Nữ võ sĩ gốc Việt Bi Nguyễn và cuộc hành trình khó tin để trở thành một chú "ong sát thủ" đầy kiêu hãnh

Bi Nguyễn vẫn ngồi trầm ngâm một mình và hồi tưởng lại những gì bản thân đã trải qua, những khó khăn và trở ngại mà hiếm ai có thể tưởng tượng nổi

"Cuộc đời tôi đã trải qua đủ sự khắc nghiệt để giờ đây không gây khó được tôi nữa", tay đấm Bi Nguyễn mô tả về những sóng gió đã từng phải đối mặt.

Đôi lúc, Bi Nguyễn vẫn ngồi trầm ngâm một mình và hồi tưởng lại những gì bản thân đã trải qua, những khó khăn và trở ngại mà hiếm ai có thể tưởng tượng nổi. Nhưng giờ mọi thứ khác lắm. Thay vì những trách móc cùng than thở như ngày trẻ, lúc này cô chỉ mỉm cười và đôi khi còn tự hào nữa.

Bi Nguyễn phiên bản 2019 là một nữ võ sĩ chuyên nghiệp tại giải võ thuật lớn nhất châu Á ONE Championship, một HLV, một tấm gương truyền cảm hứng cho hàng trăm con người khác.

Có lẽ, ngày bước sang tuổi 20, cô cũng không nghĩ mình có thể tiến xa đến thế.

Nữ võ sĩ gốc Việt Bi Nguyễn và cuộc hành trình khó tin để trở thành một chú ong sát thủ đầy kiêu hãnh-1

Nữ võ sĩ gốc Việt Bi Nguyễn. Ảnh: Chron.

Tuổi thơ nhiều sóng gió

Năm 1995, khi mới chỉ 8 tuổi, Bi Nguyễn đã theo gia đình sang Mỹ để định cư. Thế nhưng, khác với những gì cô nghĩ, xứ cờ hoa không phải là thiên đường với tất cả và Bi Nguyễn phải nếm trải va vấp từ rất sớm. Để không phải đi ngủ với cái bụng đói, cô phải đi bán báo để kiếm sống.

"Khi đang còn học cấp một, tôi đã phải tự kiếm tiền. Vì còn đang đi học, tôi chọn làm việc từ 21h tới tận 2h sáng. Ngày hôm sau, tôi vẫn đến trường như bình thường. Từ lúc là một đứa trẻ, tôi đã hiểu được giá trị của sức lao động, của đồng tiền", cô nhớ lại.

Ở nhà là vậy, mọi thứ ở trường cũng khắc nghiệt không kém. Một chữ tiếng Anh cũng không biết, cô bù đắp bằng việc nghe nhạc mọi lúc và xem các bộ phim truyền hình. Nhưng còn sự khác biệt về lối sống cùng văn hóa, điều đó quá khó để Bi Nguyễn vượt qua. Nhiều lúc, quanh cô chỉ là bóng tối, cô đơn và lạc lõng với cái đói, cái rét.

Quá chán nản với thực tại, năm 15 tuổi, trong một phút giây bồng bột, Bi Nguyễn đã quyết định bỏ nhà ra đi, vượt hàng ngàn dặm để từ California tới với một Houston nhiều cạm bẫy. Nhưng biết làm gì để sống? Không bằng cấp, không kinh nghiệm lại còn quá trẻ, cô thất nghiệp và buộc phải phụ thuộc vào bạn trai. Dù luôn cố gắng, thứ Bi Nguyễn nhận về không phải là tình yêu mà là những trận đòn. Cô đã bị bạo hành trong một thời gian rất dài.

Phải đến năm 21 tuổi, cô mới có thể thoát ra khỏi mối quan hệ độc hại này khi người yêu bị bắt vì chính tội hành hung. "Tôi đã không đủ dũng khí để từ bỏ những gì đã có. Anh ta vào tù và tôi mới có thể thoát ra. Tôi không biết có thể sống đến ngày hôm nay nếu điều đó không xảy ra", Bi Nguyễn thẳng thắn.

Đau đớn sau những trận đòn của bạn trai, cô quyết định học võ tự do (MMA) để tự vệ và nhanh chóng tìm được mảnh ghép còn thiếu bấy lâu này. Vốn là một chiến binh thực sự ngoài đời, thế nên, bước chân vào phòng gym, Bi Nguyễn như thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân. Cô say mê, tập luyện bằng cả trái tim và khiến mọi người xung quanh sửng sốt thực sự.

"Điều tuyệt nhất ở Bi Nguyễn là cô ấy luôn giữ được thể trạng tốt. Những bài tập mà cô ấy thực hiện những cô gái khác không theo kịp", HLV Jereme Mahon chia sẻ về cô học trò.

Và rồi, chỉ mất 6 tháng, cô gái gốc Việt đã có trận đấu nghiệp dư đầu tiên tại hạng Atomweight (dưới 48kg).

Nữ võ sĩ gốc Việt Bi Nguyễn và cuộc hành trình khó tin để trở thành một chú ong sát thủ đầy kiêu hãnh-2

Võ thuật đã giúp Bi Nguyễn tìm thấy chính mình. Ảnh: SCMP.

Ánh sáng nơi cuối con đường

Đó là màn so tài tại Houston Arena vào năm 2014. Bi Nguyễn bước ra và choáng ngợp với sự cuồng nhiệt của các khán giả. "Tôi không biết tại sao mọi người lại biết tên tôi nữa nhưng họ hét rất lớn và tạo ra không khí rất sôi động". Ngày ấy, cô bị đánh giá cửa dưới hoàn toàn bởi chưa thượng đài lần nào và có thể hình chỉ cao 1m50. HLV thì rỉ tai Bi Nguyễn rằng cô được thi đấu chỉ vì sở hữu gương mặt xinh đẹp.

Bi Nguyễn không quan tâm những điều này. Cô xuất hiện và hạ gục đối thủ bằng những đòn đấm liên tiếp. Cũng từ đó, cô chọn cho mình biệt danh "Killer Bee" (ong sát thủ). Một cái tên thật hợp, cho một cô gái nhỏ nhắn nhưng sẵn sàng cho đối thủ của mình đau đớn bằng những cú chích sắc lẹm.

Vào thời điểm bài viết này được đăng tải, Bi Nguyễn đã chuyển lên chuyên nghiệp được 3 năm và sở hữu thành tích 4 thắng cùng 3 thua. Với cô gái 29 tuổi, một thất bại không có nghĩa là thảm họa bởi võ thuật cũng như là cuộc đời vậy. Có vấp ngã thì mới có đứng lên.

Nữ võ sĩ gốc Việt Bi Nguyễn và cuộc hành trình khó tin để trở thành một chú ong sát thủ đầy kiêu hãnh-3

Bi Nguyễn chọn cho mình biệt danh "Ong sát thủ". Ảnh: Instagram.

"Tôi đã không có cơ hội hiểu rõ bản thân muốn gì và võ thuật đã giúp tôi điều đó. Một khi bạn biết mình là ai bạn có thể làm mọi thứ".

Chiêm nghiệm những khó khăn đã từng trải qua, Bi Nguyễn giờ có thêm một vai trò mới, một HLV để giúp đỡ cho cộng đồng và đặc biệt những phụ nữ đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

"Những ngày đầu, tôi chiến đấu cho bản thân mình, cho những cô gái không có nhiều tiếng nói trong xã hội. Hiện tại, mọi thứ đã thay đổi đôi chút bởi Tôi muốn giúp đỡ tất cả. Tôi nhận ra rằng những gì bản thân đã trải qua có thể giúp đỡ rất nhiều người".

Như Bi Nguyễn nói, cô không thể biết ngày mai cuộc đời sẽ ra sao. Vì thế, cô chọn cách sống hết mình với từng khoảnh khắc của hiện tại.

Ngày 12/4 tới, Bi Nguyễn sẽ có trận ra mắt tại giải đấu ONE Championship và chính thức mở ra một chặng đường mới. Đối thủ của cô là tay đấm Indonesia Dwi ani Retno Wulan (1 thắng, 0 thua). Như thường lệ, Bi Nguyễn có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tay đấm gốc Việt đã tập luyện với cường độ cao trong suốt hơn một tháng qua, chạy khoảng 7km và tập 3 buổi/ngày.

Nữ võ sĩ gốc Việt Bi Nguyễn và cuộc hành trình khó tin để trở thành một chú ong sát thủ đầy kiêu hãnh-4

Theo Trí Thức Trẻ


Bi Nguyễn

nữ võ sĩ

Võ sĩ

MMA


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.