Thế giới có thể vỡ mộng miễn dịch cộng đồng

Nhiều chuyên gia nhận định thế giới vẫn chưa - và có khả năng sẽ không bao giờ - đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng dù chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 đạt thành công đáng kể.

Vào tháng 5/2020, một số nhà khoa học dự đoán nhiều khu vực trên thế giới có thể không bao giờ đạt được miễn dịch cộng đồng với virus SARS-CoV-2. Niềm tin về miễn dịch cộng đồng dựa trên lý thuyết rằng khi một số lượng lớn người có miễn dịch thì sẽ hình thành miễn dịch cộng đồng ngăn chặn sự lây lan, virus sẽ bị tiêu diệt khi ngày càng có ít người mắc.

Giả thuyết này cho đến nay vẫn đúng, ngay cả khi vaccine trở nên dễ tiếp cận hơn ở các quốc gia phát triển, và ngày càng có nhiều người có miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc do từng mắc Covid-19, theo Guardian.

Không còn ngưỡng miễn dịch cộng đồng lý tưởng

Ngưỡng miễn dịch cộng đồng thường bị hiểu nhầm là mục tiêu chung cần đạt để chấm dứt đại dịch. Nhưng ngưỡng này luôn thay đổi: Nó phụ thuộc vào mức độ lây truyền của mầm bệnh, cũng như các đặc điểm về khả năng miễn dịch và hành vi của cộng đồng.

Ví dụ, nếu một loại virus rất dễ lây lan, có khả năng lây nhiễm sang người dễ dàng, hoặc cộng đồng dân cư rất đông đúc và thường xuyên giao lưu qua lại, phần lớn người dân cần miễn dịch để ngăn chặn sự lây lan.

Ngược lại, nếu virus ít lây truyền và người dân không thường xuyên đi lại giữa các khu vực, thì số lượng người cần có miễn dịch sẽ ít hơn. Tùy trường hợp mà ngưỡng miễn dịch cộng động chính xác sẽ khác nhau.

Chủng virus SARS-CoV-2 gốc có ngưỡng miễn dịch cộng đồng ở khoảng 60-75%. Tuy nhiên, các biến chủng gần đây dễ lây lan hơn, chẳng hạn như Delta và Omicron, khiến ngưỡng này nâng lên tới 80-90%.

Trên thực tế, đối với Omicron, khả năng miễn dịch hiện có để không nhiễm virus và lây cho người khác thấp hơn nhiều, dù khả năng chống lại bệnh nặng vẫn cao. Vì vậy, ngay cả khi 90% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ, Omicron vẫn không ngừng lây lan.


Thế giới có thể vỡ mộng miễn dịch cộng đồng-1
Đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng với virus SARS-CoV-2 là điều gần như không thể. Ảnh: AP.


Những thay đổi về hành vi như đeo khẩu trang, làm việc tại nhà và tránh tụ tập đông người có thể làm chậm quá trình lây lan của virus. Tuy nhiên, ngay khi các biện pháp phòng ngừa này được nới lỏng, hoặc hành vi của công chúng thay đổi, việc lây lan sẽ lại tiếp tục, khiến ngưỡng miễn dịch cộng đồng phải nâng lên so với các khu vực cẩn trọng hơn.

Trước đó, một số nhà khoa học cho rằng con người đang tiến gần đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng và lây nhiễm tự nhiên. Nhưng một năm sau khi chiến dịch tiêm chủng Covid-19 bắt đầu, số ca mắc liên tiếp lập kỷ lục ở nhiều khu vực, bao gồm cả những nơi có tỷ lệ tiêm chủng khá cao.

Biến chủng Delta và Omicron thúc đẩy sự gia tăng số ca mắc nhờ khả năng lây truyền cao và né tránh miễn dịch, gây ra tình trạng tái nhiễm.

Tình huống này nhấn mạnh rằng chúng ta vẫn chưa - và có khả năng sẽ không bao giờ - đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng dù chiến dịch tiêm vaccine thành công. Bên cạnh đó, các quốc gia sẽ không thể chống đỡ được trước những đợt bùng phát dịch gần như vô tận.

Hiện vẫn cần biện pháp làm chậm sự lây lan

Do đó, chúng ta đang chuyển từ quá trình đại dịch sang bệnh đặc hiệu. Trong một bài báo xuất bản trên tạp chí Science vào tháng 1/2021, nhóm tác giả đã dự đoán giống như các loại virus corona khác hiện gây cảm lạnh thông thường, Covid-19 cuối cùng sẽ chuyển thành bệnh truyền nhiễm tiếp tục lưu hành trong cộng đồng nhưng ở mức độ thấp hơn khi con người phơi nhiễm và được chủng ngừa. Nói cách khác, virus SARS-CoV-2 sẽ biến thành loại virus đặc hiệu.

Một khi Covid-19 là bệnh đặc hiệu, khả năng miễn dịch ngăn chặn lây nhiễm nhanh chóng suy yếu. Virus vẫn dễ dàng lây lan nhưng khả năng miễn dịch chống lại bệnh nặng sẽ tồn tại lâu hơn, khiến bệnh chuyển sang nhóm trẻ tuổi chưa bao giờ phơi nhiễm hoặc tiêm phòng. Số trường hợp bệnh nặng, chủ yếu ảnh hưởng đến người trưởng thành không có khả năng miễn dịch trước đó, sẽ giảm.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt được thời điểm này. Các tác giả cảnh báo những hành vi can thiệp để làm chậm sự lây lan của virus vẫn quan trọng trong quá trình chuyển từ đại dịch sang bệnh đặc hiệu. Điều này là nhằm tránh gia tăng số ca nhập viện và tử vong, cũng như những người gặp triệu chứng Covid-19 kéo dài - hiện ảnh hưởng tới 1,3 triệu người chỉ tính riêng ở Anh.

Tiêm phòng (và tiêm nhắc lại định kỳ) là cần thiết để giảm thiểu những kết quả xấu nhất trong quá trình này.


Thế giới có thể vỡ mộng miễn dịch cộng đồng-2
Một khi Covid-19 là bệnh đặc hiệu, virus sẽ lây lan chủ yếu ở nhóm trẻ tuổi chưa bao giờ phơi nhiễm hoặc tiêm phòng. Ảnh: Flash90.


Hơn hết, điều cần lưu ý là sự hình thành khả năng miễn dịch cộng đồng có lợi cho mọi đối tượng, ngay cả khi không thể đạt được ngưỡng lý tưởng. Nguồn lực chăm sóc sức khỏe được bảo toàn khi số ca nặng giảm đáng kể. Khi những người được chủng ngừa nhiễm virus, họ có thể bị ốm trong thời gian ngắn hơn và có tải lượng virus thấp, giảm lây lan cho người khác.

Khả năng bảo vệ sẽ nhân lên gấp bội khi chỉ có những người đã tiêm phòng tiếp xúc với nhau, vì cả hai đều giảm tỷ lệ bị nhiễm và lây lan cho người khác.

Tuy nhiên, vẫn còn những nơi không thể kiểm soát được sự lây lan của Covid-19 do còn nhiều người chưa tiêm chủng, dẫn đến sự xuất hiện của các biến chủng nguy hiểm mới.

Cho đến nay, triệu chứng của người nhiễm Omicron ít nghiêm trọng hơn so với người nhiễm các chủng trước đó. Sự cạnh tranh giữa các biến chủng, ví dụ như giữa Delta và Omicron, sẽ tạo lợi thế.

Nhưng các biến chủng có triệu chứng nhẹ hơn vẫn có thể gây áp lực lên bệnh viện nếu chúng lây lan quá nhanh. Thúc đẩy nhanh chóng tiêm phòng trên toàn cầu, đặc biệt là ở nơi đang chứng kiến bất bình đẳng và bài vaccine, vẫn là một trong những cách hiệu quả nhất nhằm làm chậm sự xuất hiện của các biến chủng mới.

Các quốc gia có thể chuẩn bị cho giai đoạn sống chung với Covid-19 ngay bây giờ bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận với vaccine, khẩu trang và xét nghiệm, đồng thời yêu cầu sử dụng những "vũ khí" này ở khu vực nguy cơ cao.

Ngoài ra, chính phủ cần đầu tư vào nghiên cứu và phân phối các phương pháp điều trị để ngăn ngừa hệ quả kéo dài của Covid-19, cũng như hỗ trợ cho những người đang vật lộn với triệu chứng kéo dài.

Cuối cùng, các nước cũng phải tăng cường cơ sở hạ tầng y tế công cộng để ngăn chặn đại dịch trong tương lai, thiết lập quy định về môi trường làm việc an toàn và giảm thiểu sự chênh lệch về bất bình đẳng trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe. Covid-19 sẽ không biến mất, nhưng con người có thể kiểm soát nó bằng chính sách sáng suốt và hành động tập thể.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/the-gioi-co-the-vo-mong-mien-dich-cong-dong-post1288822.html?fbclid=IwAR1nm8GrxwzLGBsHcdCAFynq8dbbZIB_52NLoAHji6yNpz7IM3QcVHRBSuU

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.