Có thời điểm mỗi kg su su có giá 4.000 đồng, tuy nhiên sau Tết nguyên đán, giá su su “rơi chạm đáy”, chỉ còn 300 đồng/kg. Không bõ công đi bán, người dân đành làm thức ăn cho bò hay vứt đi. Nhiều hộ quyết định phá giàn su su để trồng loại cây khác dù chưa hết mùa.
Xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) có hơn 250 ha trồng rau màu, trong đó có hơn 70 ha trồng cây su su. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng su su lớn nhất, có năng suất cao nhất trong vùng bãi ngang thuộc hai huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Su su là loại cây dễ trồng, không tốn công chăm bón, khả năng chống chịu với sâu bệnh lớn nên năng suất hơn hẳn các loại cây trồng khác.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt có 2 sào (500m2/sào) trồng su su. Vào thời điểm được giá, su su được thương lái mua tại vườn với giá 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trước Tết nguyên đán, su su chỉ còn 500 đồng/kg. Sau Tết, giá su su tiếp tục giảm, chỉ còn 300 đồng/kg, thậm chí có nơi thương lái chỉ thu mua với giá 200 đồng/kg.
“Hái cả yến su su cũng chỉ được có 3.000 đồng, chẳng bõ công đi nhập. Su su của ta xuất ra phía Bắc là chủ yếu chứ nội tỉnh tiêu thụ chả đáng bao nhiêu”, chị Nguyệt thở dài.
Hiện giá su su chưa bằng 1/10 so với đầu mùa. |
Giá quá rẻ, không buồn thu hoạch, chị Nguyệt mặc cho su su rụng đầy vườn rồi gom lại, cắt làm thức ăn cho bò, hươu. Số quả dập nát thì gom vào góc vườn, đổ đống đấy, đợi hoai thì làm phân bón ruộng.
Tiếc công, tiếc của nên hộ gia đình anh Hồ Ngọc Tô (xóm 6, Quỳnh Liên) cũng chịu khó hái xuống, vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. “Quả to, đến kỳ thu hoạch mà không hái xuống thì nặng, kéo sập cả giàn chứ chẳng đùa. Nhưng hái xong rồi, giá rẻ như bèo, chờ mãi không thấy thương lái đến lấy, để đấy cũng hỏng, mà hỏng thì chỉ có nước vứt đi”, anh Tô rầu rĩ.
Mặc dù phải đến tháng 3 âm lịch thì su su mới hết mùa nhưng trước tình cảnh rớt giá thê thảm như hiện nay, anh Tô đành phá bỏ giàn su su của mình để chuyển sang loại cây trồng khác, có giá trị kinh tế hơn. Một số hộ trồng su su khác cũng đang ở trong tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Giá thấp kỷ lục, su su chất đống trong vườn không có người mua |
Ông Hồ Ngọc Tăng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho hay, hiện trên địa bàn xã có khoảng gần 300 hộ dân trồng su su. Thị trường chủ yếu của su su Quỳnh Liên là Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, giá su su không ổn định mà phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.
“Năm nào có rét đậm, rét hại, mạn Sapa hay Phú Thọ không trồng được su su thì su su Quỳnh Liên được giá. Có năm giá lên tới 6-7 nghìn đồng/kg. Năm nay phía Bắc không xảy ra rét đậm, rét hại, thị trường Hà Nội có nguồn cung từ các tỉnh khác về nên su su ở Quỳnh Liên phải cạnh tranh về giá”, ông Tăng lý giải.
Theo ông Tăng, dù rớt giá nhưng mỗi ngày, Quỳnh Liên cũng xuất khoảng 100 tấn ra Hà Nội. “Sản lượng su su trong dân không còn nhiều, thường thì cuối tháng Giêng giá su su sẽ tăng hơn sau Tết”, ông Tăng cho hay.
Su su chỉ còn 300 đồng/kg, ông Hồ Ngọc Tô quyết định phá giàn để trồng loại cây khác có giá trị kinh tế hơn. |
Cây su su được xem là mũi nhọn trong phát triển cây vụ đông ở xã Quỳnh Liên, do vậy các năm gần đây, diện tích cây su su vẫn giữ ổn định dù giá biến động thất thường. Do là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ít, kháng bệnh cao nên dù su su không được giá thì người trồng vẫn có lãi.
Tuy nhiên, để tránh phụ thuộc vào thời tiết và giúp cây su su giữ giá, hiện xã Quỳnh Liên đang nghiên cứu tìm cách mở rộng thị trường. Hiện, một phần sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tuy chưa nhiều.
“Chúng tôi đang xây dựng thương hiệu su su Quỳnh Liên để nâng cao giá trị loại cây này”, ông Hồ Ngọc Tăng cho biết.
Trong khi chờ xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh liên kết vùng và mở rộng thị trường tiêu thụ thì cây su su vẫn quanh quẩn với điệp khúc được mùa - mất giá.
Theo Dân trí