'Thu nhập 2 USD/ngày, ở nhà tránh lây nhiễm virus là xa xỉ với tôi'

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Ấn Độ, việc giữ khoảng cách xã hội để ngăn ngừa virus lây lan khiến người lao động nghèo không thể kiếm tiền và rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Theo Bloomberg, Baby Devi, một phụ nữ Ấn Độ 38 tuổi làm nghề dọn nhà, mất 80% thu nhập hàng tháng khi dịch virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) bùng phát. Hai trong số 3 người chủ đã ngừng thuê cô. Giống như nhiều người Ấn Độ khác, họ bắt đầu giữ khoảng cách xã hội để ngăn ngừa virus lây lan.

Devi phải nuôi 4 đứa con và giờ chỉ kiếm được vỏn vẹn 0,67 USD mỗi ngày. Gia đình cô phải sống trong một căn phòng chật chội, dùng chung nhà vệ sinh với 2 hộ gia đình khác. Khi dịch Covid-19 bùng phát, họ là những người đứng trước nguy cơ cao nhất.

“Tình hình đang trở nên khó khăn. Ra ngoài là một vấn đề, nhưng ở nhà cũng là một vấn đề”, cô Devi tuyệt vọng. Đó là vấn đề chung của 450 triệu người lao động "không chính thức" ở Ấn Độ.

Họ là những người lao động không có giấy tờ với mức lương tối thiểu, những người nghèo lên thành phố kiếm sống. Họ thường gặp hạn chế về chăm sóc sức khỏe, không có bảo hiểm y tế hay được đảm bảo tài chính.

Thu nhập 2 USD/ngày, ở nhà tránh lây nhiễm virus là xa xỉ với tôi-1Người nghèo Ấn Độ đối mặt với rất nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: AP.

Thu nhập 2 USD/ngày
Câu chuyện của Devi là tình trạng chung của hơn 1/3 người lao động Ấn Độ, thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, đóng góp 50% GDP cho nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.

Khu vực này sử dụng hơn 90% tổng lực lượng lao động Ấn Độ, bao gồm hơn 8,8 triệu hộ gia đình sống trong các khu ổ chuột rải rác khắp các thành phố nước này.

Họ chỉ kiếm trung bình khoảng 2 USD mỗi ngày nhờ công việc sửa ống nước, giúp việc, thu gom rác hay bán hàng rong. Những người này không thể làm việc tại nhà, dành thời gian nghỉ ngơi hay tránh đến nơi công cộng để tạo “khoảng cách xã hội”.

Hôm 22/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi 1,3 tỷ người dân ở trong nhà và đưa ra các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại tại khu vực đô thị. Tất cả chuyến tàu chở khách bị tạm dừng đến ngày 31/3.

Tính đến ngày 23/3, cả nước đã ghi nhận 390 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới với 7 ca tử vong. Những người lao động nhận lương theo ngày đã lo lắng từ trước khi chính phủ đưa ra lệnh cấm. Hôm 20/3 và 21/3, hàng chục nghìn người chen chúc trên các chuyến tàu chật chội để trở về làng.

Thu nhập 2 USD/ngày, ở nhà tránh lây nhiễm virus là xa xỉ với tôi-2Những người lao động nghèo Ấn Độ sống trong trong điều kiện tồi tệ ở các khu ổ chuột. Ảnh: Bloomberg.

“Những hạn chế sẽ làm gián đoạn đáng kể sinh kế của họ. Không có bảo hiểm hay an sinh xã hội, việc mất thu nhập tạm thời cũng ảnh hưởng đến việc vệ sinh và dinh dưỡng, do đó họ có thể dễ nhiễm virus hơn”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Rajmohan Panda thuộc Quỹ Y tế công Ấn Độ nhận định.

Mohibul Ansari, một người đàn ông sống ở khu ổ chuột tại Mumbai, phải vật lộn để nuôi 5 người con đang sống tại bang Bihar cách đó 1.800 km. Nhà máy nhựa nơi anh làm việc đã đóng cửa, 3 người thuê nhà cùng anh cũng về quê.

“Mọi người đều sợ hãi. Tôi dặn các con tôi phải chi tiêu dè sẻn. Chỉ có Chúa mới giúp nổi chúng tôi nếu bất cứ ai trong số chúng tôi ngã bệnh”, anh than thở. Những người lao động nhập cư như Ansari và gia đình của anh có rất ít khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng.

Cần sự hỗ trợ khẩn cấp
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), quốc gia Nam Á chỉ chi khoảng 67,72 USD/người cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe vào năm 2016, thấp hơn 6 lần so với Trung Quốc. Chính phủ cam kết tăng nguồn tài trợ y tế từ 1,2% GDP lên ít nhất 2,5% GDP vào năm 2025.

Điều kiện sống chật chội khiến người lao động có thu nhập thấp ở Ấn Độ gặp nhiều rủi ro. Có đến 120.000 người phải chia sẻ 1 km2 không gian sống tại trung tâm tài chính Ấn Độ, các chuyến tàu chở khách vận chuyển tới 7,5 triệu hành khách mỗi ngày (tương đương với dân số Hong Kong).

Theo Bloomberg, sự gián đoạn trong cuộc sống thường ngày tại Ấn Độ khiến nhiều người nhớ đến quyết định loại bỏ 86% tiền mặt của Thủ tướng Narenda Modi hồi tháng 11/2016.

Các chuỗi cung ứng tiền mặt đột ngột biến mất dẫn đến việc rất nhiều lao động mất việc làm. “Chúng tôi biết rằng quá trình loại bỏ tiền mặt khiến cuộc sống của những người nghèo ở Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Prabhat Jha tại Đại học Toronto nhận định.

“Sự gián đoạn kinh tế từ đại dịch Covid-19 sẽ rất lớn. Chi phí y tế và kinh tế sẽ rất khổng lồ, và chính phủ Ấn Độ cần lập tức tăng cường các biện pháp giám sát và phản ứng nhanh với dịch bệnh”, ông nói thêm.

Thu nhập 2 USD/ngày, ở nhà tránh lây nhiễm virus là xa xỉ với tôi-3Người nghèo phải sống trong các khu ổ chuột chật chội và di chuyển bằng tàu sẽ dễ nhiễm virus hơn. Ảnh: Bloomberg.

Bang Kerala đã công bố gói cứu trợ trị giá 200 tỷ rupee (2,7 tỷ USD), trong khi Uttar Pradesh (nơi có 20% người nghèo Ấn Độ) tuyên bố trao tiền mặt 1.000 rupee (13.33 USD) mỗi tháng cho hơn 3,5 triệu người lao động và công nhân lao động.

Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal cũng công bố một số biện pháp giảm áp lực tài chính cho người nghèo, bao gồm khoản lương hưu 5.000 rupee (66.67 USD) cho 850.000 người và các suất ăn lớn hơn đối với người được trợ cấp thực phẩm.

Tuy nhiên, chính phủ liên bang vẫn chưa công bố bất cứ biện pháp nào ngoài việc thành lập một ủy ban chính phủ hồi cuối tuần trước.

“Chúng tôi hiểu rằng chính phủ đang làm mọi cách để giúp người dân. Nhưng thật khó khăn để không cảm thấy hoảng loạn khi phải sống trong điều kiện như thế này”, Mohammad Sadique, 25 tuổi, làm việc tại công ty lữ hành Dharavi, than thở.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/thu-nhap-2-usdngay-o-nha-tranh-lay-nhiem-virus-la-xa-xi-voi-toi-post1063148.html

Covid-19

virus corona

dịch bệnh

virus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.