Tùy Thư”. Tơ lụa dần trở thành một mặt hàng quan trọng trên thế giới mà Trung Hoa là nơi duy nhất sản xuất ra được. Sự xuất hiện của tơ lụa khiến Trung Hoa còn được xưng là “đất nước của quần áo”. Hoàng bào, phục sức và các hình thêu trên trang phục của Trung Hoa đã khiến người dân nhiều nước ngưỡng mộ.

Trong “Xuân Thu tả truyện” viết: “Trung Quốc hữu lễ nghi chi đại, cố xưng Hạ; hữu phục chương chi mỹ, vị chi Hoa”, Trung Quốc có lễ nghi to lớn nên gọi là Hạ, có quần áo đẹp nên gọi là Hoa. Đây cũng là nguồn gốc của cách gọi Hoa Hạ hay Trung Hoa.

Huyền sử Luy Tổ: Chính thất Hoàng hậu thuở Trung Hoa sơ khai có công sáng tạo ra nghề nuôi tằm dệt lụa-7

(Ảnh minh họa)

Tương truyền rằng sau này, Hoàng đế Đông La Mã đã sai người tới châu Á và bí mật lấy được kén tằm mang về. Từ đó, châu Âu mới có thể tự sản xuất được lụa tơ tằm. Điều này được sử gia Procopius ghi lại. Nó cho thấy những trang phục đẹp nhất và được yêu thích nhất của nhân loại thời bấy giờ chính là lụa tơ tằm có xuất xứ Trung Hoa.

Từ triều nhà Chu đến triều nhà Thanh, Hoàng hậu các triều đại đều làm lễ tế bái Tiên Tằm Luy Tổ. Trong “Chu Lễ” viết: “Vào mùa xuân hàng năm, Hoàng hậu sẽ đích thân dẫn các phi tần trong cung đến ngoại ô phía bắc để cử hành lễ Thân Tằm”.

Huyền sử Luy Tổ: Chính thất Hoàng hậu thuở Trung Hoa sơ khai có công sáng tạo ra nghề nuôi tằm dệt lụa-8

(Ảnh minh họa)

Hoàng hậu không chỉ làm lễ tế Tiên Tằm mà còn tự mình hái dâu nuôi tằm. Lấy việc này để khuyến khích nữ giới trong thiên hạ siêng năng dệt vải. Ở nhiều nơi người dân còn lập bàn thờ Tiên Tằm, xây đền Tiên Tằm và tổ chức lễ hội văn hóa Luy Tổ để trân trọng và tưởng nhớ về vị nhân văn sơ tổ đã mang văn hóa trang phục đến cho con người.

Theo Trí Thức Trẻ


Hoàng hậu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.