Lật tẩy các chiêu lừa đảo mua bán online trên Facebook
Cướp khách hàng, ăn cắp chất xám, tráo hàng giá rẻ kém chất lượng, làm giả Facebook để lừa đảo...là mảng tối trong bức tranh bán hàng online trên Facebook
Theo thống kê gần đây, Việt Nam có khoảng 25 triệu người sử dụng Facebook, nơi tập trung nhiều người dùng trẻ, từ lứa tuổi học sinh sinh viên đến giới nhân viên văn phòng. Đây là nhóm đối tượng có nhu cầu mua sắm cao.
Chính vì vậy, các loại hình dịch vụ, kinh doanh online ngày càng nở rộ bởi sự tiện lợi. Người mua chỉ cần xem thông tin giới thiệu sản phẩm rồi comment xác nhận trên Facebook hoặc fanpage của người bán, là giao dịch có thể được tiến hành.
Tuy nhiên, việc trao đổi thông tin giữa kẻ mua người bán quá giản đơn. Mua bán ở nơi công cộng mà ai cũng có thể đọc được khiến nhiều đối tượng xấu, những người bán hàng không chân chính lợi dụng kẽ hở để cạnh tranh không lành mạnh hòng thu lợi bất chính, hay nặng hơn là lừa đảo những người thật thà, nhẹ dạ.
Dưới đây là các "chiêu bẩn", lừa đảo phổ biến mà cộng đồng mạng dễ gặp phải khi mua bán online trên Facebook.
Mua hàng online: Hàng nhận được đôi khi không như ảnh quảng cáo. |
Đây là "vấn nạn" chung làm đau đầu những người bán hàng online chân chính. Facebook của người kinh doanh qua mạng uy tín luôn bị các đối thủ kinh doanh chầu chực theo dõi. Hễ ai comment hay thậm chí chỉ like bài viết giới thiệu sản phẩm, là ngay lập tức nhóm đối tượng này kết bạn Facebook, rồi nhắn tin "rỉ tai" bán sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn.
Không ít người mua vì ham giá rẻ, không tìm hiểu thông tin kĩ càng mà nhắm mắt mua hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng chất lượng kém.
Mới đây, một clip được lan truyền chóng mặt, nhờ hàng ngàn người chia sẻ ghi lại cảnh đôi nam nữ đánh dằn mặt một cô gái, chỉ vì cô này "cướp khách" do nẫng tay trên thông tin khách hàng. Rút kinh nghiệm, các shop hiện giờ đều rút vào "bí mật", trao đổi với khách mua qua inbox.
Tạo Facebook giả người bán hàng có uy tín
Các đối tượng lừa đảo này bỏ thời gian theo dõi, tìm hiểu rất kĩ các shop bán hàng online có uy tín, có nhiều khách mua. Chúng lập Facebook giả y hệt người bán, tìm cách kết bạn với càng nhiều người quen của người bán càng tốt, để tạo vỏ bọc như thật, rồi kết bạn với nhóm khách hàng có nhu cầu mua sắm cao để "săn mồi".
Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) đã bắt N.Đ.A và N.T.D đều ở Ninh Bình. Hành vi của 2 đối tượng này là “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, thông qua việc lập Facebook mạo danh người kinh doanh túi xách có tiếng trên mạng.
Hai đối tượng 9X này đã chiếm đoạt gần 100 triệu đồng, bằng thủ đoạn câu kéo các nạn nhân mua hàng theo chương trình giảm giá, và yêu cầu khách chuyển khoản đặt cọc trước.
Làm giả giấy chuyển tiền ngân hàng
Thông thường, bên bán buộc bên mua phải chuyển tiền trước 100% rồi mới gửi hàng cho khách, nhất là các khách hàng ở tỉnh xa. Kẻ lừa đảo lấy lí do không có nhiều thời gian, cần hàng gấp rồi hối thúc người bán chuyển hàng ngay.
Giả người bán để lừa shipper (người vận chuyển đơn hàng). |
Đóng giả người bán hàng, lừa "shipper"
Lợi dụng kẽ hở này, kẻ lừa đảo giả làm người bán, đóng thùng hàng có giá trị thấp, nhưng được nâng khống lên rồi hẹn shipper lấy hàng ở nơi không có địa chỉ rõ ràng. Dĩ nhiên, địa chỉ và số điện thoại của người mua đều là giả.
Khi phát hiện ra thì kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay, còn shipper thì mất trắng số tiền lớn gấp nhiều lần tiền công vận chuyển (khoảng 20.000-30.000 đồng một đơn hàng).
Tạo "chân gỗ" dụ khách đại lý
Không ít shop bán buôn vì hám lợi bèn tạo cơn sốt ảo. Họ tạo mạng lưới nhiều "chân gỗ" giả vờ đặt mua hàng số lượng lớn ở chính các đại lý bán lẻ của mình. Nếu những người bán lẻ không tỉnh táo rất dễ dính trái đắng. Do họ phải bỏ ra số tiền lớn ôm hàng, trong khi các khách đặt cọc mua bỗng dưng biến mất.
Đăng tải số hotline lên các website nội dung người lớn
Đây là một trong những "mưu hèn kế bẩn" trong việc quấy rối đối thủ cạnh tranh. Điện thoại hotline của nạn nhân sẽ "cháy máy", vì thường xuyên phải tiếp nhận những cuộc gọi làm phiền từ những kẻ quấy rối.
Nhằm tránh bị chộp giật khách, người bán xác nhận với người mua qua số điện thoại "chính chủ" |
Thương trường là chiến trường. Nhiều shop phải than trời khi liên tục nhận được chấn vấn của khách hàng, vì một số nơi khác bán sản phẩm với giá rẻ hơn. Những người bán hàng online ít uy tín đa phần không chứng minh được nguồn gốc rõ ràng của sản phẩm.
Thông tin về ngành hàng mỹ phẩm hay kem trắng da thường mập mờ, như "người thân xách tay", "tiếp viên hàng không mang về", "hàng nhập độc quyền"... nên một món hàng có thể có nhiều mức giá khác nhau, từ đắt một cách phi lý đến rẻ một cách khó tin.
Thậm chí, để "đẩy" được nhiều hàng, người bán còn dùng chiêu bài "lấy tiền ủng hộ từ thiện" nên...giá rẻ hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh. Hậu quả là người mua không những bị mất tiền oan vì ham của rẻ, mà sức khỏe còn có thể bị ảnh hưởng bởi hàng hóa không rõ xuất xứ.
Ăn cắp chất xám
Một số shop bán hàng online rất công phu khi bỏ công tìm hiểu, soạn hình ảnh kèm các bài giới thiệu công dụng, hướng dẫn sử dụng sản phẩm một cách chi tiết cho khách hàng. Tuy nhiên, họ bị các đối thủ cạnh tranh thản nhiên copy y xì mà không cần nhọc công tìm hiểu thấu đáo sản phẩm.
Có đại lý bán lẻ của shop còn ngỏ lời xin bài giới thiệu và ảnh không đóng dấu watermark để giới thiệu cho khách hàng, nhưng sau đó không lấy hàng của shop mà nhập hàng từ nhà cung cấp khác với giá rẻ hơn.
Copy chất xám, công sức của đối thủ cạnh tranh. |
Cũng trong vụ 2 đối tượng ở Ninh Bình bị bắt ở trên, một cặp vợ chồng bị lừa 10 triệu đồng do người vợ... tag tên chồng vào bức ảnh một chiếc túi xách đẹp có giá 40 triệu đồng ở một shop bán túi có tiếng.
Hai kẻ lửa đảo này lập Facebook giả mạo y hệt Facebook người vợ, tìm hiểu cẩn thận cách nói chuyện của hai vợ chồng, rồi nhắn tin yêu cầu người chồng chuyển khoản tiền để đặt hàng. Chỉ đến cuối ngày, hai vợ chồng mới nhận ra họ bị lừa.