Tranh chấp sính lễ trong hôn nhân ở Trung Quốc

Do giá của “Thái lễ” (Tiền thách cưới hay còn gọi là “Tiền sính lễ”) ở Trung Quốc quá lớn liên tiếp gây nên các vụ tranh chấp, thậm chí khiến nhiều người trẻ không muốn hoặc không thể kết hôn.

Để giải quyết vấn đề này, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc hôm 11/12 đã ban hành “Quy định về các vấn đề pháp lý áp dụng trong việc xét xử các vụ án liên quan đến tranh chấp sính lễ trong hôn nhân (văn bản dự thảo lấy ý kiến)” và công bố 4 vụ án điển hình liên quan đến tranh chấp tiền sính lễ, gồm các tình trạng hôn nhân và độ dài thời gian khác nhau.

Trong văn bản nêu rõ, “nghiêm cấm mượn cớ hôn nhân để vòi vĩnh tài sản”; đồng thời cũng nêu “nếu một bên lấy tài sản thông qua hôn nhân với danh nghĩa sính lễ mà bên kia yêu cầu trả lại thì Tòa án nhân dân cần hỗ trợ”.

Nộp sính lễ khi kết hôn vốn là một phong tục truyền thống của Trung Quốc, nhưng những năm gần đây, số tiền thách không ngừng tăng cao, số vụ tranh chấp liên quan đến sính lễ có xu thế ngày càng gia tăng, thậm chí xuất hiện những vụ án hình sự nghiêm trọng từ vấn đề đòi trả lại tiền sính sau khi hủy hôn.

Tinh thần cốt lõi của những vụ việc điển hình được nêu và dự thảo lấy ý kiến được đưa ra lần này có thể hiểu là: có trả lại tiền sính lễ hay không còn tùy thuộc vào tác dụng của số tiền đó trong đời sống hôn nhân thực tế và có ảnh hưởng đến kết cục của hôn ước hay không.

Ví dụ, trong trường hợp điển hình, mối quan hệ hôn nhân giữa hai bên vợ chồng kéo dài chưa đầy ba tháng, trong thời gian đó họ làm việc và sống ở các thành phố khác nhau.

Người đàn ông đã nộp cho nhà cô dâu là 1,06 triệu Nhân dân tệ (NDT), nhưng chưa hình thành một gia đình hoàn chỉnh, chưa có trạng thái sống ổn định nên không thể coi là có cuộc sống chung. Cuối cùng tòa án ra phán quyết buộc nhà gái phải trả lại 800.000 NDT sau khi hai vợ chồng ly hôn.

Tân Hoa xã trước đó đưa tin, dân làng X ở một huyện cho biết, hai hoặc ba năm trước, tiền sính lễ ở địa phương thường có giá hơn 100.000 NDT, nhưng hiện nay nhiều đám ít nhất phải từ 200.000 NDT. Một số người dân ở miền Bắc tỉnh Giang Tây cho biết, hiện nay giá sính lễ trung bình mỗi đám là 388.000 NDT.

Tranh chấp sính lễ trong hôn nhân ở Trung Quốc-1Một cặp tân hôn và số tiền sính lễ chú rể phải nộp cho nhà gái

Cách đây không lâu, ở Sơn Tây cũng lan truyền thông tin nói một người đàn ông sinh năm 1980 đã gặp cô bạn gái thông qua một cuộc hẹn hò làm quen, sau khi yêu nhau được 8 tháng, cả hai dự định kết hôn.

Người đàn ông đã phải nộp cho gia đình cô gái số tiền sính lễ 188.000 NDT theo yêu cầu. Người đàn ông nói: “Món quà đính hôn 188.000 NDT là bình thường ở địa phương này. Chúng tôi gọi đó là “gói lớn”; Số tiền sính lễ 188.000 NDT ấy, bản thân tôi chỉ có 168.000 NDT tiết kiệm được và tôi đã vay thêm 20.000 NDT từ bạn bè”. Nào ngờ, trước khi hai người kết hôn, gia đình nhà gái lại đòi thêm 30.000 NDT nữa.

Người đàn ông nói: “Tôi không có tiền đưa thêm nữa, tôi đã phải vay mượn tiền người khác”. Sau đó, hai người đã cãi nhau về vấn đề này và người đàn ông đã hủy bỏ hôn ước, đòi lại 188.000 NDT tiền sính lễ của mình, trả lại tiền vay của bạn rồi đi du lịch. Sự việc này đã gây nên sự chú ý của dân chúng địa phương và nhiều cư dân mạng đã bày tỏ ủng hộ quyết định của người đàn ông.

Trang CCTV News của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc chỉ ra rằng, tiền sính lễ, vốn là một phong tục truyền thống trong lĩnh vực cưới gả hôn nhân của Trung Quốc, có nền tảng văn hóa và xã hội sâu sắc, nhưng nay đã bị biến tướng. Sính lễ mang tính lễ chứ không phải vấn đề tiền bạc, thể hiện lễ nghi, tình cảm giữa hai bên trong hôn ước. Chìa khóa để hạ nhiệt “Tiền sính lễ cao ngất trời” nằm ở sự đổi mới quan niệm xã hội.

Trong đời thực, nhiều gia đình buộc phải vay tiền để sống vì “Tiền sính lễ giá trên trời”; một số thanh niên buộc phải chia tay người yêu vì tiền thách quá cao; một số phụ nữ phải chịu khốn khổ trong gia đình mới và nhiều gia đình nảy sinh mâu thuẫn vì tiền sính lễ. Tất cả những điều này cho thấy thách cưới cao không thể bảo đảm cho sự bền vững của hôn nhân, việc quá coi trọng số lượng tiền sính lễ mà bỏ qua nền tảng tình cảm sẽ tiềm ẩn nguy cơ cho sự hòa hợp và ổn định của hôn nhân gia đình.

Quy định nói trên của Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng nhằm ngăn cấm việc mua bán cô dâu trá hình. Quy định có bảy điều trong đó cũng làm rõ tài sản được trả trong ba trường hợp sau không thuộc sính lễ hứa hôn: 1. Quà tặng, tiền tặng có giá trị nhỏ do một bên tặng bên kia trong dịp lễ kỷ niệm đặc biệt như lễ tết, sinh nhật; 2. Một bên trong hai người hứa hôn chi tiền để bày tỏ hoặc nâng cao tình cảm; 3. Các tài sản khác có giá trị nhỏ.

Về tiền sính lễ phía nhà trai đã nộp cho nhà gái, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc cũng nêu rõ có ba trường hợp có thể yêu cầu trả lại: 1. Chưa đăng ký kết hôn; 2. Đã đăng ký kết hôn nhưng chưa sống chung; 3. Việc nộp tiền sính lễ đã dẫn đến khó khăn trong cuộc sống của người nộp.

Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội, Bộ Dân chính (Nội vụ) Trung Quốc Vương Kim Hoa, cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đi sâu cải cách phong tục cưới hỏi, đề xướng mạnh mẽ khái niệm đơn giản và chừng mực phong tục cưới hỏi, tiếp tục hợp tác với các cơ quan liên quan để kiểm soát và bãi bỏ các phong tục xấu trong cưới gả hôn nhân như đòi tiền sính lễ cao, nỗ lực đáp ứng mong đợi của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/tranh-chap-sinh-le-trong-hon-nhan-o-trung-quoc-post1596413.tpo

sính lễ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.