'Ăn chửi' rát tai và cú sốc với hóa đơn nhà hàng gần 7 triệu đồng

Thú thật, trước đây tôi chẳng thích nghề này tẹo nào. Nhưng đúng là "ghét của nào trời trao của đấy", thất nghiệp dài hạn đã khiến tôi không còn lựa chọn.

Thú thật, trước đây tôi chẳng thích nghề này tẹo nào. Nhưng đúng là "ghét của nào trời trao của đấy", thất nghiệp dài hạn đã khiến tôi không còn lựa chọn.

Từ một đứa con gái nhút nhát, yếu đuối, hay khóc, tôi trở thành một người kiên nhẫn, trơ lỳ cảm xúc, chấp nhận nhục nhã khi nhấc 10 cuộc điện thoại gọi cho “thượng đế”, thì có tới chín cuộc bị xả thẳng vào tai bằng những từ ngữ khó nghe: “Gọi gì lắm thế? Tôi không rảnh nghe”; “Đi mà gọi cho người có tiền nhé, đây ăn còn chưa đủ”, “Cứ nói thoải mái đi, tôi đang ở nước ngoài tha hồ mà trả tiền điện thoại nhé”; “Khùng, tao không có nhu cầu”…

Sau lời phũ phàng là những cú cúp máy lạnh lùng đầy thô bạo, thậm chí đi kèm tiếng chửi thề. Nhẹ nhàng hơn thì gặp phải những khách hàng “máu 35”: “Em muốn bán bảo hiểm hả? Nói chuyện qua điện thoại không tiện đâu, tối nay anh gặp em ở nhà hàng… nhé”; “Anh muốn gặp em buổi tối, đi nhậu…".

25 tuổi, tốt nghiệp ĐH Luật, tôi từng làm ở bộ phận nhân sự của một công ty khá lớn tại TP.HCM. Được một thời gian công ty phá sản, tôi lại ôm hồ sơ chạy khắp nơi xin việc.

Bạn bè bán bảo hiểm rủ tôi tham gia với những lời đầy... mê hoặc, rằng nghề này hướng ngoại, tự do, ngoài lương cứng 5 triệu đồng/tháng thì doanh thu còn lại đều do mình quyết định. Bán được một hợp đồng bảo hiểm là sẽ được chia thêm tiền hoa hồng. Nếu có chút nhan sắc, "dẻo mỏ", biết chèo kéo khách hàng thì một tháng bèo nhất cũng được 15 - 20 triệu đồng.

Nghe bùi tai, "việc nhẹ thu nhập cao", tôi nhận lời và bắt đầu công việc của một telesaler (nhân viên tiếp thị, bán hàng qua điện thoại).

bán hàng online, thất nghiệp

Thất nghiệp dài hạn khiến tôi trở thành một telesaler.

Ngày đầu tiên đi làm, tôi được học nghiệp vụ về bảo hiểm, sau đó được huấn luyện kỹ năng mềm như cách gọi, nói chuyện qua điện thoại như thế nào để thuyết phục khách hàng, cách ứng xử khi bị la, bị từ chối, rút kinh nghiệm sau mỗi lần thất bại… Kết thúc những buổi học nghiệp vụ, tôi được giao một danh sách điện thoại khách hàng dài dằng dặc.

Tôi tự tin nhủ thầm: “Chẳng lẽ lại không mời được một ai trong số hàng loạt cái tên như thế này”. Tôi bắt đầu nhấc điện thoại gọi cuộc đầu tiên, khách hàng là một anh làm lĩnh vực xây dựng có số điện thoại đẹp như mơ. Do mới bắt đầu nên giọng tôi hơi run, lúc nhớ lúc quên “bài” đã học. Nhưng số tôi gặp may, anh này vẫn nhỏ nhẹ lịch sự: “Em nói đi, thế à? Gói bảo hiểm này tốt quá". Chỉ có điều, sau khi kết thúc màn chào mời, anh trả lời khiến tôi chưng hửng: “Em giới thiệu tốt lắm, nhưng nhà anh không có nhu cầu em ạ!”.

10 ngày đầu tiên tôi nói rát cả họng nhưng vẫn chưa có một khách hàng nào nhận lời. Có khách hàng bảo tôi cứ nói đi nhưng bật loa to để đó rồi đi làm việc khác, lâu sau thì nói chuyện với người nhà: “Cứ để máy vậy cho nói chán, mất tiền ngu điện thoại ráng chịu”. Còn bị phàn nàn, bị chửi thì nhiều vô kể: “Sao em nói nhiều thế, đau hết cả đầu!”, “Sao các em lì thế? Gọi hoài không chán sao”; “Điên à, bố mày đang bận”....

Tôi kiên nhẫn nghe khách chửi mà không được phép ngắt máy. Cảm giác nhục nhã, muốn bỏ nghề ập đến bất cứ lúc nào. Nhưng rồi sau đó tôi tự động viên mình cố gắng vượt qua.

Trầy trật một thời gian, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, thế rồi tôi cũng có những khách hàng đầu tiên. Điều đó giúp tôi dần tự tin hơn, biết cách thuyết phục khách hàng hơn. Nhưng đó chỉ mới là bước khởi đầu.

Tôi gọi ba cuộc điện thoại cho một ông chủ làm trong lĩnh vực xăng dầu để giới thiệu về gói bảo hiểm mới của công ty. Nghe giọng tôi dễ nghe, thuyết phục, ông này đã hẹn tôi đến gặp mặt ở một nhà hàng ở quận 1.

Trong phòng VIP, ông ta không lịch thiệp như tôi nghĩ, ông nắm tay, ôm vai rồi rỉ vào tai tôi: “Nếu em biết chiều anh, em sẽ có tất cả”. Tôi rất bất ngờ, sợ hãi và bối rối không biết phải làm gì.

Tôi chỉ biết đẩy ông ấy ra rồi trả lời rằng tôi đến đây với mục đích giới thiệu sản phẩm của công ty chứ không có mục đích nào khác. Sau khi nghe tôi nói, người đàn ông tỏ vẻ khó chịu, nhưng cũng bảo tôi ngồi xuống ăn. Tôi cố tỏ ra bình tĩnh, kiên trì giới thiệu sản phẩm của công ty mình, tuy nhiên tôi đã gặp thất bại.

bán hàng online, thất nghiệp

Bán hàng qua điện thoại giúp tôi học được rất nhiều điều. Ảnh minh họa.

Lần khác, qua danh sách điện thoại khách hàng, tôi có quen một anh làm ở cơ quan nhà nước. Sau mỗi lần gọi điện thoại tư vấn gói sản phẩm, anh này hứa sẽ giới thiệu cho tôi mấy “cốp” to để bán bảo hiểm các dự án.

Để tạo quan hệ, một ngày nọ tôi chủ động mời anh đi ăn cơm. Anh bảo hôm nay anh mời bạn bè trong khóa học đi ăn, rủ tôi cùng đi cho vui. Anh còn nói hôm nay anh mời, còn tôi muốn mời thì để lúc khác.

Tôi nhận lời vì muốn tạo sự thân thiết. Hôm đó, có tất cả 8 người tham gia. Sau khi ăn xong, tôi và mọi người cùng về một lúc. Hai hôm sau, tôi nhận được điện thoại của quản lý nhà hàng, họ hỏi tôi: “Chị M. phải không ạ? Hôm trước chị có đến ăn ở nhà hàng cùng anh B (khách quen của nhà hàng). Anh B. nói cuộc hôm đó chị thanh toán, mời chị đến nhà hàng thanh toán 6,8 triệu đồng, cảm ơn chị”.

Tôi ngỡ ngàng. Một đứa bán bảo hiểm kiếm tiền trang trải cuộc sống sau khi tốt nghiệp không bao lâu như tôi thì làm gì có đủ khả năng để giải quyết những "cú sốc" thế này. Tôi thẳng thừng từ chối, và từ đó không liên lạc với vị khách hàng này nữa.

Nhưng chuyện giả vờ hẹn đi ăn sáng, đi uống cafe với mục đích trao đổi về hợp đồng bảo hiểm vẫn thường xuyên diễn ra, và tôi nhiều lần là người phải thanh toán nhưng hợp đồng lại chẳng đi đến đâu.

Cái nghề gọi điện thoại bán sản phẩm bảo hiểm này đã lấy đi của tôi không biết bao nhiêu giọt nước mắt. Chua chát, tủi nhục đủ cả, nhưng cũng có những ngày sướng rân người vì có khách hàng tiềm năng, rồi cảm xúc thăng hoa vì ký được hợp đồng khiến tôi dần dần thấy yêu công việc hơn, muốn gắn bó với nó hơn. Quan trọng là tôi đã học được rất nhiều thứ, một trong số đó chính là sự kiên nhẫn.

Bảy năm trôi qua, nhiều người thắc mắc tại sao tôi không tìm một công việc khác khi đã có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng như thế, nhất là khi tôi đã có gia đình? Khách hàng muôn hình vạn trạng, thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, buổi tối khách hẹn lúc nào là tôi phải đi lúc đó. Đôi lúc cũng có cảm giác mệt mỏi, nhưng nghĩ lại công việc này đã mang đến cho tôi những người bạn, những trải nghiệm quý giá và cả những cơ hội mới là tôi lại thấy yêu nghề hơn.

(Theo Phụ nữ TP.HCM)


khách hàng

nhân viên tiếp thị


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.