Chất độc hại thận, hỏng thai tràn lan: Cấm hay không?

Cysteamine - chất có tác dụng tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc giống chất cấm Salbutamol - đang được sử dụng để trộn vào thức ăn chăn nuôi.

Cysteamine - chất có tác dụng tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc giống chất cấm Salbutamol - đang được sử dụng để trộn vào thức ăn chăn nuôi. Song, Bộ NN-NTNT vẫn còn “đắn đo”, không biết nên đưa chất này vào danh sách chất cấm hay không.

Sử dụng tràn lan ở Bắc tới Nam

Thời gian qua, do Việt Nam khống chế được nguồn cung cấp Salbutamol nên các cơ sở chăn nuôi chuyển sang dùng Cysteamine thay thế.

Tại cuộc họp bàn về việc xử lý hóa chất này, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN-PTPT, nói việc sử dụng Cysteamine có nguồn gốc nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc tương đối phổ biến, từ Bắc chí Nam.

Cơ quan này cho rằng, nếu không cấm hay không cho phép sử dụng Cysteamine (xử lý như chất ngoài danh mục) thì thiếu sức răn đe, rất khó quản lý. Rất có thể sắp tới cầu có, cung có, sẽ tràn ngập câu chuyện sử dụng Cysteamine đưa vào thức ăn chăn nuôi - ông Việt cảnh báo.

Cysteamine, chất cấm Salbutamol, chất tạo nạc, chất tăng trọng, thức ăn chăn nuôi, chất cấm, nuôi lợn, chất kích thích tăng trưởng

Sản phẩm dinh dưỡng bị phát hiện có chứ hàm lượng Cysteamine

Trên thực tế, từ tháng 8/2016 đến nay, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và cả người chăn nuôi sử dụng Cysteamine.

Cụ thể, ngày 5/8, qua điều tra đã phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới ở 39 Trần Quốc Hoàn (phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) đã nhập 2 loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung là Maxsure và Synergrown từ Thái Lan, sau đó bán cho các đại lý, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại lợn ở cả phía Bắc, phía Nam. Trên bao bì không ghi thành phần Cysteamine, nhưng khi kiểm tra phát hiện hàm lượng Cysteamine là 29.898 mg/kg (29.898 ppm) và 30.645 mg/kg (30.645 ppm).

Hay mới đây, Thanh tra Bộ đã phát hiện một công ty ở Bình Lục (Hà Nam) trong vòng 3 tháng đã nhập khẩu tới 7 tấn Maxsure. “Giá mua vào là 4,1 triệu đồng/gói 25kg ở phía Bắc, ở phía Nam giá là 5,5 triệu đồng. Tại Hưng Yên chúng tôi đã phát hiện một số người dân dùng Cysteamine với mức giá mua là 6,5-10 triệu đồng/gói 25kg - lợi nhuận lớn hơn nhiều so với ma túy”, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN-PTNT) cho hay.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện việc sử dụng Cysteamine tại Hải Dương, Thái Bình, Sơn La.

Cần dứt khoát cấm hay không cấm

Theo ông Nguyễn Văn Việt, hiện Trung Quốc là quốc gia duy nhất quy định Cysteamine CH1 được sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Chất này không có trong danh mục của tổ chức CODEX - Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế; bị Liên minh châu Âu (EU) cấm sử dụng. Nhiều tổ chức thú y trên thế giới khuyến cáo chỉ dùng Cysteamine để xử lý cho những trường hợp vật nuôi riêng lẻ, không dùng trong chăn nuôi đại trà, thương mại,...

Cysteamine, chất cấm Salbutamol, chất tạo nạc, chất tăng trọng, thức ăn chăn nuôi, chất cấm, nuôi lợn, chất kích thích tăng trưởng

Việc sử dụng Cysteamine đã phát hiện có tại Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Sơn La.

Ông Việt cho rằng, Bộ NN-PTNT cần thể hiện rõ quan điểm cấm hay cho phép, bởi những nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ, không mấy uy tín sử dụng Cysteamine thì bán rất chạy, thậm chí một số nơi không có cám để bán. Như vậy, vô hình trung đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

“Nếu cứ để như vậy, tôi khẳng định sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng Cysteamine do chế tài xử phạt tương đối nhẹ (15-20 triệu đồng)”, ông Việt lo lắng.

Theo ông Việt, việc cấm Cysteamine sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam hơn, nhất là trong việc sản xuất sạch, an toàn để thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Trung Quốc.

Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) hiện cũng không cho phép nhập Cysteamine.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho rằng, nếu đưa Cysteamine vào danh mục cấm, nếu sử dụng sẽ bị xử lý rất nặng theo quy định của Luật Hình sự. Do đó, Cục này đề xuất chưa nên cấm Cysteamine, cũng chưa cho phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi để chờ thêm bằng chứng khoa học rõ ràng về tác hại của nó đối với sức khỏe vật nuôi và con người.

“Đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ sản phẩm thức ăn chăn nuôi công bố có chất Cysteamine được phép lưu hành tại Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định.

Để tìm được phương án hợp lý, hợp tình trong việc quản lý Cysteamine, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu tổng hợp các ý kiến, báo cáo gửi về Bộ; tăng cường xử lý vi phạm; tìm hiểu thêm lý do vì sao EU đưa Cysteamine vào nhóm hormone tăng trưởng (nhóm bị cấm sử dụng); hoàn thiện một số nghiên cứu về chất này; khẩn trương chỉ định phòng phân tích Cysteamine để tiến hành xử lý các vi phạm.

Ông Tám chỉ đạo trước hết phải khuyến cáo người dân không nên sử dụng Cysteamine vì nền chăn nuôi sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo VietNamNet


Thực phẩm bẩn

chất cấm

chất cấm trong chăn nuôi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.