Nhiều người chết trên tay các cầu thủ trong thảm kịch sân cỏ Indonesia

Những người có mặt tại sân vận động Kanjuruhan ở Đông Java (Indonesia) tối 1/10 vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thảm kịch sân cỏ đã khiến 125 người thiệt mạng.

Ngay sau khi trận đấu giữa câu lạc bộ Arema và Persebaya Surabaya kết thúc tối 1/10, ba cổ động viên của Arema đã leo xuống từ khán đài, cố gắng gặp các cầu thủ của đội họ trên sân, một khán giả theo dõi từ khán đài phía nam nhớ lại, theo Guardian.

Đó là một trận đấu đáng thất vọng cho đội chủ nhà: Họ đã để thua 2-3 trước Persebaya Surabaya - một đại kình địch. Đây là trận thua đầu tiên của họ trước Persebaya sau 23 năm bất bại trên sân nhà.

Vụ bạo loạn xảy ra tại sân vận động này vào hôm đó đã khiến 125 người thiệt mạng và hơn 320 người bị thương sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay để kiềm chế đám đông, theo Reuters.

Người hâm mộ chết trong vòng tay các cầu thủ
Prayogi, 29 tuổi, cho biết những người hâm mộ có lẽ sẽ lấy sự thất vọng của họ trước màn trình diễn của đội nhà như một cái cớ để xin chụp ảnh. Tại thời điểm đó, mọi thứ vẫn bình lặng, anh nói.

“Hoàn toàn không có xu hướng các cầu thủ của Persebaya bị tấn công”, anh nói thêm.

Tuy nhiên, tình hình đã trở nên nghiêm trọng hơn. Một nhóm nhỏ người hâm mộ đi xuống dường như khiến nhiều cổ động viên rời khán đài hơn. Chẳng mấy chốc mà hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người đã chật cứng cả sân bóng.


Nhiều người chết trên tay các cầu thủ trong thảm kịch sân cỏ Indonesia-1Cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông. Ảnh: Reuters.

Vẫn chưa rõ những diễn biến chính xác của vụ việc, song các video trên mạng xã hội cho thấy cảnh sát sử dụng dùi cui để giải tán đám đông và bắn hơi cay.

Nhiều bệnh nhân tại bệnh viện Kanjuruhan bị chấn thương, khó thở và thiếu oxy do rất đông người tại hiện trường bị ảnh hưởng bởi hơi cay, giám đốc bệnh viện cho biết, theo Reuters.

Ông chia sẻ rằng một số nạn nhân đã bị chấn thương sọ não và danh sách những người thiệt mạng còn có một đứa trẻ 5 tuổi.

Bên cạnh đó, theo huấn luyện viên Javier Roca của Arema, “người hâm mộ đã chết trong vòng tay của các cầu thủ”.

“Tôi suy sụp tinh thần. Tôi cảm thấy gánh nặng, thậm chí là trách nhiệm nặng nề”, ông nói, theo Journal.

Dù hơi cay vốn bị Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA) cấm sử dụng tại các sân vận động, nó đã được bắn ra mà không báo trước, ba nguồn tin nói với Guardian.

Nico Afinta - cảnh sát trưởng khu vực Đông Java - cho biết việc sử dụng hơi cay là phù hợp với quy trình của cảnh sát. Hơi cay được bắn ra vì những người hâm mộ đã hành động phá hoại và tràn vào sân, ông nói.

“Nếu người hâm mộ tuân thủ các quy tắc, sự cố này đã không xảy ra”, ông Afinta nói.

Khán giả Zhafran Nashir, 17 tuổi, cho biết việc sử dụng hơi cay đã gây ra sự hoảng loạn. Anh đã nhìn thấy hơi cay được xịt 5 lần vào những người đang chờ đợi ở đầu phía nam.

“Tôi nghĩ điều đó là không cần thiết vì bạo loạn xảy ra ngay trên sân. Một số người trên sân đã cố gắng vào phòng thay đồ của các cầu thủ, nhưng mọi người trên khán đài chỉ đứng nhìn. Khi hơi cay được bắn ra, mọi người trên khán đài vội vàng rời đi”, anh nói.

"Tôi nghĩ cuộc đời mình sẽ kết thúc ở đây"
Nashir cho biết mọi người đã bị giẫm đạp. Hơi cay cũng được bắn vào phía khán đài nơi anh đứng, và khi cố gắng tháo chạy, anh nhìn thấy hai đứa trẻ đã lạc cha mẹ trong cảnh hỗn loạn.

Prayogi, người đến xem trận đấu cùng vợ và bạn bè, quyết định ở lại cho đến khi tình hình lắng xuống. “Tôi đã đứng trên khán đài ngay cả khi hơi cay bóp nghẹt cổ họng tôi. Trong 20 năm làm cổ động viên của Arema, tôi chưa bao giờ cảm thấy kinh hãi như đêm đó”, anh nói.

Người hâm mộ bị mắc kẹt ở lối ra gần đó. “Cánh cửa dẫn đến cổng thoát hiểm chỉ rộng khoảng 2-3 m”, Prayogi nói và cho biết thêm anh tin rằng nó đã bị khóa. Tuy nhiên, Guardian vẫn chưa thể xác thực thông tin này.

Prayogi cho biết nhiều cổ động viên buộc phải phá khóa chỉ để rời sân. Khu vực đó đông đến mức nhiều người trong số họ bị gãy xương, hoặc bất tỉnh vì ngạt thở, anh cho biết thêm.


Nhiều người chết trên tay các cầu thủ trong thảm kịch sân cỏ Indonesia-2Một người hâm mộ bóng đá cầm một ngọn nến trong buổi cầu nguyện sau vụ bạo loạn sân cỏ. Ảnh: Reuters.

Rahmat, 23 tuổi, đến theo dõi trận đấu cùng với 7 người bạn của mình. Khán đài của anh cũng bị bắn hơi cay, khiến anh chảy nước mắt và cảm thấy khó thở.

“Cảnh sát đã không cảnh báo trước khi họ bắn hơi cay vào chúng tôi”, anh nói. Vì vậy, khi đám đông vỡ ra, nhiều người đã bị hoảng loạn và ngạt thở, anh cho biết thêm.

“Âm thanh của những phát súng vang lên thật chói tai. Khi tôi lần đầu tiên nhìn thấy đám đông và sự hỗn loạn xung quanh mình, tôi đã nghĩ rằng cuộc đời của mình sẽ kết thúc vào đêm nay, rằng tôi chắc chắn sẽ chết ở đây”, anh kể lại.

Rahmat liên tục khẳng định sân vận động đã vượt quá sức chứa. “Một số khán giả thậm chí còn không có được chỗ ngồi”, anh nói.

Anh đã đợi khoảng gần một tiếng trước khi cố gắng rời đi. Vào thời điểm đó, mọi thứ đã lắng dịu bên trong sân vận động, nhưng hỗn loạn đã lan ra đường phố.

“Điều đầu tiên tôi nhìn thấy sau khi rời sân vận động là những người nằm trên mặt đất. Tôi nghĩ họ chỉ say hoặc bất tỉnh. Nhưng sau khi về đến nhà, tôi nhận ra rằng những gì tôi nhìn thấy sau đó là những thi thể”, anh Rahmet nói.

Một quan chức cảnh sát làm việc với Persebaya cho biết chiếc xe của ông sau đó đã bị người hâm mộ Arema ném đá và đốt khi ông cố gắng rời sân vận động.

“Tôi đã nghĩ mình sắp chết”, ông nói. Ông vẫn gặp sang chấn nặng nề khi kể lại trải nghiệm của mình, ông cho biết.

Chia sẻ với Guardian, tất cả những nhân chứng trên đều cho biết họ chưa từng chứng kiến cảnh bạo loạn dã man như vậy trước đây.

“Tôi không bao giờ có thể quên được những gì đã xảy ra đêm đó. Điều đau đớn và kinh hoàng nhất trong tất cả điều này là mở từng túi thi thể ra để xem liệu tôi có thể nhận ra bất kỳ người bạn hoặc gia đình nào không”, anh Prayogi nói.

“Đêm qua, cảm giác như một mạng người không có giá trị”, anh cho biết thêm.

Trong khi đó, Muhammad Rian Dwicahyono, 22 tuổi, khóc khi điều trị gãy tay tại bệnh viện Kanjuruhan, cho biết nhiều người bạn của anh đã mất mạng vì sự việc này, Reuters đưa tin.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-chet-tren-tay-cac-cau-thu-trong-tham-kich-san-co-indonesia-post1361454.html

bạo loạn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.