Lãi suất tăng mạnh: Vàng chưa yên, cảnh báo đầu cơ nhà đất

Lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng tăng nhanh sẽ gây sức ép tới nhiều lĩnh vực và tác động tới các kênh đầu tư.

Lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng tăng nhanh sẽ gây sức ép tới nhiều lĩnh vực và tác động tới các kênh đầu tư. Gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán hay trữ vàng,... các chuyên gia khuyến cáo nên hết sức cẩn trọng. Đặc biệt, việc đầu cơ đất đai tiếp tục được các chuyên gia cảnh báo.

Sức ép lớn

Hơn 2 tuần qua, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động tiền đồng, có nơi phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới hơn 9%/năm.

Nhiều ngân hàng tung ra chương trình huy động cả ngàn tỷ đồng và áp dụng mức lãi suất cao kỷ lục sau nhiều năm duy trì ở mức thấp. Đây là những dấu hiệu cho thấy, lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng tới nhiều thị trường.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lý do các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn thông qua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao là do các ngân hàng này đang cân đối lại nguồn vốn.

lãi suất ngân hàng, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại hối, tỷ giá usd, lãi suất tăng, chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất, chính sách ngoại hối, kênh đầu tư, bất động sản, gửi tiết kiệm
Lãi suất ngân hàng tăng mạnh.

Theo ông Hiếu, sức ép lên lãi suất ngân hàng năm 2017 khá lớn và lãi suất cả huy động và cho vay nhìn chung có thể tăng 1% trong năm nay.

Hiện tại, Hiếu cho rằng, các ngân hàng đang chịu sức ép từ cả trong và ngoài nước. Trong nước, đó là các quy định mới tại Thông tư số 06/2016 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, từ đầu 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%. Để đáp ứng quy định này, các ngân hàng phải tăng vốn trung và dài hạn. Phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất thu hút các món tiền lớn là một giải pháp. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể tăng vốn chủ sở hữu để đáp ứng các quy định NHNN đưa ra.

Quyết định nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ 150% lên 200% (cũng từ đầu 2017) nhằm kiểm soát cho vay kinh doanh bất động sản cũng là lý do khiến các ngân hàng phải cân đối lại nguồn vốn.

Về vĩ mô, theo mục tiêu đặt ra, Chính phủ sẽ kiểm soát lạm phát ở mức 4% và tăng trưởng kinh tế 6,7%. Để đạt được những mục tiêu này, tăng trưởng tín dụng cũng phải ở mức cao hơn. Các ngân hàng phải chuẩn bị vốn.

Trên thế giới, nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa. Nếu đúng như vậy, sẽ có áp lực lên lãi suất tiền đồng. Việc các ngân hàng áp dụng lãi suất cao cho các kỳ hạn lên tới 5 năm là điều dễ hiểu.

Theo ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP chứng khoán Trí Việt (TVB), lãi suất huy động tăng trong 2 tuần qua đa phần là lãi suất huy động dài hạn. Do vậy, trong ngắn hạn, lãi suất cho vay sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều.

Cũng theo ông Trí, thời gian trước đây, các ngân hàng phần lớn lấy tiền huy động ngắn hạn cho vay dài hạn. Quy định mới suy cho cùng là để tạo tính an toàn cho hệ thống. Các ngân hàng buộc phải tăng cường các sản phẩm huy động vốn dài hạn. Tuy nhiên, chi phí tăng, lãi suất cho vay cũng sẽ sớm tăng lên.

lãi suất ngân hàng, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại hối, tỷ giá usd, lãi suất tăng, chính sách tiền tệ, chính sách lãi suất, chính sách ngoại hối, kênh đầu tư, bất động sản, gửi tiết kiệm
Lãi suất tăng tác động tới nhiều kênh đầu tư.

Tác động tới nhiều kênh đầu tư

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thị trường hiện vẫn còn nhiều yếu tố khó lường. Thị trường tài chính thế giới ngày càng bất định. Mỹ vẫn có thể sẽ không tăng tiếp tục lãi suất trong năm nay. Và điều này sẽ tác dụng ngược lại, USD sẽ giảm và sức ép lên lãi suất VND giảm. NHNN cũng có thể sẽ bơm tiền ra thị trường, nhưng khả năng này thấp do mục tiêu lạm phát 4%.

Với những yếu tố như vậy, ông Hiếu cho rằng, xu hướng lãi suất tăng là rõ ràng hơn và khả năng mức tăng có thể là khoảng 1%. Và lãi suất tăng là thông tin không hỗ trợ thị trường chứng khoán và không có lợi cho thị trường bất động sản.

“Hiện tại, có 5 kênh đầu tư truyền thống. Gửi tiền vào ngân hàng thời điểm này là thích hợp do lãi suất đang tăng, nhưng gửi dài hạn vẫn có nhiều biến động. Giá vàng cũng đang có xu hướng tăng giá nhưng cũng không có gì đảm bảo, có thể quay đầu giảm nếu chính quyền ông Trump đưa ra các chính sách kinh tế hợp lý”, ông Hiếu nhận định.

“TTCK Mỹ đang tăng mạnh, đứng ở mức kỷ lục nhưng có thể quay đầu giảm nếu trong vòng vài ba tháng tới chính quyền ông Donald Trump không đưa ra được các chính sách cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. TTCK Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng bất lợi vì điều này và do lãi suất trong nước tăng”.

Cũng theo ông Hiếu, thị trường BĐS có thể bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh phân khúc cao cấp đang có dấu hiệu phát triển nóng, dư thừa. Thị trường ngoại hối có thể là kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng chỉ là đối với các đơn vị được phép kinh doanh.

Ông Lê Quang Trí nhận định, lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng tới các thị trường chứng khoán và BĐS nhưng không nhiều. Những người vay đầu tư chứng khoán đều là các khoản ngắn hạn do vậy tác động không lớn. Với những người vay dài hạn như mua nhà,... sẽ bị ảnh hưởng nhưng cũng không thực sự lớn.

Trong một báo cáo mới nhất, Ngân hàng HSBC dự báo trong năm 2017 Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng lãi suất của Fed là một điểm tiêu cực đối với tình hình tăng trưởng tăng trưởng ở các nước châu Á mới nổi.

Theo VietNamNet

lãi suất

lãi suất ngân hàng

giá vàng trong nước

giới đầu cơ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.