Chăn nuôi trong "vùng đất chết": Bò chết non và quái thai

Nhiều nông dân tại "vùng đất chết" quanh Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP HCM) vẫn trồng trọt, chăn nuôi bất chấp chính quyền nhiều lần khuyến cáo.

Nhiều nông dân tại "vùng đất chết" quanh Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP HCM) vẫn trồng trọt, chăn nuôi bất chấp chính quyền nhiều lần khuyến cáo.

Vùng lân cận Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (Bình Chánh, TP.HCM) lâu nay được xem là “vùng đất chết”, ô nhiễm nặng nề do hơn trăm công ty thuốc trừ sâu, dệt nhuộm, hóa chất, xi mạ… xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, nhiều nông dân tại vùng này vẫn trồng trọt, chăn nuôi bất chấp chính quyền nhiều lần khuyến cáo.

Bò uống nước kênh ô nhiễm

Năm 2004, với khao khát nuôi bò thịt, vợ chồng chị Hoàng Thị Hưng (xã Lê Minh Xuân) tìm đến mảnh đất hoang vắng của Nông trường Lê Minh Xuân thuê đất làm trại nuôi bò. Lúc ấy, nơi đây chỉ có vài ba gia đình sinh sống.

Chăn nuôi trong 'vùng đất chết': Bò chết non và quái thai

Chị Hoàng Thị Hưng (Lê Minh Xuân, Bình Chánh, TP.HCM) đang chăm sóc đàn bò thịt.

Hơn 10 năm nay, chị Hưng thực hiện mô hình chăn bò thịt thả rông nhờ tận dụng cánh đồng cỏ bỏ hoang rộng mênh mông ở xã Lê Minh Xuân. Từ vài con bò thịt, giờ chị Hưng đã phát triển đàn bò lên hơn 100 con. Mỗi năm, chị bán hàng chục con bò thịt và bò giống. “Vài năm gần đây đàn bò cái có triệu chứng sinh non, quái thai, chết lưu làm thiệt hại tới thu nhập gia đình”- chị Hưng cho biết. Hỏi tại sao có hiện tượng này, chị thổ lộ, do đàn bò thả rông khi khát nước lại uống nước dưới kênh bị ô nhiễm. “Nước ở tất cả các kênh trong khu vực này giờ đã ô nhiễm, đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Đàn bò nào biết gì, cứ thế uống nước” - chị nói.

Chị Hưng cho rằng, vẫn biết khi bán bò thịt hay bò giống ra thị trường có thể sẽ ảnh hưởng đến người tiêu thụ, nhưng không thể làm chuồng trại chăn nuôi và dùng thức ăn công nghiệp vì sẽ rất tốn kém và đội giá thành sản phẩm. “Lâu nay, nuôi bò thả rông là tận dụng đồng cỏ hoang và chỉ lấy công làm lời, giờ đầu tư chuồng trại lấy tiền đâu ra chứ” - chị tâm sự.

Trong khi đó, tại xã Tân Nhựt, anh Nguyễn Văn Nhung mấy năm nay đầu tư nuôi cá. Tuy nhiên, do 5.000m2 ao của anh nằm kề với Khu công nghiệp Lê Minh Xuân nên thả cá giống bao nhiêu chết bấy nhiêu. “Nước kênh rạch ở đây giờ ô nhiễm rất nặng, mặc dù nước trong ao cách ly với kênh rạch nhưng nước bên ngoài vẫn nhiễm vào” - anh cho biết.

Hiện, anh Nhung vẫn thả nuôi cá tra, cá mè giống, với hy vọng sẽ thành công để có sản phẩm cá bán ra thị trường!

Rục rịch tháo chạy

Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Bình Chánh cho biết, từ năm 2013 đến nay, Phòng TNMT đã đánh giá và tham mưu cho UBND huyện ban hành quyết định xử phạt xâm phạm hành chính 30 công ty vi phạm về ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân với tổng số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng.

Trước tình hình chăn nuôi ngày càng khó khăn khi đàn bò sinh sản gặp vấn đề ô nhiễm môi trường, chị Hưng tính sẽ bán tháo đàn bò để xây nhà trọ cho công nhân thuê. “Giờ nếu bán đàn bò, tôi cầm chắc vài ba tỷ đồng trong tay. Tôi tính, lấy số tiền đó, mua miếng đất rồi xây chừng vài chục phòng trọ cho công nhân thuê thì gia đình cũng sống khỏe, không phải đầu tắt, mặt tối với đàn bò” - chị Hưng nói.

Phó Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh Thái Thành Tâm cho biết, một số buổi họp HĐND huyện gần đây, đã đề cập đến việc ô nhiễm của Khu công nghiệp Lê Minh Xuân và khuyến cáo nông dân không tổ chức chăn nuôi, trồng trọt trong vùng ô nhiễm. Tuy nhiên, do sinh kế, một số nông dân vẫn tổ chức trồng trọt, chăn nuôi.

Trong khi đó, ông Thiều Văn Sẻ - Ủy viên thường vụ Hội Nông dân huyện Bình Chánh cũng cho rằng, hội nông dân các xã vẫn tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân trong vùng bị ô nhiễm không được sản xuất hoặc chuyển đổi nghề. “Một số bà con nông dân đã chuyển đổi nghề từ chăn nuôi sang các dịch vụ khác như cho thuê nhà trọ” - ông Sẻ cho biết.

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.