Thảm kịch Covid-19 ở Indonesia: Hệ thống y tế quá tải, nhiều người nằm chờ chết ở nhà

Sự tăng vọt số ca mắc Covid-19 khiến các bệnh viện ở Indonesia phải từ chối tiếp nhận thêm bệnh nhân và nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài nằm chờ chết ở nhà.

Không đủ người chôn cất các thi thể

Trong một khu phố ở Bogor, ngoại ô thủ đô Indonesia, thêm một gia đình nữa vừa mất đi người thân vì Covid-19.

Ngồi trước thi thể cha, người phụ nữ trẻ khóc nức nở trong khi tay nắm chặt chiếc vòng cầu nguyện.

"Hãy mở mắt ra đi cha, xin đừng ngủ nữa", người phụ nữ trẻ gào khóc khi những người làm dịch vụ tang lễ cẩn thận bọc thi thể cha của cô vào những lớp túi nhựa đã được khử trùng.

Thảm kịch Covid-19 ở Indonesia: Hệ thống y tế quá tải, nhiều người nằm chờ chết ở nhà-1Thảm kịch Covid-19 ở Indonesia. Ảnh: Al Jazeera

Những tiếng than khóc đã trở nên quá quen thuộc với Muhammad Jauhar, 32 tuổi, một trong các thành viên hỗ trợ các gia đình trong khu phố này.

"Chúng tôi làm những công việc khác nhau. Tôi lái xe chở những người chết và chuẩn bị nhiều thứ, chẳng hạn như quan tài hay vải liệm. Tôi cũng chuẩn bị một số vật dụng làm sạch, bọc các thi thể và đưa thi thể tới nghĩa địa", Jauhar chia sẻ.

Jauhar không phải là một người làm dịch vụ tang lễ mà là giám đốc sản xuất chương trình truyền hình. Tuy nhiên, khi Indonesia chật vật đối phó với sự tăng vọt số ca tử vong vì Covid-19 trong thời gian gần đây, có quá nhiều gia đình đau buồn và không có đủ người chôn cất các thi thể, anh đã tham gia làm công việc này.

Tại địa điểm chôn những người qua đời vì Covid-19, những người đào mộ đã làm việc cả đêm để theo kịp khối lượng công việc của mình.

Những tình nguyện viên như Jauhur hiện là một lực lượng quan trọng làm các công việc tang lễ ở Indonesia hiện nay.

"Tác động của Covid-19 quá lớn. Số người tử vong ở Bogor thực sự rất cao. Đây là những điều chúng tôi có thể làm để hỗ trợ các gia đình này. Chúng tôi không nhận bất kỳ khoản chi trả nào. Chúng tôi làm điều này xuất phát từ trái tim", Jauhar cho hay.

Tháng này, Indonesia đã vượt Ấn Độ về số ca mắc trong ngày và vượt Brazil về số ca tử vong trong ngày vì Covid-19. Tổng số ca tử vong ở Indonesia hiện là 73.000 người. Ngày 19/7, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 1.338 trường hợp tử vong vì Covid-19, mức cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, con số này vẫn thấp hơn so với thực tế bởi tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 ở nước này vẫn quá chậm chạp.

Những bệnh viện quá tải ở Indonesia hiện nay buộc phải từ chối những người mắc bệnh và ngày càng nhiều người qua đời ở nhà trong tình trạng bị cách ly. Nhiều người thậm chí không có cơ hội được điều trị y tế.

Biểu hiện của hệ thống y tế sụp đổ

“Lapor Covid-19” là một nhóm nghiên cứu độc lập thu thập và đối chiếu các dữ liệu liên quan đến đại dịch Covid-19.

Ahmad Arif, một trong những người đồng sáng lập nhóm này, cho biết nghiên cứu của họ chỉ ra số ca tử vong thực sự ở Indonesia cao hơn 3 - 5 lần số liệu của chính phủ.

Thảm kịch Covid-19 ở Indonesia: Hệ thống y tế quá tải, nhiều người nằm chờ chết ở nhà-2Trong khi các bệnh viện quá tải bởi đại dịch Covid-19 thì ngày càng nhiều người đang chết ở nhà. Ảnh: Al Jazeera

"Hầu hết những người qua đời trong tình trạng cách ly đều gặp rắc rối trong việc nhập viện. Tình trạng của họ xấu đi, họ đã tới bệnh viện nhưng vì các giường bệnh đều đã kín chỗ nên họ đã qua đời ở nhà", Ahmad Arif cho hay.

"Chúng tôi coi số ca tử vong của những người tự cách ly ở nhà là một biểu hiện cho thấy sự sụp đổ của các dịch vụ y tế".

Cuộc khủng hoảng y tế tại Indonesia đang xảy ra ở ngày càng nhiều tỉnh ở vùng sâu vùng xa.

"Những trường hợp qua đời khi tự cách ly đã bắt đầu xảy ra ở bên ngoài Java. Tuần trước, chúng tôi nhận được dữ liệu về những người qua đời ở Riau, Lampung, East Nusa Tenggara, Kalimantan và nhiều nơi khác", Ahmad cho hay.

"Đây là một dấu hiệu cho thấy những ca mắc này không được thống kê trong số liệu của các cơ quan y tế".

Ở Bogor, chỉ có 3 trong 50 tình nguyện viên trong đội ngũ làm công việc chôn cất là phụ nữ. Theo những quy định tôn giáo, chỉ có người cùng giới tính mới được làm công việc tắm rửa và trùm vải liệm cho các thi thể.

Nurhasanah, 37 tuổi, là một trong những tình nguyện viên nữ, đã làm công việc này từ 8h tối - 5h sáng hôm sau.

Tuy nhiên, khi số người chết tăng lên, thời gian làm việc của cô kéo dài hơn và đôi khi cô phải làm việc tới hơn 14 tiếng/ngày.

"Tôi là một người nội trợ. Trước đây tôi chỉ làm các công việc nhà. Tuy nhiên, sau khi thấy tình trạng của các gia đình có người thân qua đời vì Covid-19, từ sâu trong trái tim, tôi thực sự muốn giúp họ".

Trong tuần qua, Nurhasanah đã hỗ trợ trong việc chuẩn bị chôn cất từ 3 - 4 thi thể/ngày.

Nurhasanah cho biết không phải lúc nào cô cũng làm sạch được cho các thi thể do các giao thức về y tế, vì thế, trong một vài trường hợp cô làm sạch các thi thể này bằng chất khử trùng và cầu nguyện cho họ.

"Chúng tôi làm điều này từ trái tim. Chúng tôi thực sự muốn giúp họ. Tôi nghĩ về họ ngay cả khi đã trở về nhà"./.

Theo VOV

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tham-kich-covid-19-o-indonesia-he-thong-y-te-qua-tai-nhieu-nguoi-nam-cho-chet-o-nha-875455.vov

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.