Hai câu chuyện về con cá tra gian lận và con cá tra tử tế

Hai câu chuyện về con cá tra và sự chọn lựa lâu dài của doanh nghiệp: gian lận hay đàng hoàng.

Hai câu chuyện về con cá tra và sự chọn lựa lâu dài của doanh nghiệp: gian lận hay đàng hoàng.   

1. Hội chợ thuỷ sản quốc tế Vietfish 2017 vừa mới kết thúc sau ba ngày (từ 29 – 31.8) tại TP.HCM. Hội chợ năm nay chứng kiến làn sóng thương nhân châu Á, số đông đến từ Trung Quốc sang mua thuỷ hải sản khá rầm rộ. Không phải đến bây giờ mà từ hơn một năm nay, trong số các loài thuỷ hải sản, con cá tra được Trung Quốc săn đón ráo riết bởi giá vừa rẻ, vừa được đánh giá có chất lượng tốt hơn con cá rô phi nội địa.

Đi đến gian hàng cá tra nào cũng có sự xuất hiện của mấy ông thương nhân Trung Quốc hỏi mua cá. Một doanh nghiệp cá ở An Giang cho biết, trong ba ngày diễn ra Vietfish, họ đón không dưới 20 doanh nhân Trung Quốc. Theo như yêu cầu, nếu có đủ sản lượng nguyên liệu thì có thể bán 50 container mỗi tháng, từ nay đến cuối năm 2017.

 hai cau chuyen ve con ca tra gian lan va con ca tra tu te hinh anh 1

Con cá tra đi Mỹ đang sang chảnh hơn con cá đi Trung Quốc, bị mạ băng gian lận giành giật khách hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh nhu cầu rất lớn từ Trung Quốc, hội chợ Vietfish vẫn để lại một nỗi lo cũ, đó là “câu chuyện dài nhiều tập” liên quan đến tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh bán giá thấp. Ở các kỳ Vietfsh trước đây, thường, giá cá tra (cả nguyên liệu lẫn sản phẩm philê) đang cao ngất ngưởng, nhưng chỉ sau một ngày diễn ra hội chợ đã giảm mạnh. Năm nay cũng không ngoại lệ, có doanh nghiệp, ngay trong ngày đầu khai mạc đã “phát” giá cá tra bán đi Hong Kong có 1,8 USD/kg philê.

Hỏi ra mới vỡ lẽ, họ mạ băng ba bốn chục phần trăm, quay tăng trọng từa lưa, đến mức miếng philê nhão ra như… cháo. Không ăn gian chất lượng, chắc chắn không thể có giá đó, vì riêng tiền nguyên liệu hiện đã là 26.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu phải từ 2,5 USD trở lên mới có lời.

Thực trạng làm bậy làm bạ để giành giật khách hàng đã được cộng đồng doanh nghiệp cá tra nhắc đi nhắc lại nhiều năm rồi. Vấn nạn này không thuyên giảm mà luôn bộc lộ trong các kỳ hội chợ, nơi mà lẽ ra hình ảnh, thương hiệu con cá tra phải được tôn vinh cho khách hàng hiểu.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản (cũ) từng có hai đề xuất liên quan đến thương hiệu con cá tra. Thứ nhất là xây dựng hình ảnh, tiêu chuẩn philê cá tra quốc gia để chấn chỉnh tình trạng bán giá thấp, làm ăn gian dối chất lượng, gian dối trọng lượng. Thứ hai là phát triển một quỹ thị trường để quảng bá, xúc tiến thương hiệu. Rất tiếc, đến nay Bộ Nông nghiệp vẫn chưa tiếp nhận ý kiến này.

Theo bà Hồng Minh, sản lượng cá tra philê xuất khẩu chiếm tới hơn 80%, nhưng chúng ta vẫn chưa có quy chuẩn rõ ràng, nên mỗi doanh nghiệp làm một đàng. Số làm tốt thì ít mà gian dối thì nhiều, đến lúc cần thiết phải có quy chuẩn để ràng buộc người bán, người mua vào khuôn phép. Có như vậy thì mới tiến tới xây dựng thương hiệu, nâng hình ảnh con cá tra lên được.

2. Trong khi miếng cá tra đang bị làm chất lượng gian dối để bán rẻ rúng tại một số thị trường châu Á dễ tính, thì tại Mỹ, nó lại được tôn vinh như “ông hoàng bà chúa”. Những ngày này, doanh nghiệp cho biết giá bán 1kg cá tra vào Mỹ dao động trên mức 4 USD, trừ chi phí nguyên liệu, còn lời ít nhất 16.000 – 20.000 đồng.

Tại sao cá tra có giá tại Mỹ? Đơn giản là vì, ngoài các chi phí đội lên sau ngày 2.8 (phải kiểm tra 100% lô hàng theo quyết định của cục Thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ), doanh nghiệp đã biết phải làm ăn đàng hoàng hơn: bán cá tra đúng chất lượng như vốn có; giảm/không quay tăng trọng, giảm mạ băng, kiểm tra gắt gao kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

Vì hơn ai hết, doanh nghiệp thừa biết nếu vẫn bán cá tra kém chất lượng vào Mỹ sau ngày 2.8, thì nguy cơ bị trả về, nguy cơ bị cấm xuất khẩu là rất cao khi FSIS nâng tần suất kiểm tra lên 100%. Như vậy, việc con cá tra bị giám sát chặt tại thị trường Mỹ là tốt hay xấu? Chắc chắn sẽ mang lại nhiều hệ quả tốt hơn. Tạo cho doanh nghiệp thói quen làm ăn đàng hoàng, thói quen có trách nhiệm, có ý thức kiểm soát nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cũng liên quan đến thị trường Mỹ, ngày 23.8.2017, đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo FSIS đã nhận được bản trả lời câu hỏi (SRT) của Việt Nam phục vụ quá trình đánh giá tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn, do FSIS thực hiện. Hồ sơ bao gồm bản trả lời câu hỏi (SRT) và trên 1.500 trang tài liệu kèm theo. Như vậy, Việt Nam đang ở bước thứ hai của quy trình đánh giá tương đương bao gồm sáu bước của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Các bước tiếp theo bao gồm việc trao đổi bổ sung thông tin giữa FSIS và cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản Việt Nam (NAFIQAD); kiểm tra thực tế hệ thống kiểm soát tại Việt Nam; công bố dự thảo báo cáo thanh tra và quyết định tính tương đương.

Với việc NAFIQAD đã hoàn tất và nộp hồ sơ SRT cho FSIS trước thời hạn ngày 1.9, việc xuất khẩu cá da trơn sang Mỹ tạm thời không bị gián đoạn, tuy nhiên, các lô hàng phải đáp ứng đầy đủ các quy định của FSIS. Một số doanh nghiệp cho biết, khó khăn lớn nhất hiện tại đó là hàng hoá phải vào I-house (kho kiểm tra do cơ quan USDA chỉ định) để FSIS tiến hành các bước kiểm tra, giám sát.

Số I-house được chỉ định không nhiều, trong khi thời điểm này các doanh nghiệp lại có ý tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trước khi FSIS công bố con cá tra có được đánh giá tương đương hay không. Tình trạng này, khiến hàng hoá bị ách tắc nghiêm trọng tại Mỹ, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp bị “chôn vốn”, bị đội chi phí, rủi ro hàng không đạt bị cắt code xuất khẩu là rất cao.


Theo Dân Việt

doanh nghiệp

xuất khẩu

cá tra


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.