Đốt pháo sáng phá hoại bóng đá Việt Nam: Đã đến lúc CLB khởi kiện cổ động viên

Theo khẳng định của Luật sư Đặng Văn Cường, các CLB có thể khởi kiện người đốt pháo sáng và người đốt pháo sáng có thể phải nhận án phạt tù.

Theo khẳng định của Luật sư Đặng Văn Cường, các CLB có thể khởi kiện người đốt pháo sáng và người đốt pháo sáng có thể phải nhận án phạt tù.

Đốt pháo sáng tại V-League đã trở nên phổ biến và "nhờn" với các biện pháp ngăn chặn. VFF mới đây có công văn "cầu cứu" các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để chấm dứt vấn nạn của bóng đá nước nhà. 

Trong sự việc này, VTC News bày tỏ quan điểm phải thực hiện triệt để bằng công cụ pháp luật hiện hành thay cho những án phạt từ ban kỷ luật VFF không có tính răn đen, tác động trực tiếp tới những người có hành vi đốt pháo sáng.

Để rõ hơn về quan điểm này, chúng tôi có cuộc phỏng vấn Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội.

Đốt pháo sáng phá hoại bóng đá Việt Nam: Đã đến lúc CLB khởi kiện cổ động viên-1

Đốt pháo sáng là hành vi vi phạm pháp luật. (Ảnh: Ngọc Anh)

- Đốt pháo sáng có phải là hành vi vi phạm pháp luật?

Ths, Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay, về vấn đề quản lý, sử dụng pháo được quy định cụ thể tại Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/04/2009 của Chính Phủ.

Theo đó, tại Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP này, quy định các loại pháo sau đây được phép sử dụng, bao gồm:

- Pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất, nhập khẩu để tổ chức bắn pháo hoa đã được Thủ tướng cho phép.

- Pháo hoa do tổ chức, cá nhân nước ngoài được Thủ tướng cho phép và được Bộ Công an cấp giấy phép mang vào Việt Nam để dự thi bắn pháo hoa.

- Pháo hiệu dùng trong các hoạt động báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn, giao thông vận tải và hoạt động quân sự.

4. Các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.

Như vậy, ngoài các loại pháo nêu trên thì tất cả những hành vi quản lý, sử dụng pháo khác đều là vi phạm quy định pháp luật. Tại Điều 4 Nghị định này đã quy định rõ hành vi sử dụng trái phép các loại pháo là hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm các hành vi:

 - Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ.

- Sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa.

- Mua, bán, tàng trữ, sử dụng thuốc nổ lấy từ các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, vật liệu nổ quân dụng (dùng trong quốc phòng, an ninh), vật liệu nổ công nghiệp để sản xuất trái phép pháo, thuốc pháo.

- Sử dụng súng, dùng vật liệu nổ không đúng quy định để gây tiếng nổ thay cho pháo".

Về hành vi đốt và ném pháo sáng xuống sân vận động sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, theo đó phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.

Video CĐV Hải Phòng tạo mưa pháo sáng ở sân Hàng Đẫy hôm 21/4

Đốt pháo sáng phá hoại bóng đá Việt Nam: Đã đến lúc CLB khởi kiện cổ động viên-2

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Chứng minh được người thực hiện hành vi sử dụng pháo sáng hoàn toàn có lỗi và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của tổ chức thì có quyền khởi kiện.

- Mới đây, CLB Hà Nội và Hải Phòng đều phải nhận án phạt nặng từ Ban kỷ luật VFF, gây thiệt hại lớn về hình ảnh, kinh tế do để xảy ra tình trạng đốt pháo sáng. Đây cũng không phải lần đầu hai CLB này bị phạt. Theo luật sư, CLB Hà Nội và Hải Phòng có thể khởi kiện người đốt pháo sáng? Và cần có những căn cứ nào để khởi kiện?

Trong trường hợp, các CLB đã phổ biến nội quy, quy định khi tham dự các trận bóng đến các cổ đông viên và kiểm soát các hành vi mang pháo sáng, những chất cấm theo quy định mà các cổ động viên vẫn cố tình thực hiện, sử dụng pháo sáng mà gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của tổ chức thì các công ty quản lý hay tổ chức đại diện CLB này có quyền khởi kiện các cá nhân có hành vi vi phạm về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Theo đó, tổ chức này phải chứng minh được người thực hiện hành vi sử dụng pháo sáng hoàn toàn có lỗi và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của tổ chức thì có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Các thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.

- Trong trường hợp nào có thể khởi tố người đốt pháo sáng?

Hiện nay, về chế tài xử phạt đối với hành vi đốt pháo trái phép được quy định tại Điều điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, theo đó phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép.

Tuy nhiên, trong trường hợp các cổ động viên quá khích, đốt pháo sáng tại sân vận động gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể, tại mục II Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 hướng dẫn việc truy cứu TNHS đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép phảo nổ và thuốc pháo quy định Người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 BLHS:

a) Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

b) Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;

c) Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

d) Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;

e) Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, đối với hành vi đốt pháo sáng tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định khoản 1 Điều 318 BLHS.

Trong trường hợp có dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách hoặc gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;…. theo quy định khoản 2 Điều 318 BLHS thì có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Đốt pháo sáng phá hoại bóng đá Việt Nam: Đã đến lúc CLB khởi kiện cổ động viên-3

Người đốt pháo sáng có thể bị phạt tù đến 7 năm nếu có hành vi phá phách, gây đình trệ hoạt động công cộng. (Ảnh: Ngọc Anh)

- Ngoài nỗ lực của VFF, Ban tổ chức giải, theo ông, vai trò của Bộ Công an, các UBND tỉnh, thành phố có CLB tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp là như thế nào? Họ có thể làm quyết liệt những gì để ngăn chặn triệt để tình trạng này?

Hiện nay, tình trạng đốt pháo sáng tại các sân vận động diễn ra ngày một phổ biến, các cổ động viên quá khích thay vì cổ vũ trên tinh thần văn minh thì lại đốt pháo sáng, ném pháo sáng xuống sân vận động. 

Hành vi này có thể gây nguy hại cho nhiều khán giả, khi pháo sáng có thể gây cháy và mùi pháo có thể gây khó thở, nhất là trong bối cảnh sân vận động thường tập trung đông người. Không những thế hành vi này còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Vì vậy, để nạn pháo sáng không còn là nỗi ám ảnh của các sân bóng, thì tôi cho rằng ngoài sự nỗ lực, cố gắng của BTC giải, BTC sân bóng, còn cần đến sự giúp sức của các cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm soát tình trạng sử dụng, mang pháo sáng của các cổ dộng viên khi vào sân.

Theo đó cần thắt chặt an ninh khi kiểm soát cổ động viên vào sân. Còn đối với các cổ động viên cố tình vi phạm thì cần áp dụng các chế tài xử phạt thật nghiêm theo quy định pháp luật thì mới có thể hạn chế tình trạng này. 

- Xin cảm ơn Luật sư!

Ngày 24/4/2019, VFF đã có công văn gửi Tổng cục TDTT đề nghị báo cáo Bộ VH-TT-DL hỗ trợ văn bản gửi Bộ Công an, các UBND tỉnh, thành phố có CLB tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2019 nhằm chấn chỉnh, giải quyết triệt để tình trạng đốt pháo sáng gây mất trật tự và an ninh, an toàn các trận đấu.

VFF cũng cân nhắc sử dụng camera ghi hình những kẻ đốt pháo sáng, từ đó, sẽ cân nhắc các phương án xử lý thích hợp trong tương lai.

Theo VTC News


cổ động viên

đốt pháo sáng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.