Trào lưu "tự nguyện ế" không phải vì thích của giới trẻ Trung Quốc: Trăm phương ngàn kế thúc đẩy hôn nhân nhưng vẫn ngậm ngùi bất lực

Khi đến "tuổi cập kê", nhiều người vội vàng kết hôn để yên bề gia thất hoặc chiều lòng gia đình, nhưng có nhiều người khác lại "tự nguyện ế" bởi không chịu nổi những áp lực mà hôn nhân mang lại.

Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia và Bộ Dân sự Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn năm 2018 chỉ ở mức 7,2%, mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Theo đó, những nơi có nền kinh tế càng phát triển, tỷ lệ kết hôn càng giảm. Năm 2018, thành phố có tỷ lệ kết hôn thấp nhất là Thượng Hải, chỉ 4,4%; tỉnh Chiết Giang 5,9% đứng thứ 2, tiếp đến là các tỉnh thành khác.

Giáo sư Nguyên Tân tại Học Viện Dân số và Phát triển của Đại học Nam Khai, với thâm niên nghiên cứu nhân khẩu học trong hơn 30 năm phân tích rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự sụt giảm tỷ lệ kết hôn nói chung là do sự gia tăng số năm học vấn bình quân của toàn xã hội, giá nhà đất tăng cao, sự cạnh tranh gay gắt về việc làm và tính tự lập ngày càng mạnh mẽ của thế hệ trẻ cũng trở thành những "trở ngại" cho việc chọn bạn đời.

Học vấn tăng cao, tỷ lệ kết hôn sụt giảm

Trào lưu tự nguyện ế không phải vì thích của giới trẻ Trung Quốc: Trăm phương ngàn kế thúc đẩy hôn nhân nhưng vẫn ngậm ngùi bất lực-1
Quan điểm "trai lớn dựng vợ gái lớn gả chồng" đang đứng trước những thách thức mới (ảnh minh họa)

Tốt nghiệp Thạc sĩ Đại học Bắc Kinh, cao 1m72, đang giảng dạy tại trường Cao đẳng và Đại học, Vu Hiểu Nam từ nhỏ đã là "con nhà người ta" với thành tích học tập đáng nể. Nhưng khi sắp bước sang tuổi 35, cô nhận thấy niềm tự hào của bố mẹ dành cho mình bắt đầu bị lung lay, bằng chứng là đi đâu họ cũng "bật chế độ" mai mối cho con gái. Hiểu Nam cười khổ nói: "Nhiều lúc bố mẹ tôi còn bóng gió, những tưởng là cục vàng cục bạc, ai ngờ mãi vẫn ở nhà cho chẳng ai lấy."

Ngày nay, không hiếm những cô gái trẻ chọn con đường học tập, khi leo lên "đỉnh cao sự nghiệp" khiến nhiều người không khỏi ghen tị, nhìn xung quanh lại chẳng còn ai lẻ bóng giống mình.

Vu Hiểu Nam không yêu cầu ở bạn đời của mình quá cao, thậm chí còn chẳng cần phải có nhà hay xe, bởi gia đình cô vốn khá giả, chỉ cần "nói chuyện hợp và thích đọc sách là được".

"Cả 2 nên có điều kiện tương đồng về mọi mặt, như vậy mới không bị mất cân bằng và quan điểm sống cũng không bị chênh lệch." - Hiểu Nam cho rằng hôn nhân nên có sự đồng điệu.

"Mọi người nghĩ rằng trong các trường Cao đẳng và Đại học có rất nhiều nhân tài, nhưng sau khi tôi vào làm việc mới phát hiện, những người đó đã có chủ hết rồi." - Cô não nề chia sẻ.

Trào lưu tự nguyện ế không phải vì thích của giới trẻ Trung Quốc: Trăm phương ngàn kế thúc đẩy hôn nhân nhưng vẫn ngậm ngùi bất lực-2

Sau nhiều lần đồng ý xem mắt, cô buộc phải chấp nhập một điều, dù đối phương có trình độ học vấn cao và công việc thu nhập khá, nhưng vì đã qua tuổi "mộng mơ", nên bản thân cô cũng yêu cầu "thực tế" hơn, khiến cơ hội tìm được người phù hợp giảm đi rất nhiều.

Giáo sư Nguyên Tân cho biết, thống kê mới nhất về độ tuổi kết hôn trung bình của Trung Quốc là khoảng 25-26 tuổi, trong đó ở khu vực thành thị là 26-27 tuổi và ở nông thôn rơi vào khoảng 25 tuổi.

Báo cáo nghiên cứu về sự phát triển của phụ nữ Thượng Hải trong 40 năm cải cách và mở cửa do Liên đoàn Phụ nữ Thượng Hải công bố cho thấy, tính đến năm 2015, độ tuổi kết hôn lần đầu của nam và nữ ở Thượng Hải lần lượt là 30,3 tuổi và 28,4 tuổi; tăng 5,0 năm và 5,4 năm so với 10 năm trước. Theo số liệu do Sở Nội vụ tỉnh Giang Tô công bố vào tháng 1/2017, độ tuổi kết hôn lần đầu ở Giang Tô là 34,2 tuổi, trong đó phụ nữ là 34,3 tuổi và nam giới là 34,1 tuổi.

Trào lưu tự nguyện ế không phải vì thích của giới trẻ Trung Quốc: Trăm phương ngàn kế thúc đẩy hôn nhân nhưng vẫn ngậm ngùi bất lực-3

"Hiện nay ở các trường Cao đẳng và Đại học, phụ nữ có bằng cử nhân và thạc sĩ đã chiếm khoảng 1 nửa, và có trình độ tiến sĩ là gần 40%." - Giáo sư Nguyên Tân cho biết.

Trong 2 năm qua, Ủy ban Liên đoàn Thanh niên thành phố Thiên Tân đã phát động hoạt động "kích cầu hôn nhân". Ông Trương Tịnh Hoa, giám đốc Sở Bảo vệ Quyền và Phát triển Thanh niên thuộc Ủy ban Thành phố Thiên Tân cho biết:

"Khi hoạt động này được triển khai, lượng đăng ký trực tuyến và vé vào cửa đã hết sạch, chủ yếu là phụ huynh đăng ký cho con cái mình. Đa số trong đó đều là những người có trình độ học vấn, thu nhập ổn định, nhưng đã 'quá lứa lỡ thì' mất rồi."

Gần đây, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc đã kêu gọi sửa đổi luật hôn nhân để hạ độ tuổi kết hôn hợp pháp của nam và nữ xuống 18, nhằm "cứu" tỷ lệ kết hôn liên tục giảm. Tuy nhiên, giáo sư Nguyên Tân tin rằng cách tiếp cận đó không tạo ra kết quả đáng kể. Hiện nay, luật hôn nhân của Trung Quốc đã quy định chỉ cần đủ tuổi học Đại học là có thể kết hôn và sinh con, nhưng thực tế vẫn có rất ít bạn trẻ lựa chọn như vậy.

Tự nguyện ế để bảo vệ "chủ nghĩa cá nhân"

Trào lưu tự nguyện ế không phải vì thích của giới trẻ Trung Quốc: Trăm phương ngàn kế thúc đẩy hôn nhân nhưng vẫn ngậm ngùi bất lực-4

Lưu Hạo, sinh năm 1981, là 1 trai ế "ưu tú" trong mắt mọi người. Anh chàng có gia đình khá giả, sở hữu 3 bất động sản ở khu vực trung tâm của thành phố Thiên Tân, 2 trong số đó là những ngôi nhà thuộc khu "tấc đất tấc vàng" khó kiếm. Lưu Hạo có 1 công việc Nhà nước ổn định và ít thói quen xấu, anh tập thể dục hàng ngày và có 1 thân hình khỏe khoắn hiếm có so với các bạn cùng lứa tuổi.

"Nghe có vẻ đơn giản, nhưng giới thiệu cho 3 cô gái, cậu ta đều chê lên chê xuống." - Chị họ của Lưu Hạo không hài lòng nói.

Cô nhận xét: "Tuy đã 40 tuổi, nhưng thực chất vẫn chỉ là 1 đứa trẻ chưa trưởng thành. Trong khi ấy, Lưu Hạo lại rất thoải mái với chuyện đó. Ngày ngày tan làm đến phòng tập gym, về nhà ăn cơm bố mẹ nấu, ăn xong lại tán gẫu với bạn bè trên WeChat rồi chơi game."

Trào lưu tự nguyện ế không phải vì thích của giới trẻ Trung Quốc: Trăm phương ngàn kế thúc đẩy hôn nhân nhưng vẫn ngậm ngùi bất lực-5

"Chủ nghĩa cá nhân không đồng nghĩa với ích kỷ. Những người trẻ theo chủ nghĩa đó sẽ có ý thức mạnh mẽ về bản thân. Họ theo đuổi lối sống thoải mái, tự do với phong cách riêng, có thái độ tận hưởng hiện tại và chỉ có trách nhiệm với bản thân. Đồng thời, ở 1 mức độ nào đó, họ còn lơ là việc quan tâm đến người khác và coi nhẹ trách nhiệm với gia đình." - Giáo sư Nguyên Tân cho rằng những người giống Lưu Hạo đều đi theo "chủ nghĩa cá nhân".

Ông còn phát hiện ra 1 xu hướng trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng trong những năm gần đây: 1 số người có sơ yếu lý lịch rất tốt, giao tiếp trôi chảy qua email, nhưng đến lúc gặp mặt trực tiếp lại cứ như 2 người khác nhau, im lặng và ít nói. Ông cho rằng rào cản giao tiếp giữa các cá nhân chắc chắn sẽ trở thành lỗ hổng trong hẹn hò.

Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại và các phương thức giải trí ngày càng trở nên đa dạng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi có vô số lựa chọn để lấp đầy thời gian rảnh rỗi. Điều đó cũng tạo cho nhiều người cảm giác: Không nhất thiết phải kết hôn thì mới có thể tận hưởng được niềm vui cuộc sống mà gia đình mang lại.

Buộc phải độc thân: Giá nhà, áp lực việc làm, chi phí sinh hoạt cao chóng mặt

Lâm Văn Hạo quê ở tỉnh Giang Tây, đã tốt nghiệp Đại học và làm việc cho 1 công ty bảo hiểm ở Thượng Hải 5 năm. Tuy rằng anh làm việc chăm chỉ, nhưng tiền tiết kiệm lại không thể theo kịp với giá nhà đất tăng vọt ở Thượng Hải. Nhưng điều khiến anh cảm thấy ảo não hơn, đó chính là tiêu chí chọn bạn đời của các cô gái Thượng Hải cao ngoài tầm với: có nhà, có xe, có công việc ổn định, và quan trọng hơn nữa là hộ khẩu ở Thượng Hải.

Tại 2 thành phố hiện đại nhất của Trung Quốc: Thượng Hải và Bắc Kinh, vấn đề hộ khẩu đã trở thành rào cản đối với phần lớn thanh niên trong việc kết hôn.

Chi phí sinh hoạt tại các khu vực kinh tế phát triển tương đối cao, giá nhà đất tăng chóng mặt, khiến ngày càng nhiều người trẻ "chán kết hôn". Không nhà, không xe, không tiền đã trở thành những gông cùm của hôn nhân. Sự gia tăng gánh nặng kinh tế đã buộc nhiều bạn trẻ phải tích lũy 1 lượng tài sản nhất định rồi mới tính đến chuyện kết hôn.

Đồng thời, các thành phố lớn đang phát triển nhanh của Trung Quốc thu hút hàng trăm triệu lao động nhập cư để tìm kiếm cơ hội phát triển. Nếu lựa chọn kết hôn đồng nghĩa với việc họ phải gánh chịu chi phí nuôi dạy con cái, điều này cũng góp phần làm giảm tỷ lệ kết hôn của giới trẻ.

Trước thực trạng tỷ lệ kết hôn giảm liên tục như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn phát triển nhất định của kinh tế, xã hội và không cần quá lo lắng. Theo quan điểm của giáo sư Nguyên Tân, dù kết hôn muộn hay không kết hôn thì đó đều là sự lựa chọn của giới trẻ dựa trên tình trạng thực tế của bản thân, xã hội nên tôn trọng và cho giới trẻ nhiều lựa chọn hơn.

 

Theo Trí thức trẻ

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ttvn.toquoc.vn/trao-luu-tu-nguyen-e-nhung-khong-phai-vi-thich-the-cua-gioi-tre-trung-quoc-tram-phuong-ngan-ke-thuc-day-hon-nhan-ma-van-danh-ngam-ngui-bat-luc-2202183191357925.htm

kết hôn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.