Theo chân phóng viên Reuters đi tìm sự thật đằng sau những công ty buôn nội tạng người tại Mỹ

Sau khi sử dụng với mục đích y tế, phần thi thể của người đã khuất không hề được hỏa táng một cách tử tế như lời hứa ban đầu....

Sau khi sử dụng với mục đích y tế, phần thi thể của người đã khuất không hề được hỏa táng một cách tử tế như lời hứa ban đầu mà sẽ bị ném thẳng vào lò đốt cùng với các loại rác thải khác.

Dạo quanh các nhà tang lễ tại thành phố tội lỗi Las Vegas, người ta có thể bắt gặp những tấm giấy quảng cáo với hình ảnh một cặp đôi nắm tay nhau cùng dòng giới thiệu đầy hấp dẫn: "Cung cấp lựa chọn khi bạn cần chúng nhất".

Chủ nhân của dịch vụ này chính là Southern Nevada Donor Services, một công ty chuyên hỗ trợ cho các gia đình không đủ điều kiện tài chính để tổ chức tang lễ tử tế cho thân nhân của mình.

Và để nhận sự giúp đỡ này, họ phải đồng ý làm thủ tục hiến tặng thi thể người quá cố cho mục đích nghiên cứu y học. Nhưng trên thực tế, liệu mọi chuyện có thực sự tốt đẹp như vậy?

Sự thật đằng sau những lời hứa "có cánh"

Mùa thu năm 2015, người dân sinh sống gần một khu nhà kho nằm tại ngoại ô thành phố Las Vegas đã gọi điện cho cơ quan chức năng để phàn nàn về sự xuất hiện của những chiếc hộp dính đầy máu được vứt trong thùng rác công cộng.

"Chúng tôi cử một tổ công tác tới đây nhằm kiểm tra tình hình thực tế. Ngoài ra, thông tin về các hoạt động lạ diễn ra trên phần sân rộng bên ngoài khu nhà kho cũng cần được làm rõ".

Theo chân phóng viên Reuters đi tìm sự thật đằng sau những công ty buôn nội tạng người tại Mỹ - Ảnh 1.

Người đàn ông trong trang phục bảo hộ y tế đang cầm vòi xịt nước nhằm mục đích "rã đông" xác chết.

Có mặt tại hiện trường, các thanh tra đã bắt gặp hình ảnh một người đàn ông trong trang phục bảo hộ y tế đang cầm vòi xịt nước nhằm mục đích "rã đông" thi thể dưới ánh nắng mặt trời.

Được biết, khu nhà kho này thuộc sở hữu của Southern Nevada Donor Services, một công ty chuyên thu thập rồi phân cắt thi thể người quá cố thành nhiều phần khác nhau để bán lại cho các tổ chức nghiên cứu khoa học.

Hoạt động kinh doanh bất hợp pháp

Mỗi năm, có hàng ngàn người dân tại Mỹ đã quyết định hiến tặng thi thể sau khi qua đời nhằm mục đích đóng góp một phần nhỏ bé cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nhưng trong nhiều trường hợp thì lòng tốt này lại bị các công ty như Southern Nevada Donor Services lợi dụng để kiếm lời theo cách bất hợp pháp.

Mặc dù tự xưng là "ngân hàng mô không cấy ghép" để nâng cao hình ảnh, song những công ty như vậy vẫn bị xã hội gọi bằng cái tên khá man rợ như "kẻ buôn xác chết".

Theo chân phóng viên Reuters đi tìm sự thật đằng sau những công ty buôn nội tạng người tại Mỹ - Ảnh 2.

Những thi thể bị chia ra trước khi đem đi bán cho những đối tượng cần sử dụng.

Theo luật pháp Mỹ quy định thì hoạt động kinh doanh nội tạng, tế bào gốc hay biểu mô sống dùng cho cấy ghép nhằm mục đích thương mại đều được coi là bất hợp pháp. Ngoài ra, quy trình hiến tặng và cấy ghép cũng bị chính quyền nước này kiểm soát rất gắt gao.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh thi thể hay những bộ phận cắt ra từ xác người chết để nghiên cứu khoa học lại không chịu bất kỳ chế tài cụ thể nào từ hệ thống luật pháp liên bang.

Theo chân phóng viên Reuters đi tìm sự thật đằng sau những công ty buôn nội tạng người tại Mỹ - Ảnh 3.

Quy trình hiến tặng và cấy ghép cũng bị chính quyền tại Mỹ kiểm soát rất gắt gao.

Nói cách khác, bất kỳ cá nhân nào tại Mỹ cũng có thể trực tiếp tham gia vào hoạt động mổ xẻ và buôn bán bộ phận thi thể người sau khi hoàn tất quy trình đăng ký kinh doanh đơn giản.

"Các công ty này đang kiếm lợi nhuận từ việc buôn bán con người, đó là một lĩnh vực kinh doanh tự do không hề được kiểm soát", người đứng đầu chương trình hiến tặng thi thể của trường đại học University of Minnesota Medical School bà Angela McArthur nhấn mạnh.

Lợi dụng sự đau khổ của những gia đình nghèo khó

Mô hình kinh doanh của những công ty như Southern Nevada Donor Services đều dựa vào khả năng tiếp cận nguồn thi thể người chết miễn phí dồi dào từ cộng đồng dân cư nghèo khó.

Trong nhiều trường hợp, các gia đình đã dốc cạn nguồn tài chính ít ỏi nhằm thanh toán khoản chi phí y tế khổng lồ xuyên suốt quá trình thân nhân phải chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo.

Và tới khi bệnh tật giành chiến thắng thì chính bản thân họ cũng trở nên kiệt quệ và chẳng còn đủ tiền để thực hiện lễ an táng tử tế cho người đã khuất.

Theo chân phóng viên Reuters đi tìm sự thật đằng sau những công ty buôn nội tạng người tại Mỹ - Ảnh 4.
Những cộng đồng dân cư nghèo khó là nguồn cung cấp thi thể dồi dào cho các công ty "buôn bán xác chết".

Nói cách khác, các công ty như Southern Nevada Donor Services đã lợi dụng sự khó khăn từ cộng đồng dân cư nghèo để thu thập xác chết với mức giá gần như miễn phí. Lợi nhuận mà họ thu về được thường cao hơn rất nhiều so với khoản tiền phải chi trả cho việc hỗ trợ dịch vụ tang lễ.

"Nếu không có đủ tiền thì họ chỉ có một lựa chọn duy nhất, đó là hiến xác. Dẫu vậy, thi thể người quá cố có thể sẽ bị đối xử một cách thiếu tôn trọng như nhưng gì mà công ty Southern Nevada Donor Services đang thực hiện", ông Dawn Vander Kolk, một nhân viên dịch vụ xã hội tại bang Illinois nói.

Không thể phủ nhận vai trò của những thi thể được hiến tặng trong lĩnh vực giáo dục, huấn luyện hoặc nghiên cứu khoa học.

Đa phần các bác sĩ phẫu thuật đều khẳng định chưa có loại hình nộm hướng dẫn hay ứng dụng giả lập nào có thể mô phỏng chính xác phản ứng xúc giác hay trải nghiệm cảm xúc mà nhân viên y tế phải trải qua khi tiến hành mổ xẻ trên cơ thể người thật.

Bác sĩ Armand Krikorian thuộc hiệp hội American Federation for Medical Research cho biết: "Nếu thiếu việc thí nghiệm trên tuyến tụy lấy từ thi thể người thật, tôi cùng nhiều đồng sự khó mà phát triển được phương pháp điều trị mới cho căn bệnh tiểu đường Type 1".

Theo chân phóng viên Reuters đi tìm sự thật đằng sau những công ty buôn nội tạng người tại Mỹ - Ảnh 5.

Những thi thể được hiến tặng có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, huấn luyện hoặc nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có hệ thống đăng ký quốc gia chính thức dành cho các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp và buôn bán thi thể người chết.

Rất nhiều công ty như Southern Nevada Donor Services hoàn toàn có thể hoạt động một cách "nặc danh" mà không hề được xã hội biết tới. Họ sẽ lặng lẽ ký những thỏa thuận hiến xác rồi tiến hành cắt xẻ nhằm mục đích kiếm lời theo cách bất hợp pháp.

Ít nhất 1.638 thi thể bị sử dụng sai mục đích

Những điều luật liên quan tới vấn đề bảo quản hay sử dụng những thi thể "được hiến tặng cho nghiên cứu khoa học" chưa hề được ban hành tại một số bang ở Mỹ.

Theo một thống kê không đầy đủ thì từ năm 2004 tới nay, đã có ít nhất 1.638 thi thể bị sử dụng sai mục đích hay chịu sự xâm phạm nghiêm trọng. Nhiều trường hợp còn bị cắt xẻ bằng cưa máy thay vì các dụng cụ y tế chuyên dụng hoặc được bảo quản trong điều kiện kém vệ sinh.

Thậm chí, sau khi hoàn thành mục đích của đơn vị sử dụng, chúng thường bị ném thẳng vào lò đốt cùng các loại rác thải y tế chứ không được hỏa táng một cách ổn thỏa như lời hứa ban đầu.

Theo chân phóng viên Reuters đi tìm sự thật đằng sau những công ty buôn nội tạng người tại Mỹ - Ảnh 6.

Ít nhất 1.638 thi thể bị sử dụng sai mục đích hay chịu sự xâm phạm nghiêm trọng.

Sau khi hoàn thành thủ tục hiến tặng, gia đình của những người quá cố luôn nghĩ thi thể của thân nhân đang được sử dụng với mục đích nghiên cứu khoa học cao cả cho tới khi nhận ra sự thật.

Vào tháng 12/2016 vừa qua, hãng tin Reuters đã phanh phui việc hơn 20 thi thể được hiến tặng bị một công ty phân phối xác tại bang Arizona bán lại cho lực lượng quân đội như một "vật thế mạng" trong các thử nghiệm liên quan tới vật liệu nổ.

Bên cạnh đó, một công ty "buôn xác" khác tại thành phố Detroit vừa phải ra hầu tòa do cung cấp hàng chục bộ phận thi thể lấy từ xác của những người mắc bệnh viêm gan, hay thậm chí là HIV mà không hề đưa ra cảnh báo cho đơn vị sử dụng.

Theo chân phóng viên Reuters đi tìm sự thật đằng sau những công ty buôn nội tạng người tại Mỹ - Ảnh 7.

Gia đình của những người quá cố luôn nghĩ thi thể của thân nhân đang được sử dụng với mục đích nghiên cứu khoa học cao cả.

Giáo sư Todd Olson thuộc trường đại học Albert Einstein College of Medicine khẳng định: "Đó là món quà cuối cùng mà người quá cố để lại cho nhân loại, vì thế chúng ta cần phải tôn trọng nó.

Bởi vậy, hệ thống luật pháp cần đảm bảo những đơn vị tiến hành thu thập, phân phối và sử dụng thi thể người chết phải tuân thủ theo tiêu chuẩn nhất định về tính minh bạch, khả năng truy xuất cũng như làm đúng quyền hạn được cho phép trong đơn xin hiến tặng".

Theo Thời Đại


thi thể

hiến tạng

buôn nội tạng


Loại thực phẩm ai nhìn vào cũng sợ nhưng lại bổ dưỡng ngang nhân sâm, tổ yến
Khác với vẻ bề ngoài đáng sợ, thực phẩm này với hàm lượng dinh dưỡng phong phú và đa dạng, sẽ mang đến những công dụng bất ngờ trong việc tăng cường sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và làm đẹp mà không phải ai cũng biết.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.