Có thể thu 1 USD/khách
Tại buổi tọa đàm về “Luật Du lịch, động lực thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” ngày 9/6, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho hay, điểm mới của Luật Du lịch (sửa đổi) lần này là thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn mục đích thành lập, xác định nhiệm vụ chính của quỹ, cơ quan nào quản lý và vận hành quỹ,... Trong đó, lo nguồn kinh phí để quỹ hoạt động cũng là một vấn đề.
Khách du lịch tới đây sẽ phải đóng thuế? (ảnh minh họa) |
Ông Bình cho hay, vốn ban đầu của Quỹ được Nhà nước cấp là 300 tỷ đồng, con số này được bảo tồn suốt trong quá trình hoạt động. Ngoài khoản đóng góp tự nguyện, kinh phí quỹ sẽ thu từ các nguồn hợp pháp khác. Cụ thể, đó là trích một phần từ phí, lệ phí visa và phí tham quan tại các điểm đến. Song, ông Vũ Thế Bình cho hay con số này là không nhiều.
Vì thế, cần xem xét đến nguồn thu từ khách du lịch, có thể là 1 USD/người, như thế Quỹ mới có nguồn để chi cho hoạt động xúc tiến, quảng bá. Hiện Việt Nam mới chi khoảng 2 triệu USD xúc tiến mỗi năm, con số này quá nhỏ bé với các nước, chỉ bằng 2,9% của Thái Lan, 1,5% của Singapore và 1,9% của Malaysia. Thế nên, sớm muộn gì cũng sẽ đưa vào thành quy định - ông Bình nói.
Ông Phạm Mạnh Cương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, đưa ra dẫn chứng về nguồn thu để lập quỹ xúc tiến của một số nước và điểm du lịch trên thế giới.
Chẳng hạn, từ 1/8 tới đây, Malaysia sẽ chính thức thu thuế với khách du lịch trong nước và quốc tế. Con số này căn cứ vào thời gian và địa điểm khách du lịch nghỉ đêm. Ví dụ, nếu ở tại khách sạn 5 sao, khách phải trả phí 20 ringgit/đêm (100.000 đồng), con số này thấp dần nếu sao khách sạn nhỏ và số đêm lưu trú ít.
Hay, tại Osaka (Nhật Bản), từ 1/1/2017, khách cũng phải đóng thuế dựa trên giá phòng được niêm yết. Còn ở châu Âu, một loạt quốc gia như Áo, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha,... đã áp dụng thuế lưu trú với khách du lịch từ 1/7/2016. Số tiền khách phải nộp dao động từ 0,15-4 Euro/người tùy khách sạn hay điểm đến, thời gian lưu trú.
Tại Hoa Kỳ, công dân đến từ 39 quốc gia trong diện miễn thị thực, khi nộp 14 USD sẽ được trích ra 10 USD cho hoạt động xúc tiến.
Tổng Giám đốc Công ty APT Travel - ông Nguyễn Hồng Đài - cho hay, 13 năm nay công ty ông mày mò tự bỏ tiền đi xúc tiến du lịch nước ngoài, nên lập Quỹ Xúc tiến du lịch là việc cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp. Song, nếu chỉ DN lữ hành đóng góp thì hơi thiệt thòi vì lâu nay lữ hành vẫn tự bỏ tiền rồi, cần có sự hỗ trợ từ khách du lịch.
Việc thu thuế từ khách, theo ông Đài, là bình thường, vì khi đi du lịch nước ngoài chúng ta đã bị đánh thuế, vậy tại sao khách nước ngoài vào Việt Nam lại không phải nộp?
Các khách sạn 4-5 sao thường không cần cơ quan quản lý xếp hạng vì họ có điều kiện tiêu chuẩn của mình (ảnh minh họa) |
Không nên ép khách sạn phải đăng ký xếp hạng
Tại buổi tọa đàm, có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên hay không việc bắt buộc các cơ sở lưu trú đăng ký xếp hạng, sau 6 tháng hoạt động. Trong đó, phần lớn ý kiến đồng tình, cho rằng không nên bắt buộc các cơ sở lưu trú đăng ký xếp hạng sao.
Lý do, ngay trong Dự thảo Luật đã có quy định điều kiện tối thiểu để các cơ sở lưu trú đón khách du lịch.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa - Thiên Huế, lập luận, đó là quyền tự do của các tổ chức cá nhân kinh doanh. Không phải ông chủ hay cơ quan quản lý Nhà nước, mà khách hàng mới chính là người quyết định khách sạn đó ở hạng sao nào. Vấn đề là cơ sở lưu trú làm gì để hút khách và đảm bảo chất lượng phục vụ để du khách hài lòng nhất với số tiền mình bỏ ra.
Đơn cử ở Thụy Sĩ, có những khách sạn 0 sao mà giá luôn 300 USD/đêm, công suất phòng luôn đạt 80% - ông Thắng nói.
Cùng quan điểm này, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên, bổ sung, khách sạn thấp sao nhưng khách đông do dịch vụ tốt thì họ không cần hoặc không muốn nâng hạng sao. Bởi, khi đó, du khách có tâm lý e ngại vì giá phòng có thể đắt hơn.
Còn ông Nguyễn Hồng Đài thì cho rằng, cần ghi rõ trong Luật, khi không đăng ký xếp hạng thì không được tự ý phong sao, tránh việc cơ sở lưu trú có thể lợi dụng để quảng cáo sai sự thật hoặc lừa dối khách hàng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến trái ngược, cho rằng, cần bắt buộc các cơ sở lưu trú du lịch đăng ký xếp hạng.
Bởi, như lý giải của ông Hoàng Trí Đức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sơn La, việc này là để bảo vệ quyền lợi của du khách. Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Tuyên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lào Cai, ví dụ khách sạn 4 sao trở lên có thể tự nguyện áp dụng đúng tiêu chuẩn và chất lượng của 4-5 sao, nhưng với các khách sạn 3 sao trở xuống việc kinh doanh còn bát nháo, ông lo ngại du khách sẽ bị thiệt thòi.
Bà Vũ Thị Tuệ, đại diện DN kinh doanh dịch vụ lưu trú tại Ninh Bình, tuy e ngại việc đăng ký xếp hạng tự nguyện sẽ tiềm ẩn nguy cơ về chất lượng kinh doanh, DN tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, song vẫn đồng tình với phương án này. Nhưng, đòi hỏi vai trò của Nhà nước trong việc quản lý, hậu kiểm, có chế tài xử lý nghiêm với những cơ sở lưu trú quảng cáo sai, thu lợi bất chính.
Ngoài các nội dung trên, việc quản lý chặt chẽ hơn với hướng dẫn viên, quy định về cấp phép với 3 loại hình lữ hành nội địa, inbound, outbound,... cũng được các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến trước khi Luật Du lịch (sửa đổi) được bấm nút thông qua vào ngày 19/6 tới.
Theo VietNamNet