Bắp cải giá 1.000đồng/bắp, nông dân định băm nhỏ ủ làm phân

Trong khi nhiều loại rau tăng giá thì ớt chuông và bắp cải sụt giảm thê thảm, đẩy nông dân vào thua lỗ.

Trong khi nhiều loại rau tăng giá thì ớt chuông và bắp cải sụt giảm thê thảm, đẩy nông dân vào thua lỗ.

Những ngày gần đây, giá rau, củ ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) có nhiều biến động và chênh lệch lớn về giá cả. Trong khi các loại nông sản như hành tây, cà chua, xà lách, súp lơ có giá cao từ 17.000-35.000 đồng/kg thì bắp cải chỉ còn 1.000/bắp, ớt chuông rớt giá còn 8.000 đồng/kg.

Bắp cải giá 1.000đồng/bắp, nông dân định băm nhỏ ủ làm phân-1

Bắp cải 2-4kg/cây rớt giá xuống còn 1.000 đồng nhưng không ai mua. Ảnh: Minh Hậu.

Anh Ngô Nguyễn Đạt, nông dân trồng 1ha bắp cải tại xã Quảng Lập (Đơn Dương) cho biết kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, gia đình không bán được rau dù giá xuống sát đáy. Theo anh Đạt, bắp cải quá ngày thu hoạch hơn 1 tuần và đang có xu hướng rạn nứt.

“Dù bán với giá 1.000 đồng/bắp nhưng không ai mua. Trước tết, thương lái đặt cọc 5 triệu đồng với ý định mua cả vườn nhưng nay họ chấp nhận hủy kèo, bỏ luôn tiền cọc”, anh Đạt nói và cho biết thêm bắp cải đều có trọng lượng từ 2-4kg/bắp và trước tết có giá 4.000-5.000 đồng/bắp.

Cũng theo anh Đạt, vào thời điểm này năm ngoái, trên diện tích 1ha bắp cải, gia đình anh thu về gần 300 triệu đồng.

“Năm nay không bán được hàng nên tôi quyết định dùng máy băm nhỏ cả vườn để ủ phân. Mùa này thua lỗ khoảng 60-70 triệu đồng”, anh Đạt buồn rầu thổ lộ.

Bắp cải giá 1.000đồng/bắp, nông dân định băm nhỏ ủ làm phân-2

Hàng chục ha bắp cải của người dân Đơn Dương đang bước vào giai đoạn cho thu hoạch nhưng thương lái không về gom hàng. Ảnh: Minh Hậu.

Theo chủ vựa rau Minh Ngọc ở xã Quảng Lập, hiện tại, chỉ còn cà chua và hành tây được các thương lái thu mua với giá ổn định. Trong đó cà chua mua tại vườn đạt 10.000 đồng/kg, hành tây thu mua 1 sào với sản lượng trung bình khoảng 50 tấn với giá 50 triệu đồng. Vì thị trường các nơi không mặn mà ớt chuông, bắp cải nên vựa Minh Ngọc cũng không nhập hàng này để tránh thiệt hại.

Một hộ dân trồng ớt chuông ở Đơn Dương cho biết, thời điểm này năm ngoái, ớt chuông được tiêu thụ đề và có giá lến đến 30.000 đồng/kg. Ở mức giá này, nhà vườn có cơ hội đạt thu nhập hàng trăm triệu mỗi ha. Với mức giá hiện nay, người trồng ớt chuông thu về không bù được chi phí đầu tư.

Huyện Đơn Dương là vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng với diện tích lên tới hàng chục nghìn ha. Nhiều năm qua, đây là vùng trồng và cung cấp rau quanh năm cho thị trường trong và ngoài nước. Việc phát triển các nông sản chủ lực như bắp cải, su hào, cải thảo, xà lách, cà chua, hành tây, khoai tây... trong điều kiện giá cả thị trường ổn định đã giúp nhiều gia đình trở nên giàu có.

Bắp cải giá 1.000đồng/bắp, nông dân định băm nhỏ ủ làm phân-3

Giá ớt chuông cũng đang giảm sâu làm nhà vườn điêu đứng. Ảnh: Minh Hậu.

Theo các vựa thu mua nông sản, giá bắp cải, ớt chuông xuống thấp do nhiều vùng khác trong nước cũng sản xuất được. Hơn nữa, do tác động bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nCovid-19 nên việc xuất khẩu các loại rau này sang thị trường Trung Quốc, Campuchia gặp nhiều khó khăn dẫn đến các thương lái đồng loạt ngưng gom hàng.

Bà Tou Prong Nay Khoan, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương cho biết, địa phương hiện có khoảng 27.000 ha rau thương phẩm, sản lượng khoảng 915.981 tấn mỗi năm. Sau tết, các loại nông sản như bắp cải, ớt chuông, hành tây, ớt sừng, cà chua… bước vào cao điểm thu hoạch.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nongnghiep.vn/bap-cai-gia-1000dong-bap-nong-dan-dinh-bam-nho-u-lam-phan-d257513.html

nông sản

bắp cải


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.