Những bé gái phải giả trai để được tự do ở Afghanistan

Với mái tóc ngắn và trang phục của nam giới, những bacha posh được phép đi học và ra đường vui chơi cho đến tuổi phải lấy chồng.

Lần cuối cùng Taliban cai trị Afghanistan vào những năm 1980, cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái ở đây thật kinh khủng, CNN đưa tin.

Theo một báo cáo từ Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS), “Taliban cấm phụ nữ đi làm, đi học sau 8 tuổi, cấm họ xuất hiện ở nơi công cộng mà không có họ hàng cùng huyết thống là nam giới hoặc không mặc áo burqa”.

“Những phụ nữ bị buộc tội vi phạm những điều trên hoặc một số hạn chế khác sẽ phải nhận hình phạt nghiêm khắc về thể xác hoặc án tử hình, thường là xét xử công khai”, trích báo cáo.


Những bé gái phải giả trai để được tự do ở Afghanistan-1Trẻ em gái và phụ nữ ở Afghanistan bị tước bỏ nhiều quyền cơ bản của con người. Ảnh: Parwiz/Reuters.

Đối với một số cô bé, giả trai là cách để họ sinh tồn trước tuổi dậy thì. Bacha posh, trong tiếng Dari có nghĩa là “bé gái mặc đồ như con trai”, là một truyền thống cổ xưa có từ trước thời Taliban, trong đó gia đình sẽ chỉ định một bé gái trong nhà sống như một cậu bé.

Điều này cho phép cô bé này tận hưởng quyền tự do của con trai bao gồm học hành, chơi thể thao và quyền được ra đường một mình, hoặc bị áp đặt nghĩa vụ của con trai, chẳng hạn như làm việc.

Tuy nhiên, sau khi dậy thì, các cô bé sẽ trở lại làm vợ và mẹ dù họ có muốn hay không. Và rất nhiều bé gái không muốn vậy, theo Jenny Nordberg, tác giả của cuốn sách về bacha posh The Underground Girls of Kabul.

Bị tước bỏ nhiều quyền cơ bản
Trước năm 2001, hầu hết trẻ em gái không đi học nên mù chữ. Chỉ có một số trường nữ sinh hoạt động trong bí mật, về cơ bản là nhóm học tập tạm bợ.

Phụ nữ hoặc những chị gái trong gia đình từng được giáo dục dưới thời người Nga sẽ dạy con cái hoặc em út của mình. Họ nói rằng mình dạy kinh Qur’an nhưng thực ra, họ dạy trẻ em các môn khác như toán học, ngoại ngữ.

Một đứa con gái là điểm yếu của gia đình vì không thể bảo vệ mái ấm như con trai. Bởi vậy, từ lúc sinh ra, họ chỉ được chuẩn bị cho một điều duy nhất: kết hôn.

Để trở thành một đối tượng kết hôn tiềm năng, các bé gái phải hạn chế di chuyển. Do đó, họ không nên chơi đùa hay ra đường nhiều. Họ nhất định không được đọc sách, chơi thể thao hay tỏ ra ồn ào. Họ phải tỏ ra nghiêm tục và yên lặng, hạ thấp ánh mắt của mình.

Những bé gái phải giả trai để được tự do ở Afghanistan-2Nhiều bé gái Afghanistan sống cuộc đời như con trai để được đến trường hoặc đi làm. Ảnh: National Geographic.

Ngay cả những bậc phụ huynh có học thức, tư tưởng tiến bộ cũng không muốn con gái họ bị Taliban bắt cóc hay gặp bất kỳ nguy hiểm nào.

Một khi cô gái bắt đầu có kinh nguyệt, tức có thể thụ thai và mang bầu, cô ấy sẽ được gả đi và trở thành “tài sản” của chồng. Đây có thể là một người đàn ông cô chưa gặp hay nói chuyện bao giờ.

Afghanistan thường xuyên đứng đầu danh sách những nơi tồi tệ nhất trên thế giới đối với phụ nữ và trẻ em gái. Song, một số điều đã được cải thiện sau khi có sự xuất hiện của nước Mỹ vào năm 2001.

Trong 20 năm qua, một thế hệ mới được hình thành chủ yếu ở thành thị, trung tâm lớn như Kabul, theo nhà báo người Thụy Điển Nordberg. Cả một thế hệ được đến trường và lên cấp đại học.

Nhiều người sở hữu điện thoại thông minh có kết nối Internet và nắm được điều gì đang xảy ra trên thế giới.

Những bé gái phải giả trai để được tự do ở Afghanistan-3Một số gia đình vì muốn có con trai nên bắt con gái làm bacha posh. Ảnh: CNN.

Tỷ lệ tử vong ở các sản phụ giảm, mặc dù vẫn ở mức cao đáng báo động. Nhiều phụ nữ tham gia các ngành nghề như bác sĩ, chính trị gia và nhà báo.

Nhiều trẻ em gái được đi học hơn. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hiếm có bé gái nào được học tiểu học vào năm 2000, nhưng hơn 85% đã đến trường vào năm 2012. Một số thiếu niên còn tham gia vào đội chế tạo robot đại diện cho Afghanistan.

Tuy nhiên, một báo cáo của UNICEF năm 2018 cho thấy cứ 3 cô gái Afghanistan thì có 1 người kết hôn trước tuổi 18. Chỉ 19% bé gái dưới 15 tuổi biết chữ, và 60% trong số 3,7 triệu trẻ em không được đến trường trong năm đó là bé gái.

Giả trai vì gia đình
Theo lập luận của Nordberg, bacha posh là truyền thống bắt nguồn từ sự bất bình đẳng. Tuy nhiên, đó cũng là một trong những cách duy nhất để bé gái có được cảm giác tự do.

Với mái tóc cắt ngắn, mặc áo sơ mi và quần dài, cô bé được tăng phạm vi di chuyển. Cô có thể chơi thể thao, giúp mẹ làm một số việc vặt ngoài trời. Về cơ bản, cô bé được nhìn thấy nhiều thứ hơn bên ngoài căn nhà.


Những bé gái phải giả trai để được tự do ở Afghanistan-4Bất bình đẳng giới sâu sắc trong xã hội là nguyên nhân tạo nên văn hóa bacha posh ở Afghanistan. Ảnh: National Geographic.

Thậm chí, bacha posh cũng được đi học và đến trường một cách an toàn. Thực tế cho thấy đường đến trường của một bé gái rất nguy hiểm.

“Đây là một xã hội mà trẻ em trai và đàn ông có hầu như mọi quyền. Nếu trẻ em gái có quyền, họ sẽ không phải giả vờ thuộc giới có đặc quyền hơn. Với một xã hội có sự tách biệt lớn đến vậy, chắc chắn sẽ luôn có những người cố gắng vượt sang phía bên kia”, Nordberg nói.

Nhà báo Nordberg cho biết có một số lý do khiến phụ huynh chỉ định con gái làm bacha posh.

Chẳng hạn, gia đình đó không có con trai, tức không có ai để bảo vệ gia đình và chăm sóc bố mẹ về già. Phần lớn người Afghanistan quan niệm rằng thà có bacha posh còn hơn chỉ mỗi con gái.

Gia đình này có thể nghèo khó, cần bacha posh để lao động, kiếm thu nhập nếu bố không có khả năng đi làm hoặc mẹ là góa phụ.

Mặt khác, lý do khiến phụ huynh biến con gái thành bacha posh là bởi muốn cô bé được học hành. Nếu gia đình có 2 con trai và 1 con gái, bé gái sẽ được ăn mặc như con trai và đi học cùng các anh em ruột.

“Truyền thống bacha posh đã tồn tại ở Afghanistan rất lâu, từ trước khi Taliban nắm quyền, và nó sẽ duy trì cho đến ngày phụ nữ nước này có được nhân quyền. Điều đó nói lên rằng xã hội Afghanistan sẽ càng có nhiều phụ nữ che giấu, ngụy trang hơn để có thể làm được một số công việc cụ thể”, Nordberg chia sẻ với CNN.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nhung-be-gai-phai-gia-trai-de-duoc-tu-do-o-afghanistan-post1259648.html

phụ nữ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.