Chuyện lúc 0h: Công Phượng đến Sint-Truidense, cửa ngõ tới trời Âu diệu kỳ

Nguyễn Công Phượng sẽ tới Sint-Truidense. CLB này có thể xa lạ với người hâm mộ Việt Nam

Nguyễn Công Phượng sẽ tới Sint-Truidense. CLB này có thể xa lạ với người hâm mộ Việt Nam, nhưng là một nơi tuyệt vời để các cầu thủ châu Á thỏa giấc mơ chơi bóng ở châu Âu, sau đó mở ra cơ hội tới Premier League, Bundesliga hoặc Serie A.

Vào mùa giải 2016/17, tại Jupiler Pro League, giải đấu hàng đầu của Bỉ, chỉ có 2 cầu thủ mang quốc tịch Nhật Bản. Một trong hai là Yuya Kubo, tiền đạo gia nhập Gent vào tháng 1/2017 với giá 3,5 triệu euro. Ngoài ra còn có 2 người Qatar, 1 người Đài Loan và 1 đến từ Australia, tất cả tạo thành nhóm 6 cầu thủ châu Á.

Đến mùa giải 2018/19, số cầu thủ Nhật nâng lên 11, và tổng số cầu thủ châu Á ở Jupiler Pro League lên tới 17 người. Không chỉ gia tăng về số lượng, chất lượng cũng được cải thiện. Ví dụ như Daichi Kamada, tiền vệ 22 tuổi người Nhật, đã ghi 12 bàn chỉ sau 24 trận, đứng thứ 5 trong danh sách Vua phá lưới của giải đấu.

Vậy điều gì dẫn tới sự đổi thay này? Tất cả đến từ cuối năm 2017, công ty thương mại điện tử và giải trí trực tuyến DMM.com có trụ sở tại Tokyo đã thâu tóm thành công CLB Sint-Truidense, sau khi mua nốt 80% cổ phần, cộng thêm 20% đã có trước đó.

Dĩ nhiên, việc tạo cơ hội cho các cầu thủ quốc tịch Nhật Bản nói riêng, và châu Á nói chung, là một phần trong kế hoạch phát triển của Sint-Truidense. Mùa giải vừa qua, đội bóng thuộc tỉnh Limburg có tới 6 tài năng người Nhật, bao gồm Daichi Kamada.

Chuyện lúc 0h: Công Phượng đến Sint-Truidense, cửa ngõ tới trời Âu diệu kỳ-1

Nhưng Sint-Truidense không phải trường hợp cá biệt. Trong vòng 5 năm qua, rất nhiều đội bóng của Bỉ rơi vào tay các ông chủ châu Á. Như KV Kortrijk thuộc quyền sở hữu của Vincent Tan, tỷ phú người Malaysia cũng đang nắm quyền kiểm soát đội bóng Anh Cardiff City. Ngoài ra còn có Tubize thuộc Sportizen (Hàn Quốc), Roeselare của Dai Xiu Li Hawken (Trung Quốc), KAS Eupen của Aspire Academy (Qatar) và Leuven nằm trong tay Tập đoàn King Power (Thái Lan).

Jupiler Pro League chỉ đứng thứ 8 trong BXH các giải đấu ở châu Âu. Nó không hào nhoáng và mang lại siêu lợi nhuận như Premier League hay La Liga, cũng không thể so bì với Bundesliga, Serie A, thậm chí cả Ligue 1 về danh tiếng. Vậy lý do khiến các CLB của Bỉ hấp dẫn giới đầu tư châu Á là gì?

Thứ nhất, đó là khoản đầu tư giá rẻ. Trước khi lọt vào tay các tỷ phú nước ngoài, rất nhiều CLB ở trong tình trạng khủng hoảng tài chính. Ví dụ như đội bóng hạng 2 Roeselare không dưới 10 lần đứng trước nguy cơ phá sản. Và sự xuất hiện của nữ tỷ phú Trung Quốc Dai Xiu Li Hawken thực sự là một cứu cánh.

Mặc dù số tiền bỏ ra để tiếp quản Roeselare không được tiết lộ, song nó chắc chắn ít hơn 10 triệu euro, bao gồm cả chi phí trả nợ và tái đầu tư. Bởi trước đó 2 năm, Vincent Tan chỉ mất 5 triệu euro để mua lại KV Kortrijk, một CLB chơi ở Jupiler Pro League.

Thứ hai, Bỉ khá cởi mở trong vấn đề lao động ngoài EU. Bất kỳ cầu thủ nào trên thế giới cũng dễ dàng nhận giấy phép chơi bóng tại Bỉ cùng thị thực châu Âu. Ngoài ra, khi đăng ký một cầu thủ ngoài EU, CLB chỉ mất khoản phí khoảng 80.000 euro, chưa bằng 1/3 so với láng giềng Hà Lan. Nếu bán đi, lợi nhuận cũng không bị đánh thuế.

Chuyện lúc 0h: Công Phượng đến Sint-Truidense, cửa ngõ tới trời Âu diệu kỳ-2

Có nghĩa là, các CLB Bỉ dễ dàng trở thành vựa cầu thủ, cung cấp cho các giải đấu lớn ở châu Âu. Việc của họ chỉ là tìm kiếm tài năng ở những vùng đất xa lạ, hỗ trợ phát triển nghề nghiệp và kiếm được hộ chiếu châu Âu, sau đó bán đi thu lời.

Một ví dụ là năm 2016, Club Brugge bỏ ra 1 triệu euro để mang về tiền đạo người Brazil, Wesley Moraes. Đầu tháng 6 vừa rồi, họ bán anh ta với giá 20 triệu cho Aston Villa. Hoặc tiền vệ người Nhật Bản Ryota Morioka kiếm về cho CLB Waasland-Beveren 2,5 triệu euro chỉ 1 năm sau khi được mua với giá 270.000 euro.

Trên phương diện cầu thủ, Bỉ trở thành cửa ngõ mở ra giấc mơ châu Âu. Giải đấu ở đất nước này không có nhiều áp lực, lại đa dạng phong cách để họ có thể hòa nhập tốt.

Chẳng hạn như Daichi Kamada. Gia nhập Eintracht Frankfurt đầu năm 2017, tài năng nước Nhật bất lực để tìm kiếm suất đá chính. Nhưng chuyển đến Sint-Truidense theo dạng cho mượn, Kamada tỏa sáng ngay lập tức, ghi 16 bàn sau 33 trận đá chính ở mọi đấu trường mùa 2018/19.

Chuyện lúc 0h: Công Phượng đến Sint-Truidense, cửa ngõ tới trời Âu diệu kỳ-3

Chuyện lúc 0h: Công Phượng đến Sint-Truidense, cửa ngõ tới trời Âu diệu kỳ-4

Các cầu thủ Nhật Bản thi đấu khá thành công tại Bỉ. 

Thành tích này không chỉ giúp anh được gọi vào ĐTQG Nhật Bàn, mà còn lọt vào mắt xanh của Stuttgart. Theo nguồn tin từ Nhật, nhiều khả năng Kamada sẽ gia nhập Stuttgart trong tháng này cùng với người đồng đội ở Sint-Truidense, Wataru Endo. Một cầu thủ khác của Sint-Truidense cũng có thể ra đi mùa hè này là Takehiro Tomiyasu. Đến từ J-League 2, nhưng hậu vệ 20 tuổi đã có một mùa giải xuất sắc và nhận được sự quan tâm của Bologna.

Vì vậy, việc Nguyễn Công Phượng ký hợp đồng 1 năm với Sint-Truidense chỉ mang đến những điều tích cực. Như tuyên bố của Chủ tịch Yusuke Muranaka khi mới tiếp quản Sint-Truidense, không quan trọng "cầu thủ đến từ đâu, chỉ cần chứng minh bản thân đủ tốt, anh ta sẽ được đội bóng chào đón".

Tập luyện chăm chỉ, cải thiện vấn đề thể lực, Công Phượng tràn đầy cơ hội ra sân. Và trong trường hợp gây ấn tượng trong 1 năm chơi bóng ở Sint-Truidense, cánh cửa đến với 5 giải đấu hàng đầu châu Âu sẽ chính thức mở ra với "Messi của Việt Nam". Premier League có vẻ hơi xa vời, nhưng Serie A hay Bundesliga thì hoàn toàn có thể.

Theo Trí Thức Trẻ


Công Phượng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.