Cà Mau: Bắt được con cá tưởng đã tuyệt chủng, định giá bằng vàng, lùng mua từng con

Sau hàng chục năm vắng bóng, tưởng như tuyệt chủng, mới đây, ngư dân Cà Mau đã bắt được một con cá đường quý hiếm

Sau hàng chục năm vắng bóng, tưởng như tuyệt chủng, mới đây, ngư dân Cà Mau đã bắt được một con cá đường quý hiếm. Cá đường được xem là loài cá quý vì chỉ cần bán cái bong bóng cá, người ta cũng sắm được vàng lượng.

Cá đường xuất hiện tại Cà Mau sau hàng chục năm vắng bóng

Ngư dân bắt được con cá đường này là ông Huỳnh Văn Được (ngụ huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau). Ông Được cho biết, tối 9/8, khi ra thăm đáy hàng khơi (loại bắt cá, tôm bằng lưới) trên sông Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, ông và người làm công cho gia đình bất ngờ phát hiện trong lưới có con cá đường dài gần 2m, nặng hơn 30kg.

Ông Được cùng một người nữa vội đưa con cá lên thuyền rồi chạy vào bờ, do cá yếu nên ông Được phải dùng nước đá để bảo quản. Qua quan sát, con cá có bụng to, màu trắng bạc, óng ánh rất đẹp mắt.

Khi biết thông tin ông Được bắt được con cá đường khủng, nhiều người đã đến hỏi mua. Sáng ngày 10/8, ông Được đã bán con cá này cho một thương lái với giá 40 triệu đồng.

Con cá đường quý hiếm xuất hiện tại Cà Mau.

Theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm đánh bắt ở địa phương, cá đường thường sống ở vùng biển có độ sâu hơn 30 m trở lên. Hơn chục năm nay, loài cá này không xuất hiện ở vùng biển Cà Mau. Có thể do gần đây mưa dông lớn, biển động nên cá dạt vào các cửa biển. 

Nhưng mấy mươi năm trước, loài cá này vẫn thường tập trung thành từng đàn, tạo ra cụm từ "Hội cá đường" trong quá khứ của ông cha vùng cực nam Tổ quốc. 

Vào thập niên 1980, Cà Mau rộ lên những mùa cá đường. Thời gian đó, cứ vào quãng tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hằng năm, từng đàn cá đường từ ngoài khơi xa lại rủ nhau kéo về các vùng cửa biển để “họp chợ tình”.

 Con cá đường dài gần 2m, nặng hơn 30kg.

Đặc biệt, cứ đến đúng ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm, từ đại dương bao la, bầy cá đường kéo về quần tụ hàng trăm ngàn con trên bãi Khai Long gần chót mũi Cà Mau. Chỉ một ngày thôi rồi tất cả biến mất.

Trong ngày này, ngư dân Cà Mau tha hồ bắt cá để mổ bụng lấy bong bóng bán cho Hoa kiều, trong khi xác cá thả trôi kín một vùng biển rộng. Nhưng ngày hội cá đường cuối cùng trên biển Khai Long diễn ra vào ngày mùng 10/3/1983, đến nay không còn nữa.

Hồi đó, cá đường ăn không hết, bán cũng không kịp, người ta phơi khô, làm mắm, nhưng vẫn còn nhiều quá phải đổ cá thành đống cho thối, rồi trộn tro làm phân bón rau màu, cây thuốc lá.

Sau năm 1980, do khai thác và ô nhiễm môi trường làm giảm số lượng rõ rệt. Bây giờ, ở vùng mũi Cà Mau, người ta không thể tìm thấy tăm hơn con cá đường nào, dù chỉ bằng ngón tay cái. Việc tận diệt cá đường cùng với nghề cào cạn càn quét thềm biển tự nhiên vùng đất Mũi, đã làm cho cá đường bỏ đi, không về chốn cũ.

Cái 'bong bóng' cá giá ngang vàng lượng

Cá đường có tên khoa học là Otolithoides biauritus, là loài cá lớn nhất trong họ cá Đù, mõm nhọn, miệng rộng, hàm dưới đạt tới quá phía sau mắt. Răng khỏe ở cả hai hàm, không có răng nanh. Bóng hơi hình củ cà rốt với một đôi nhánh phụ chạy từ phía sau lên phía trước. Vây đuôi nhọn. Đường bên chạy đến tận cùng của vây đuôi.

Phần đầu và lưng cá màu xanh xám, bên hông màu vàng, vàng da cam, nhạt hơn ở bụng. Đường bên màu vàng. Các vây lẻ và vây bụng màu nâu vàng đến vàng da cam nhạt, vây ngực màu nâu có chấm đen ở gốc.

 Thịt cá đường rất ngon.

Cá đường có màu trắng, thịt rất ngon. Thịt cá đường ngon không thua kém cá bớp hay cá gún, làm khô cũng ngon. Thịt cá đường tươi, nhất là phần đầu cá, đem nấu canh chua với trái bần thì không gì sánh bằng. Còn trứng cá đường mà làm mắm thì chẳng có thứ mắm nào ngon bằng.

Đặc biệt, bong bóng cá đường được cho là được chế tạo thành chỉ khâu dùng trong y học như cá sủ vàng.

Ngoài việc chế ra các loại thuốc quý, nếu chế biến đúng cách thì ăn bong bóng đường rất bổ. Người ta cho rằng, bong bóng cá đường có tác dụng tăng bản lĩnh đàn ông và bồi bổ sức khỏe cho cơ thể: bổ thận, ích tinh, dưỡng sức khỏe... Vì vậy, thương lái thường dùng vàng để đổi bong bóng cá đường của ngư dân.
 
Được biết, việc buôn bán bong bóng cá đường vốn rất phát triển ở Cà Mau vào những năm 1980. Trước mùa hội cá đường hàng năm, thương lái từ Quảng Đông, từ đảo Hải Nam của Trung Quốc lại dong thuyền đến cửa biển Sông Đốc để đón mua bong bóng cá đường.

Bong bóng cá đường có giá cao “khủng khiếp”.

Khi đó, nhiều ngư dân vùng biển Cà Mau cũng không biết bong bóng cá đường có tác dụng gì, cách chế biến món ăn ra sao, chỉ biết rằng sau khi khai thác, ngâm muối, làm sạch, phơi khô, cán thẳng thì chỉ có người Hoa là khách hàng thu mua loại sản phẩm này. Nếu không bán cho những thương nhân từ Trung Quốc sang thì họ cũng chỉ bán cho những đầu mối thu mua của Hoa kiều Chợ Lớn.

Cứ mỗi mùa hội cá đường, các đầu nậu ở TP.Hồ Chí Minh tranh nhau tìm về Đất Mũi đặt cọc, thu mua, đem về bán cho các nhà hàng Tàu ở chợ Lớn. Họ còn bán qua Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc); Thái Lan với giá đắt gấp nhiều lần so với giá thu mua của ngư dân.

Thời điểm đó, bong bóng cá đường loại một có mức giá “khủng khiếp”: 1 cặp bong bóng cá nặng 1kg có giá 2 lượng vàng 24k; loại hai: 3 cái/1kg giá 1,5 lượng vàng; loại ba: 4 cái/1kg giá 1,2 lượng vàng; loại dạt (nhiều cái) giá 0,8 lượng vàng/kg. Ngoài ra, còn có giá riêng cho loại bong bóng có tuổi, càng nhiều năm tuổi giá càng cao.

Hiện nay, bong bóng cá đường đang được rao bán ở mức giá 4 triệu đồng/kg, loại đặc biệt lên đến 10 triệu đồng/kg.

Theo VietNamNet


cá đường

ngư dân

loài cá quý hiếm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.