Loại bỏ chất cấm độc hại: Bộ NN-PTNT chỉ cần 7 tháng

Lãnh đạo của Bộ NN-PTNT vẫn khẳng định Việt Nam chỉ mất 6-7 tháng là cơ bản khống chế được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Lãnh đạo của Bộ NN-PTNT vẫn khẳng định Việt Nam chỉ mất 6-7 tháng là cơ bản khống chế được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trong khi Thái Lan phải mất đến 6-7 năm.

Địa phương làm đối phó theo kiểu phong trào

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cho biết, chất cấm không phải là vấn đề mới. Từ năm 2006, chúng ta đã phát hiện ra tồn dư chất cấm trong thịt và thức ăn chăn nuôi. Hội đã lên tiếng cảnh báo.

“Điều đáng buồn là người chăn nuôi Việt Nam không những không cảnh tỉnh mà tình trạng sử dụng chất cấm còn diễn ra ngày càng rộng”, ông Hùng nói tại Hội thảo Quản lý sử dụng chất cấm và các vấn đề đặt ra, ngày 25/4 tại Hà Nội.

Thừa nhận điều này, ông Chu Đình Khu, Trưởng phòng thức ăn chăn nuôi - Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho hay, từ quý I/2012, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã tạm thời lắng xuống, tới năm 2015 lại bùng phát trở lại với quy mô, tính chất phức tạp hơn. Nếu trước năm 2012 chỉ phát hiện các cơ sở chăn nuôi nhỏ, nông hộ sử dụng chất cấm thì sau này cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và trang trại lớn,... cũng thực hiện.

Chất cấm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trang trại chăn nuôi, chất cấm tạo nạc salbutamol, chất vàng ô
Chất cấm được các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại sử dụng tràn lan

Đơn cử, chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện 109/654 mẫu nước tiểu lợn ở Đông Nai dương tính với chất Salbutamol (chiếm 16,7%), TP.HCM 95/516 (18,4 %), Đăk Nông 3/54 (5,6%), Tây Ninh 5/9 (55,5%), Tiền Giang 35/525 (6,7%) và Vĩnh Long 6/68 mẫu (chiếm 8,8 %),... với nồng độ rất cao, đa số là trên 200 ppb, có mẫu lên tới 665ppb.

Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Khu, nguyên nhân chính là do công tác tổ chức triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi chưa đồng bộ, mới tập trung mạnh ở các cơ quan Trung ương và một số địa phương trọng điểm. Còn lại, không ít những địa phương khác chỉ làm hình thức, đối phó theo kiểu phong trào.

Ngoài ra, công tác triển khai kiểm soát cũng như tuyên truyền mới tập trung chủ yếu ở việc truy xuất, tố giác, xử phạt, chưa quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn, khuyến cáo các mô hình và địa chỉ chăn nuôi, cung ứng thực phẩm an toàn. Trong khi, nguồn lực đầu tư cho công tác còn thấp, ông Khu cho hay.

Năm 2016 chấm dứt sử dụng chất cấm?

Thế nhưng, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, tự tin khẳng định, nếu tiếp tục “đánh” chất cấm như hiện nay thì năm 2016 sẽ chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Ông Việt cho biết, cách đây khoảng 5 năm, 10 năm, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn ra khá phổ biến. Còn việc thanh kiểm tra chủ yếu theo kế hoạch có trước, phát hiện sai phạm cũng dừng ở mức nhắc nhở nên hiệu quả chưa cao.

Chất cấm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trang trại chăn nuôi, chất cấm tạo nạc salbutamol, chất vàng ô
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định, Việt Nam chỉ mất 6-7 tháng đã khống chế được chất cấm sử dụng trong chăn nuôi

Tuy nhiên, khoảng hơn 6 tháng lại đây, khi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT có những chỉ đạo cụ thể, tiến hành nhiều đợt cao điểm hành động thì việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến căn bản.

Ví như về nguồn cung cấp chất Salbutamol, theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an, trong hai năm 2014 và 2015, đã có 9.268 kg Salbutamol được ngành y tế nhập khẩu, sử dụng hết 1.173 kg. Số lượng Salbutamol được bán ra ngoài ko đúng mục đích, không đúng đối tượng là 6.228 kg,cơ quan chức năng đã thu hồi được 2.050 kg.

Đến nay, Bộ Y tế đã đưa Salbutamol vào danh mục kiểm soát đặc biệt, thậm chí còn đưa vào trong dự thảo Luật Dược sửa đổi bổ sung trong thời gian tới. “Tôi khẳng định chắc chắn thời gian tới sẽ không có việc nhập khẩu, cung cấp Salbutamol từ các công ty dược sang chăn nuôi như trước đây. Còn về nguồn cung nhập lậu thì đến nay vẫn chưa phát hiện ra trường hợp nào”, ông Việt nói.

Theo ông Việt, cuối tháng 1, đầu tháng 2 vừa qua, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã lấy 207 mẫu kiểm tra tại 32 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn 11 tỉnh, trong đó có 149 mẫu kiểm tra Salbutamol, kết quả không phát hiện mẫu nào dương tính.

Đối với các trang trại, lò mổ, kết quả cũng khá khả quan. Cụ thể, theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), thời điểm tháng 1, trong 1.000 mẫu kiểm tra thì phát hiện 98 mẫu dương tính với Salbutamol, chiếm 9,8%.

Tuy nhiên, đến tháng 2, trong tổng số 1.457 mẫu kiểm tra thì chỉ có 17 mẫu dương tính, tương ứng 1,46%. Tiếp đó, trong tháng 3, chỉ còn 3/4.576 mẫu dương tính, chiếm 0,66%. Đầu tháng tư vừa qua, khi phát hiện ở Tiền Giang có tình trạng hộ chăn nuôi nhiều lần tái phạm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy sản phẩm.

Nếu đem ra so sánh, Thái Lan phải mất 6-7 năm mới khống chế được việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì Việt Nam chỉ mất 6-7 tháng là cơ bản khống chế được.

“Với những nỗ lực không ngừng, tôi tin rằng chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng chất cấm trong năm 2016 này là có thể làm được”, ông Việt nhấn mạnh.

Theo VietNamNet


Thực phẩm bẩn

chất cấm

chất cấm trong chăn nuôi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.