Nhà giàu Ấn Độ hoang phí thực phẩm, trẻ em lại đói ăn

Thực trạng đối lập tồn tại ở Ấn Độ khi tầng lớp lắm tiền coi lãng phí đồ ăn là biểu hiện của sự giàu có, thì hàng triệu người nghèo đang chịu đựng nạn đói.

Năm ngoái, tại đám cưới triệu USD của Akash Ambani, con trai của tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani, những món ăn từ các nền văn hóa khác nhau hội tụ trên bàn tiệc.

Đằng sau nó là một đội ngũ đầu bếp chuyên phục vụ nhà hàng 5 sao từ khắp thế giới do gia đình tỷ phú thuê đến.

Măng tây, nấm cục đen và nhiều nguyên liệu khác được vận chuyển từ Italy, do đích thân đầu bếp Italy chế biến. Các món tráng miệng được làm bởi thợ đến từ tiệm bánh sang trọng Laduree ở Paris (Pháp).

Nhà giàu Ấn Độ hoang phí thực phẩm, trẻ em lại đói ăn-1

Đám cưới xa hoa của con trai tỷ phú giàu nhất châu Á với bàn tiệc bày biện hàng trăm món khác nhau.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc và là nơi sinh sống của gần 1,4 tỷ người, đang phải vật lộn với tình trạng lãng phí thực phẩm. Sự phô trương trên bàn ăn của đám cưới gia tộc Ambani chỉ là một ví dụ nhỏ.

Tuy nhiên, lượng thức ăn khổng lồ đó không đồng nghĩa với việc người dân được ăn uống đầy đủ. Thậm chí, nạn đói hoành hành tại nhiều tỉnh trên khắp Ấn Độ.

Dùng đồ ăn để phô trương

Theo một cuộc khảo sát của chính phủ, quốc gia Nam Á này tiêu thụ 67 tấn thức ăn mỗi năm, có giá trị tương đương 14 tỷ USD, con số được đánh giá là đáng kinh ngạc.

Còn theo Báo cáo Dinh dưỡng Toàn cầu năm 2018, 46 triệu trẻ nhỏ ở Ấn Độ bị suy dinh dưỡng, chiếm một phần ba số trẻ em thấp còi trên thế giới. Năm 2019, Ấn Độ nằm trong top 15 quốc gia có tỷ lệ nạn đói cao nhất toàn cầu.

Hồi cuối tháng 3, Ấn Độ thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc để kiểm soát dịch Covid-19. 120 triệu người nghèo, chủ yếu là lao động nhập cư tại các thành phố lớn, rơi vào cảnh thất nghiệp và đồng thời, không có đủ thức ăn để cầm cự qua ngày.

Nhà giàu Ấn Độ hoang phí thực phẩm, trẻ em lại đói ăn-2

Ấn Độ có lượng thực phẩm tiêu thụ cao nhưng nhiều người dân nước này vẫn là nạn nhân của nạn đói.

Bức tranh đối lập hoàn toàn khi nhìn vào những gì diễn ra với tầng lớp giàu có. Giới nhà giàu tại nước này đang ăn nên làm ra và tích lũy nhiều của cải hơn. Đi kèm với thực tế đó là mức tiêu thụ thực phẩm tăng theo cấp số nhân.

Hàng trăm đĩa thức ăn được bày biện công phu, đẹp đẽ với vô số món đa dạng là thứ dễ dàng nhìn thấy ở các đám cưới xa hoa quá mức cần thiết. Tại các lễ hội hay những buổi họp mặt đông người, bữa ăn đặt trước tại nhà hàng, sự dư thừa thực phẩm tồn tại như một điều hiển nhiên.

Các chuyên gia ước tính mỗi năm có 10 triệu đám cưới của giới nhà giàu diễn ra tại Ấn Độ, góp phần đáng kể vào việc lãng phí thực phẩm tại nước này.

Theo thống kê của tổ chức phi chính phủ Feeding India, 10-20% món ăn không được đụng đến và đem bỏ đi trong những lễ cưới đắt đỏ, tốn nhiều tiền tổ chức. Cô dâu chú rể, cha mẹ hai bên sẵn sàng vung tay để mua các loại thịt hảo hạng, món ngon vật lạ cho đến mời đầu bếp có sao Michelin nấu nướng thiết đãi cho hàng trăm vị khách.

Theo các chuyên gia, phim ảnh Bollywood là chất xúc tác thúc đẩy xu hướng tổ chức những đám cưới xa hoa này.

“Phim ảnh đặt ra tiêu chuẩn cho lối sống ở Ấn Độ, từ đám cưới đến du lịch hay ăn mặc thời trang. Dư thừa trở thành biểu hiện cho sự giàu có, lắm tiền”, Aditi Rathore, chuyên gia tổ chức tiệc cưới ở thành phố Delhi, nói.

Nhà giàu Ấn Độ hoang phí thực phẩm, trẻ em lại đói ăn-3

Theo Báo cáo Dinh dưỡng Toàn cầu năm 2018, 46 triệu trẻ em ở Ấn Độ bị suy dinh dưỡng, chiếm một phần ba số trẻ em thấp còi trên thế giới.

Người nghèo ăn đồ sót lại

Việc lãng phí thực phẩm trở nên nghiêm trọng tới mức thành phố Delhi phải ra chính sách mới vào năm ngoái, yêu cầu các gia đình thống kê quy mô, địa điểm, số lượng khách, số thực phẩm bị lãng phí khi tổ chức đám cưới.

Những nhóm hoạt động nỗ lực thay đổi nhận thức về nạn đói bằng cách thiết lập tủ lạnh cộng đồng - nơi người dân có thể gửi số đồ ăn không dùng đến cho những người thiếu thốn.

Robin Hood, một nhóm tình nguyện, đến từng nhà hàng để thu thập đồ ăn thừa và nguyên liệu bị vứt bỏ. Sau khi tái sử dụng chúng để làm món ăn mới, các tình nguyện viên sẽ mang đến trại tạm trú của người vô gia cư, trại trẻ mồ côi.

Roti Bank (Mumbai) được thành lập bởi những người giao nhận thức ăn và là nơi gom góp đồ ăn còn sót lại từ các bữa tiệc để nuôi người vô gia cư trong thành phố.

Nhà giàu Ấn Độ hoang phí thực phẩm, trẻ em lại đói ăn-4

Số thực phẩm bị lãng phí lại các tiệc cưới xa hoa chiếm phần lớn trong số đồ ăn dư thừa tại Ấn Độ mỗi năm.

Các nhà hàng, một trong những nguồn lãng phí thực phẩm lớn nhất ở Ấn Độ, cũng đưa ra các sáng kiến ​​để giảm thiểu vấn đề này. Một số người có nhiệm vụ giám sát, kiểm soát sử dụng đồ ăn thức uống bắt đầu xuất hiện.

“Một bài học lớn vào lúc có đại dịch là tất cả chúng ta cần trở thành những người tiêu dùng có trách nhiệm. Tại các nhà hàng, chúng tôi thực hiện một số biện pháp như lập kế hoạch sản xuất hàng ngày, các đầu bếp đến ca mới bắt đầu chế biến để tránh nấu hàng loạt”, Vijay Sethi, bếp trưởng của Lite Bite Foods, một tập đoàn thực phẩm đang điều hành 156 nhà hàng trên toàn thế giới, cho biết.

Nhà hàng này kết hợp với Robin Hood để đem đồ ăn phân phát cho người nghèo, trẻ em mồ côi sau khi kiểm tra chúng vẫn còn tiêu thụ được.

“Thông điệp gửi đến nhân viên nhấn mạnh chuyện kiểm tra lượng lãng phí ở mọi giai đoạn và lên kế hoạch để nguyên liệu có thể dùng tối đa cho nhiều món theo các cách khác nhau. Trong bối cảnh thực phẩm thiếu thốn như hiện nay, mọi tiết kiệm đều có giá trị”, vị đầu bếp nói.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nha-giau-an-do-hoang-phi-thuc-pham-tre-em-lai-doi-an-post1128083.html?fbclid=IwAR1xprK4ifUfWUd9CjFTt4CDRgQ16ddIXs1hENSsf7EeDcQ15COlzMPxaMw

Ấn Độ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.