Danh thủ Indonesia: Không hiểu sao ĐT Việt Nam hay thua lúc quyết định

Cựu tiền vệ Ponaryo Astaman luôn xem ĐT Việt Nam là một thế lực ở AFF Cup nhưng để lại một thắc mắc chưa thể giải đáp là vì sao cầu thủ Việt thường thua những lúc quyết định

Cựu tiền vệ Ponaryo Astaman luôn xem ĐT Việt Nam là một thế lực ở AFF Cup nhưng để lại một thắc mắc chưa thể giải đáp là vì sao cầu thủ Việt thường thua những lúc quyết định.

AFF Cup 2018 đang đến rất gần và sự kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá Việt Nam đặt cho HLV Park Hang-seo cùng các học trò càng cao. Thành công ở các cấp độ U23 và Olympic Việt Nam là bàn đạp hữu hiệu trước thềm Giải vô địch Đông Nam Á, cũng là giải đấu quan trọng nhất của HLV Hàn Quốc.

Những huyền thoại để lại ấn tượng

Đã 10 năm trôi qua kể từ cú đánh đầu lịch sử của cựu tiền đạo Lê Công Vinh giúp ĐT Việt Nam lần đầu đăng quang AFF Cup. Khi đó, Việt Nam vượt qua đại kình địch Thái Lan trong trận chung kết và mở hội ngay tại sân Mỹ Đình. Niềm vui ngày ấy giờ trực chờ suốt một thập kỷ qua để tái hiện lại.

Bóng đá Việt Nam sau 10 năm đã lại sản sinh ra một thế hệ tài năng khác với những Công Phượng, Quang Hải và Bùi Tiến Dũng. Không còn nhà vô địch AFF 2008 nào trong đội hình, đoàn quân của HLV Park Hang-seo liệu có tràn đầy tự tin để khuất phục những đối thủ ở khu vực một lần nữa?

Danh thủ Indonesia: Không hiểu sao ĐT Việt Nam hay thua lúc quyết định-1

Lê Huỳnh Đức (ảnh) cùng Lê Công Vinh nằm trong tốp những tay săn bàn ở AFF Cup đã để lại ấn tượng với Ponaryo Astaman. Ảnh: AFF.

Với danh thủ từng có 10 năm khoác áo ĐTQG Indonesia Ponaryo Astaman, bóng đá Việt Nam là một thế lực mà anh đã chứng kiến trong những năm tháng tham dự AFF. Giờ đã là một bình luận viên chuyên nghiệp và đang giữ chức Chủ tịch hiệp hội cầu thủ Indonesia, Ponaryo Astaman vẫn nhớ rõ.

Anh chia sẻ với Zing.vn tại thủ đô Jakarta: “Tôi còn nhớ Lê Công Vinh, cái tên rất quen thuộc của bóng đá Việt Nam. Sau đó phải kể đến Nguyễn Anh Đức và một tiền đạo huyền thoại mang áo số 10 mà tôi chỉ mới có một lần chạm trán, đó chính là Lê Huỳnh Đức. Họ đều là những người tài năng, giàu thành tích”.

Nếu như Công Vinh là người trực tiếp mang về chiếc cúp AFF Cup 2008 rất ấn tượng với Ponaryo Astaman, thì Lê Huỳnh Đức là một biểu tượng của bóng đá khu vực khi là mẫu trung phong cắm cực kỳ đáng sợ. Còn chân sút Nguyễn Anh Đức đến giờ vẫn còn thi đấu đã là một điều gây ngạc nhiên cho cựu tiền vệ Indonesia.

Kỷ niệm khó quên nhất với chính Ponaryo Astaman chính là trận thắng 3-0 của Indonesia trên sân Mỹ Đình ở AFF Cup 2004. ĐT Việt Nam khi đó có cả Lê Công Vinh và Lê Huỳnh Đức trong đội hình. “Chúng tôi đã vượt qua được áp lực để giành chiến thắng”, anh nói. Ponaryo Astaman chưa từng sút thủng lưới Việt Nam.

Danh thủ Indonesia: Không hiểu sao ĐT Việt Nam hay thua lúc quyết định-2

ĐT Việt Nam từng thua cay đắng 3-4 sau hai lượt trận trước Indonesia ở AFF Cup 2016. Ảnh: Minh Chiến.

Tài năng của bóng đá Việt Nam không thiếu nhưng đội tuyển mới vô địch AFF Cup một lần vào năm 2008 và một lần giành Á quân vào năm 1998. Còn Indonesia của Ponaryo Astaman thì chưa từng lên ngôi ở AFF Cup nhưng có đến 5 lần vào chung kết giải. Hơn thế, họ còn 2 lần có HCV SEA Games môn bóng đá nam.

Bài toán tâm lý hay giây phút quyết định?

Ponaryo Astaman từng hai lần cùng Indonesia thất bại trong trận chung kết AFF Cup 2004 và 2010. Indonesia và ĐT Việt Nam lại chưa từng gặp nhau ở trận đấu cuối cùng của Giải vô địch Đông Nam Á.

Theo quan sát của bình luận viên chuyên nghiệp 39 tuổi, anh cũng chưa thể lý giải được một điểm ở bóng đá Việt Nam khi có dịp đánh giá trên truyền hình. Đó là tâm lý của ĐTQG Việt Nam ở đấu trường khu vực.

Danh thủ sinh năm 1979 bày tỏ: “ĐT Việt Nam luôn là đội bóng mạnh ở Đông Nam Á nhưng vấn đề của họ là luôn gây bất ngờ khi để thua vào những thời điểm quyết định. Họ luôn có thế hệ cầu thủ chất lượng, lối chơi cũng tổ chức tốt như U19 Việt Nam vừa rồi nhưng vẫn bị loại ở thời điểm quyết định”.

Danh thủ Indonesia: Không hiểu sao ĐT Việt Nam hay thua lúc quyết định-3

Ponaryo Astaman không chỉ làm BLV mà anh còn cùng các danh thủ Indonesia chung tay xây dựng các chương trình đào tạo bóng đá trẻ, góp phần phát triển bóng đá trong nước. Ảnh: Trương Khởi.

Cụ thể ở AFF Cup 2016 là ở trận bán kết lượt về trên sân Mỹ Đình giữa ĐT Việt Nam với Indonesia. Đội khách Indonesia đang dẫn 1-0 thì thủ môn Nguyên Mạnh đạp vào lưng tiền đạo đối phương. Trọng tài đuổi thủ môn quê Nghệ An trong bối cảnh HLV Hữu Thắng khi đó không còn quyền thay đổi người nào.

“Còn SEA Games 2017 vừa qua, tôi cho rằng ĐT Việt Nam đủ lực để giành ngôi vô địch. Nhưng rồi sau những chiến thắng dễ dàng, ĐT Việt Nam hòa Indonesia và thua Thái Lan để bị loại từ vòng bảng”, Ponaryo Astaman tổng hợp thêm một số thời điểm khác để đưa ra kết luận như trên.

Tâm lý có lẽ là bài toán nan giải của cầu thủ Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nó có thể đã được giải quyết dưới thời HLV Park Hang Seo. Bằng chứng là các chiến tích Á quân U23 châu Á và bán kết ASIAD.

Là người theo dõi VCK U23 châu Á 2018, Ponaryo Astaman lạc quan khi thấy các tuyến trẻ ở Đông Nam Á gây ra tiếng vang như U23 Malaysia và đặc biệt là U23 Việt Nam. Nhưng anh không bất ngờ bởi lẽ, khi các nước Đông Nam Á chú trọng vào phát triển bóng đá trẻ thì mọi thứ đều có thể.

Ponaryo Astaman lấy Thái Lan làm điển hình trong công tác quản lý và đào tạo. Điều đó tạo ra sự khác biệt về đẳng cấp của Thái so với các nước còn lại. “Chúng ta cần những giáo án, chương trình phát triển cụ thể để theo đó mà xây dựng. Chúng tôi đang làm như vậy ở Indonesia”, anh nói.

Liên đoàn bóng đá Indonesia đã bắt đầu xây dựng chiến lược phát triển bóng đá trẻ từ vài năm qua. Họ mở các chương trình bóng đá tỏa ra nhiều vùng của đất nước, kéo dài từ đảo Sumatra đến quần đảo Papua. Ở đó, trẻ em được học bóng đá và phát triển tài năng.

Sau khi giã từ sự nghiệp cầu thủ, tiền vệ trung tâm này không chỉ làm bình luận viên mà anh còn cùng các đồng nghiệp lập nên Hiệp hội cầu thủ Indonesia. Ponaryo Astaman đang làm Chủ tịch. Ở Đông Nam Á mới chỉ có hai nền bóng đá có Hiệp hội cầu thủ là Malaysia và Indonesia.

Theo Zing.vn


ĐT Việt Nam

AFF Cup 2018


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.