"Năm Covid thứ 2 tại Mỹ": Nỗi ám ảnh đeo bám 3 cha con gốc Á suýt bị đâm tới chết vì sự kỳ thị giữa đại dịch

Với những người gốc Á sống tại Mỹ, đại dịch Covid-19 đã khiến họ phải đối mặt với sự nguy hiểm ngay từ trong cộng đồng.

Gần 1 năm sau khi suýt bị đâm đến chết tại một cửa hàng ở Midland, Texas, 3 cha con nhà anh Bawi Cung vẫn đang mang trên mình những vết sẹo lớn. Tuy nhiên, nỗi ám ảnh sau sự kiện đó mới là thứ đeo bám họ mỗi ngày.

Giờ đây, anh Cung vẫn chưa thể bước vào bất kỳ cửa hàng nào mà không cẩn trọng quan sát xung quanh. Con trai 6 tuổi của anh thì sợ phải ngủ một mình. Sau vụ tấn công, cậu bé hiện cũng không thể cử động một bên lông mày.

Buổi tối định mệnh
Đó là một buổi tối thứ 7 vào tháng 3/2020, khi Covid-19 khiến người dân đi mua sắm trong hoảng loạn trên toàn nước Mỹ. Cung lúc này đang cùng 2 con mua gạo, tìm kiếm mức giá rẻ nhất.

Năm Covid thứ 2 tại Mỹ: Nỗi ám ảnh đeo bám 3 cha con gốc Á suýt bị đâm tới chết vì sự kỳ thị giữa đại dịch-1Gia đình Bawi Cung

Gia đình Cung đến quầy thịt của cửa hàng Sam's Club, tại đây đột nhiên anh nhận một cú đấm vào gáy. Một gã đàn ông chẳng quen biết đã làm điều đó. Gã dùng dao rạch một đường lên mặt anh và rời đi, nhưng nhanh chóng quay trở lại sau đó và tấn công cả cậu con trai 6 tuổi của Cung. Cậu bé bị rạch một đường ở tai phải, kéo dài lên gần mắt.

Sự kiện đáng sợ ấy đã cho thấy những nguy hiểm mà người gốc Á tại Mỹ phải đối mặt kể từ khi đại dịch Covid-19 xâm chiếm quốc gia này, với vô số các vụ kỳ thị và tấn công xảy ra trên toàn quốc. 1 năm trôi qua với hàng ngàn vụ tấn công xảy tới, những nạn nhân đầu tiên của làn sóng kỳ thị vẫn chưa thể vượt qua sự ám ảnh này. Cùng với đó, làn sóng tấn công người gốc Á cao tuổi thời gian gần đây đang khiến nỗi sợ dâng cao.

Với trường hợp của Cung - một người gốc Myanmar, gã đàn ông tấn công anh đã tin rằng gia đình anh tới từ Trung Quốc và khiến virus lây lan, theo báo cáo điều tra của FBI. Cung cho biết, anh cũng không dám chắc chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhân viên của cửa hàng - Zach Owen - không kịp thời can ngăn.

"Có thể tôi sẽ phản kháng và giết gã đó. Hoặc gã đó giết chết cả gia đình tôi. Tôi không biết nữa" - Cung chia sẻ. "Chúa đã bảo vệ chúng tôi. Chúa đã gửi Zach tới để làm điều đó vào đúng thời điểm."

Zach Owen khi vào ngăn cản cũng bị đâm vào chân và phải nhận một vết chém khá sâu ở tay phải. Anh đã phối hợp cùng nhân viên an ninh để bắt giữ nghi phạm, sau này được xác định là Jose Gomez (19 tuổi).

Ám ảnh kỳ thị
Không chỉ là tấn công thể xác, người gốc Á tại Mỹ còn phải chịu đựng sự tra tấn về tinh thần, thứ gây ra rất nhiều ám ảnh.

Tháng 4/2020, một sự vụ như thế đã xảy ra tại Richmond, California. Nó tạo ra sự tổn thương nặng nề với không chỉ Kelly Yang (36 tuổi), mà còn cả con trai cô nữa. Cô rơi vào tình huống buộc phải nói chuyện với 2 con về vấn đề phân biệt chủng tộc dành cho người châu Á - một vấn đề cô chưa bao giờ nghĩ nó sẽ xảy ra sớm như vậy. Khi đó, một cặp vợ chồng da trắng lớn tuổi vì khó chịu với chú chó thả rông của Yang mà lớn tiếng gọi gia đình cô là "bọn phương Đông", đồng thời nói một câu mà cộng đồng người gốc Á rất sợ: "Biến về nơi quê của tụi mày đi."

Năm Covid thứ 2 tại Mỹ: Nỗi ám ảnh đeo bám 3 cha con gốc Á suýt bị đâm tới chết vì sự kỳ thị giữa đại dịch-2Kelly Yang

2 con của cô - một bé trai 10 tuổi và bé gái 6 tuổi - thắc mắc về câu nói đó. Một cách đau lòng, Yang giải thích nó có nghĩa "hãy trở về châu Á."

"Nghĩa là chúng ta không được chào đón ở đây con à" - cô trả lời con như vậy. Và bé trai òa khóc nức nở.

"Tôi không biết cần phải làm gì" - Yang chia sẻ. "Nhưng tôi biết rằng cần thảo luận về nó, thừa nhận nó và ghi nhớ - cũng là thứ chúng ta làm khi có chiến tranh. Chúng ta phải ghi nhớ những gì đã xảy ra."

Douglas Kim - một bếp trưởng 42 tuổi tại New York quả quyết rằng nạn phân biệt chủng tộc Covid-19 đã đứng sau vụ phá hoại nhà hàng Hàn Quốc đạt sao Michelin của ông hồi tháng 4/2020. Ai đó đã dùng bút vẽ lên cửa dòng chữ "Ngừng ăn thịt chó" - ám chỉ định kiến về văn hóa ăn uống của người Hàn. Dẫu vậy, Kim quyết định không trình báo sự vụ.

Năm Covid thứ 2 tại Mỹ: Nỗi ám ảnh đeo bám 3 cha con gốc Á suýt bị đâm tới chết vì sự kỳ thị giữa đại dịch-3Douglas Kim

"Lúc đó tôi thấy rất tức giận, nhưng tôi có những thứ quan trọng hơn cần phải lo" - Kim chia sẻ. "Duy trì kinh doanh cần thiết hơn."

Kim chia sẻ hình ảnh vẽ bậy lên Instagram, nhằm kêu gọi sự chú ý của công chúng vào làn sóng thù địch với người châu Á. Bài đăng nhận được rất nhiều ủng hộ, nhưng rồi cũng dần phai mờ. Dẫu vậy, Kim hy vọng rằng sẽ có ít người tỏ ra định kiến với người gốc Á, ngưng coi họ là người nước ngoài và không thuộc về Mỹ.

"Tôi nghĩ mọi chuyện đều đến từ giáo dục" - Kim chia sẻ. "Nếu bạn nuôi dạy con trẻ theo kiểu đó, chúng sẽ học theo. Tôi nghĩ mọi thứ đang dần thay đổi, nhưng chưa hoàn toàn. Đó là lý do vì sao có người vẽ bức hình đó trước cửa nhà hàng của tôi."

Phân biệt chủng tộc bùng nổ
Stop AAPI Hate - trung tâm báo cáo dành cho người Mỹ gốc Á có trụ sở tại California ghi nhận hơn 3000 sự vụ kể từ giữa tháng 3/2020. Thứ đáng lo nhất là các sự vụ thường không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm. Dẫu vậy, cảnh sát tại một số thành phố lớn xác nhận các vụ phạm tội thù địch với người gốc Á đã tăng rất mạnh trong giai đoạn 2019 - 2020. Thành phố New York tăng từ 3 vụ năm 2019 lên thành 27 vụ trong năm 2020, trong khi Los Angeles tăng từ 7 lên 15. Denver ghi nhận 3 vụ, lần đầu tiên sau 6 năm.

Năm Covid thứ 2 tại Mỹ: Nỗi ám ảnh đeo bám 3 cha con gốc Á suýt bị đâm tới chết vì sự kỳ thị giữa đại dịch-4
Một loạt những vụ phạm pháp nhắm vào người gốc Á cao tuổi tại Mỹ trong 2 tháng qua cũng đang khiến cộng đồng và giới chính trị gia chú ý. Hôm 3/3, Thống đốc California Gavin Newsom thông qua dự luật cấp 1,4 triệu USD cho Stop AAPI Hate và Trung tâm nghiên cứu Á Mỹ của ĐH California, Los Angeles. Số tiền này sẽ đi thẳng vào quỹ cộng đồng, và được dùng để theo dõi các vụ thù địch dành cho người gốc Á.

Cynthia Choi từ Stop AAPI Hate chia sẻ, cô mong rằng các động thái mới sẽ không chỉ nhắm đến từng vụ việc cụ thể, mà còn đưa ra giải pháp. Trên thực tế, những vụ tấn công thù địch mùa dịch vốn bắt nguồn từ tâm lý bài trừ người nhập cư đã ăn sâu tại Mỹ trong hàng thế kỷ. Cô tin rằng việc đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và cộng đồng sẽ giúp giải quyết tận gốc vấn đề.

Năm Covid thứ 2 tại Mỹ: Nỗi ám ảnh đeo bám 3 cha con gốc Á suýt bị đâm tới chết vì sự kỳ thị giữa đại dịch-5Lại nói về gia đình Cung. Anh cùng gia đình tới Mỹ từ 6 năm trước, và suốt thời gian đó chưa từng gặp phải trường hợp phân biệt chủng tộc nào. Giờ đây, mỗi khi nghe những câu chuyện về làn sóng thù địch dành cho người gốc Á, anh lại cảm thấy rất khó khăn. Sau vụ tấn công, Cung đã phải vật lộn với suy nghĩ làm sao mà Gomez - hung thủ - lại muốn giết anh chỉ vì vẻ ngoài. Còn giờ, anh lại chỉ cầu nguyện cho gã mà thôi. Gã hiện đã bị giam giữ với 3 tội danh liên quan đến tội cố ý giết người.

"Tôi có thể tha thứ cho cậu ta, nhưng không chấp nhận thái độ phân biệt chủng tộc cũng như tấn công khủng bố như vậy" - Cung chia sẻ.

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/nam-covid-thu-2-tai-my-noi-am-anh-deo-bam-3-cha-con-goc-a-suyt-bi-dam-toi-chet-vi-su-ky-thi-giua-dai-dich-162210503001017289.htm

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.