Túp lều của những đứa trẻ "sống không bằng chết": Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm

Những túp lều nhỏ bé, xiêu vẹo lại là nơi cứu sống những đứa trẻ bất hạnh, bị thế giới ngoài kia xua đuổi và vĩnh viễn không thể nhìn thấy ánh sáng tươi đẹp của tương lai.

Đứa trẻ dị thường


Cô bé Catherine, 12 tuổi, lặng lẽ ngồi trong bóng tối với hai tay bị trói chặt. Hơn 6 năm qua, em bị nhốt trong một túp lều nhỏ tăm tối. Em phải ngủ trên nền đất bê tông, không có nệm, không có gối, xung quanh là những bao tải đựng khoai sắn. Những con gà chạy nhảy xung quanh là bạn bè của bé gái 12 tuổi này.

Fred Alimet, một mục sư ở vùng nông thôn thuộc phía đông Uganda thở dài nói: "Việc những đứa trẻ sống trong túp lều làm bằng gạch bùn là điều bình thường nơi đây. Vì chúng là những em bé khiếm khuyết và cần phải che giấu".

Sarah Akello, mẹ Catherine không sống ở đây, còn cha em thì từ chối sự tồn tại của con gái chỉ vì đứa trẻ khuyết tật. Người đàn ông này tin rằng Catherine là đứa trẻ bị nguyền rủa hoặc là con của kẻ khác. "Người cha không muốn gặp cô bé. Ông ấy hỏi vợ mình vì sao lại sinh ra một đứa trẻ dị thường như vậy. Catherine khác biệt so với 7 đứa trẻ bình thường khác trong gia đình", mục sư Fred giải thích.

Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-1
Cô bé Catherine, 12 tuổi, bị nhốt trong túp lều, làm bạn với gà và khoai sắn.

Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-2
Một túp lều nhỏ cất giấu đứa trẻ khuyết tật bị xã hội xua đuổi.

Cô Sarah Akello sống cùng chồng và thường đi bộ 3km từ nhà mình đến túp lều để thăm đứa con út được giấu kín từ khi đứa trẻ lên 5 tuổi. Người mẹ giải thích, bà buộc phải nhốt Catherine vào túp lều này vì nếu như đứa trẻ đi lang thang thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

"Nhiều lần Catherine đã bị người ngoài đánh đập và thậm chí còn bị lạm dụng", người mẹ cho hay. Giống như nhiều trẻ em ở Uganda, Catherine chưa bao giờ được chẩn đoán mắc chứng bệnh gì, chỉ biết rằng cô bé là người khuyết tật bị xã hội coi thường.

Tại Uganda, những người khuyết tật về thể chất hay trí tuệ sẽ là gánh nặng cho gia đình vì không thể lao động hay làm được việc gì. Chính sự kỳ thị này khiến nhiều người tin rằng những đứa trẻ khiếm khuyết ấy đang bị nguyền rủa, hứng chịu mọi tội lỗi vì người mẹ lăng nhăng hoặc làm việc có lỗi với tổ tiên. Thậm chí, một số người tin rằng những người tàn tật là bị ma nhập, số khác thì cho rằng họ hoàn toàn không phải con người.

Ở Uganda, những đứa trẻ khuyết tật bị xã hội ruồng bỏ chịu nhiều tổn thương nhất. Các em bị từ chối chăm sóc sức khỏe, không được đến trường, có nguy cơ bị lạm dụng và hứng chịu bạo lực tình dục cao. Trên khắp đất nước này, các em phải chấp nhận bị chôn giấu trong những túp lều tạm bợ, các em trở thành "người vô hình" trong xã hội.

Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-3
Bên trong túp lều nơi Catherine sinh sống qua ngày.

Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-4
"Chỉ chờ đứa trẻ này chết đi"


Stephen Kabenge đến từ Embrace Kulture, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tìm kiếm những đứa trẻ bị giấu đi cho biết: "Rất nhiều tổ chức đang cố gắng chống lại thực tại đáng sợ này nhưng nó không phải là cuộc đấu tranh chỉ với 1 người".

Stephen Kabenge đi đến nhà của một bà mẹ đơn thân sống cùng con gái của cô ấy. Ông cho hay, hầu hết chỉ những người phụ nữ một mình vất vả chăm sóc đứa trẻ khuyết tật. "Cô ấy đã nói với tôi rằng chỉ chờ đứa trẻ này chết đi", Stephen Kabenge nói.

Người đàn ông này đã đến ngôi nhà ở Lugonjo, một khu ổ chuột đông dân của Uganda. Đó là một túp lều đơn sơ có 2 phòng nhỏ. Không có phòng tắm hay nhà bếp. Bên trong một chiếc lốp ô tô rỗng ruột chứa đầy nồi nhôm và hộp nhựa. Trên tường là một tờ lịch cũ để năm 2018. Chỉ có một cửa sổ duy nhất trong túp lều.

Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-5
Salma nằm trong lòng mẹ với ánh mắt vô hồn.

Đây là mái nhà che mưa nắng của cô Zubeda Nono, một bà mẹ đơn thân sống cùng con gái Salma, đã gần 10 tuổi. Người mẹ làm nghề giặt quần áo thuê để trang trải cuộc sống qua ngày. Salma không giống như đứa trẻ bình thường khác, cô bé vẫn đang học cách tập đi. Người mẹ kiên trì dìu Salma đang bước đi loạng choạng. Sau đó, cô bé nằm vật ra và quằn quại trên nền nhà sứt mẻ, bò bằng tay và đầu gối, đôi mắt đứa trẻ hoàn toàn trống rỗng.

Những mảnh vụn trên bức tường xiêu vẹo là dấu tích của Salma khi cô bé cắn nó để làm thú vui tiêu khiển. Salma mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm và bệnh động kinh. Cô bé cũng mắc chứng tự kỷ nhưng không được điều trị vì thiếu các dịch vụ sàng lọc và chẩn đoán. Salma cũng bị điếc một bên tai, mù một bên mắt phải và không thể nói chuyện. Mỗi lần ra ngoài đi làm, cô Nono lại đóng hờ cánh cửa ra vào đủ để hàng xóm có thể nhìn vào trong xem con gái cô có bị ngã hay lên cơn co giật hay không.

Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-6
Salma không thể đi và không thể giao tiếp như người bình thường.

Cha mẹ giết con cái của chính mình


Trong phòng chờ của một phòng khám sức khỏe nhỏ bên ngoài Kampala, 2 phụ nữ mang thai đang ngồi trên những chiếc ghế trắng chờ người đỡ đẻ Ruth Nakimera, 71 tuổi với mái tóc hoa râm. Bà đã đỡ đẻ cho hàng trăm sản phụ ở Uganda và cũng đã chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng.

Nhiều năm về trước, bà của cụ Nakimera, cũng là một nữ hộ sinh đỡ đẻ đã giúp một thai phụ hạ sinh an toàn những đứa trẻ bị tật hở hàm ếch. "Người phụ nữ ấy đã nói với bà tôi rằng hãy giết chết đứa trẻ ấy đi, cô không thể nuôi dạy một đứa con như vậy. Bà của tôi cuối cùng đã nhận nuôi dưỡng đứa bé đó cho đến năm 6 tuổi. Kể từ đấy, khi tôi phát hiện điều gì bất thường ở thai phụ, tôi sẽ đợi một thời gian phù hợp, nói cho họ biết và đưa ra các cách thức để cha mẹ có thể giúp đỡ đứa trẻ", Nakimera nói.

Tại Uganda, việc cha mẹ bỏ con mới sinh ở bụi rậm hoặc ra tay kết thúc cuộc sống của chúng một cách thô bạo là điều bình thường. Người dân kể lại rằng nhiều gia đình đã ném những đứa trẻ khuyết tật vào nhà vệ sinh công cộng hoặc đầu độc chúng. Vào năm 2018, Nghị viện châu Âu đã lên án nghi lễ giết trẻ em và trẻ sơ sinh khuyết tật ở Uganda, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách hỗ trợ nhiều hơn cho các gia đình có con như thế này. Tuy nhiên, trên thực tế, điều đó vẫn xảy ra hàng ngày.

Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-7
Cụ bà Nakimera đã chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng về những đứa trẻ không được cha mẹ chào đón.

Jimmy Aner, một nhân viên y tế ở phía bắc Uganda, người hỗ trợ cha mẹ có con khuyết tật và đang nỗ lực mỗi ngày đã xóa tan suy nghĩ lệch lạc về những đứa trẻ bị nguyền rủa. Anh vẫn nhớ như in một buổi sáng nóng như thiêu như đốt đã ám ảnh anh cho đến tận bây giờ. Lúc đó, Jimmy Aner lái xe trở về nhà thì thấy một người phụ nữ mặc đồ đen và một đứa trẻ mới biết đi bị trói ở phía sau. Khi đến bờ sông, người phụ nữ cởi tấm vải đen quấn quanh người để đứa nhỏ rơi xuống sông.

Sự việc diễn ra quá nhanh khiến Jimmy Aner không kịp làm gì. Khi thi thể của đứa trẻ xấu số được vớt lên họ phát hiện em bé có một số khiếm khuyết. Đứa trẻ bị què cụt, hai bàn tay biến dạng và đầu sưng to.

"Tôi không có nơi nào để đi"


Ezra là một đứa trẻ khỏe mạnh cho đến khi 4 tuổi, cậu bé gặp vấn đề về ăn nói và đi lại. Nangobi, mẹ của em và chồng cô cho hay sức khỏe Ezra ngày một xấu đi sau khi lớn lên. Con gái lớn của họ từng bị chứng liệt nửa người, đã qua đời trước khi mừng sinh nhật 10 tuổi. Bé Ezra mang những triệu chứng giống hệt chị mình và hiện Ezra đang 7 tuổi.

Cũng trong thời gian này, cha Ezra bị nghỉ việc sau cơn đột quỵ. Cả gia đình bị xa lánh khi họ có 2 đứa con khuyết tật và người đàn ông là trụ cột trong gia đình cũng mắc bệnh. Cô Nangobi nói rằng không chỉ người thân muốn họ đi khỏi nơi đây mà ngay cả những người hàng xóm cũng đuổi đánh họ. Cây trồng bị quật ngã, đất đá và phân người bị ném đầy trước cửa nhà.

"Họ bảo chúng tôi hãy đi đến một nơi khác nhưng chúng tôi không có nơi nào để đưa bọn trẻ đi. Cuộc sống của chúng tôi ngày càng trở nên khó khăn hơn", Nangobi nói trong nước mắt.

Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-8
Agnes Nangobi bế cậu con trai 7 tuổi, Ezra Moro.

Ezra hiện không nói được cũng không ngồi dậy được. Nhìn vào Nangobi ai cũng nhận ra sự tuyệt vọng và nỗi kinh hoàng đang đè nặng lên người phụ nữ này. Cô không thể làm gì để cứu con mình và Ezra sẽ sớm chịu chung số phận với chị gái của cậu bé. 

Nangobi nói rằng sức khỏe con trai cô đang ngày một tệ hơn. Cô chỉ mong đứa trẻ sẽ chết sớm hơn để đỡ đau đớn cho chính cậu bé và gia đình.

Rose Akello, một bà mẹ bị chồng đuổi đánh và hắt hủi chỉ vì sinh ra một đứa trẻ mắc hội chứng Down. Cô phải giấu con đi trong túp lều tăm tối để tránh khỏi những lời dè bỉu chì chiết của người đời.

"Chồng tôi không nhận con. Anh ta đuổi tôi ra khỏi nhà vì không chấp nhận đứa trẻ. Ngay cả bố mẹ tôi cũng từ chối tôi. Tôi không có nơi nào để đi. Mọi người nói với tôi rằng hãy ném con tôi đi hoặc giết chết nó. Tôi đã trở nên mệt mỏi khi tìm kiếm sự giúp đỡ", Akello chia sẻ.

Cậu bé Silas cũng nằm trong số những đứa trẻ khiếm khuyết bị nhốt ở túp lều lợp tranh, cậu bé bị trói chặt vào một khúc gỗ nặng bằng dây và vải rách. Silas chỉ có duy nhất một món đồ chơi, đó là quả bóng làm từ túi ni lông đan chặt vào nhau. Cánh cửa ra vào bị đóng chặt từ bên ngoài, nơi thế giới mãi mãi không bao giờ tiếp nhận đứa trẻ.


Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-9
Những đứa trẻ khuyết tật không có chỗ nào để đi ngoài túp lều tăm tối.

Mẹ của Silas cho hay: "Khi tôi sinh thằng bé ra, tôi đã phải thốt lên rằng ông trời ban cho tôi thứ gì vậy? Đó không phải là một đứa trẻ. Tôi chỉ chờ con mình chết đi nhưng nó vẫn sống. Khi Silas bị bệnh nặng, tôi đưa con đến phòng khám nhưng họ không thể giúp được gì".

Mãi đến đầu năm nay, Silas tròn 10 tuổi, cha mẹ cậu bé mới biết con mình thực sự bị mắc hội chứng Down. Cậu bé bị nhốt trong túp lều này kể từ khi lên 5 tuổi, vào thời điểm ấy, những người hàng xóm cả trẻ lẫn già đều đánh Silas bê bết máu. Mục sư Fred cho biết, có ít nhất 300 trẻ em khiếm khuyết đang ẩn náu trong các túp lều ở Uganda. Hầu hết các em đều bị trói bằng dây hoặc xích. Các em không có nơi nào để đi cả ngoài túp lều này.

Sự sống còn


Uganda đã thông qua một số điều luật và ký kết các hiệp ước quốc tế nhằm bảo vệ người khuyết tật nhưng tất cả chỉ là trên giấy tờ. Quyền và nhu cầu của người khuyết tật thường bị bỏ qua. Họ phải gánh chịu nhiều hình thức bạo lực, lạm dụng, bỏ rơi và bóc lột.

Uganda vốn được biết đến là một trong những quốc gia châu Phi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, nguồn nước sạch đã được đảm bảo và tuổi thọ của người dân ngày một cao. Tuy nhiên các dịch vụ y tế chuyên khoa trên quốc gia này lại đang thiếu hụt. 

Uganda có dân số hơn 40 triệu người nhưng chỉ có một cơ sở y tế khuyết tật quốc gia, nơi luôn quá tải với các bệnh nhân là trẻ em lẫn người lớn. Sự thiếu hụt các dịch vụ y tế chuyên môn dành cho người khuyết tật đã tạo điều kiện cho các thầy lang băm, "bác sĩ" phù thủy hay kẻ gian lộng hành.

Michael Miiro, một nhà tư vấn và ủng hộ quyền của người khuyết tật cho biết: "Nhiều người, bao gồm cả các bậc cha mẹ không chấp nhận những đứa trẻ khuyết tật và họ không cung cấp cho các em những nhu cầu cơ bản giống như đứa trẻ bình thường khác. Điều này trở thành một thách thức rất lớn vì một đứa trẻ lớn lên trong tình trạng bị gia đình và xã hội chối bỏ, không có sự hỗ trợ nào, đến tình yêu thương cũng là một điều xa xỉ".

Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-10
Có hàng trăm túp lều tồn tại như thế này ở Uganda.

Ngay cả khi trẻ em khuyết tật được đến trường, các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ các em cũng không tồn tại. Miiro nói: "Không có sự sắp xếp hay trợ cấp đặc biệt nào để hỗ trợ những đứa trẻ này. Các em cũng khó có thể tiếp cận với những biện pháp chữa trị hiệu quả".

Sự hỗ trợ nhỏ giọt của các tổ chức phi chính phủ đang gần như cạn kiệt. Việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều rào cản hơn trên con đường sinh tồn của những đứa trẻ khuyết tật. Thực phẩm và thuốc men đã trở nên khó tiếp cận hơn. Miiro và những người khác nói rằng đã có một sự gia tăng đột biến trong các báo cáo về lạm dụng tình dục trẻ em vào thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành.

"Các em thực sự rất khó khăn trong giai đoạn này. Chúng ta cần có biện pháp can thiệp để cải thiện tình trạng này", Miiro cho biết.

Túp lều của những đứa trẻ sống không bằng chết: Nơi các em bị bố mẹ và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị nguyền rủa chết sớm-11
Đến khi nào những đứa trẻ ở Uganda mới thoát khỏi dây trói cuộc đời mình?

 

Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tup-leu-cua-nhung-dua-tre-song-khong-bang-chet-noi-cac-em-bi-bo-me-va-xa-hoi-ruong-bo-tham-chi-con-bi-nguyen-rua-chet-som-162201809200235395.htm

trẻ khuyết tật


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.