Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam

Chỉ còn mấy chục tiếng đồng hồ nữa, Uber sẽ rời khỏi Đông Nam Á, nhường lại phần thị trường này cho Grab. Màu mũ, màu áo xanh nước biển hai tông cũng sẽ chẳng còn tồn tại ở đây.

Chỉ còn mấy chục tiếng đồng hồ nữa, Uber sẽ rời khỏi Đông Nam Á, nhường lại phần thị trường này cho Grab. Màu mũ, màu áo xanh nước biển hai tông cũng sẽ chẳng còn tồn tại ở đây.

Chú Hữu Đảm nói đầy tiếc nuối qua điện thoại: "Trời ơi sao giờ, chú lỡ đi lên Bình Dương phát quà từ thiện rồi, phải mà hồi sáng quay thì hay ghê hông. Hồi sáng chú lên sẵn bộ đồ đẹp thiệt đẹp luôn, nguyên cây trắng luôn, rồi hồi đêm chú tập ca lại cả đêm luôn đó chớ bỏ lâu quá rồi mà, giờ chú khan giọng luôn nè. Giờ nghe ca Hàn Mặc Tử hông, chú ca luôn cho nghe".

Mấy bữa trước chú Đảm là tài xế chuyến Uber hai bánh của tôi. Đi đường nói chuyện nghe giọng chú trầm trầm hay quá, tôi tò mò hỏi thì chú khoe hồi trước từng theo gánh đi hát, khắp miền Trung miền Tây chưa chỗ nào chưa đặt chân tới. "Chú mê ca dữ lắm, nên hồi nhỏ mới trốn nhà theo gánh đi hát tứ phương đó chớ… Mà quay phim ngày cuối của Uber hả, vậy để chú lựa bài ca nào chia tay cho nó hạp nha".

Chuẩn bị tới vậy mà cuối cùng chúng tôi lại lỡ hẹn. Bài ca chia tay của chú Đảm, người tài xế gần 60 tuổi, có 1.500 chuyến đi được hành khách cho 5 *, được khách khen: "Một trong những người tuyệt vời, vui vẻ nhất tôi từng gặp" thế là chưa có dịp đến tai những đồng nghiệp đã chia sẻ màu áo xanh nước biển nhạt của Uber cùng chú trong suốt 10 tháng.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 1.

Từ những ngày trước, trên báo chí, lời bàn tán cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội đã đầy những chia sẻ tiếc nuối và hoang mang của tài xế Uber. Nhiều người vốn vẫn "hai tay hai súng" (chạy cả Uber và Grab), đa số đã sang Grab, nhưng cũng nhiều người vẫn chỉ chạy cho Uber và quyết liệt khi Uber dừng thì bán xe, về nghề cũ chứ không đầu quân cho công ty khác. Họ khuyến khích nhau vẫn mặc đồng phục Uber, chở khách cho đến khi nào ứng dụng không còn vào được mới thôi.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 2.

Chiều 07/4. Chỉ còn khoảng 30 tiếng nữa, Uber sẽ chấm dứt hoàn toàn cuộc kinh doanh mới mẻ của họ tại Đông Nam Á, nhường lại sân chơi cho một công ty non trẻ. Có thể nói đây là những giờ khắc mang tính lịch sử của một doanh nghiệp toàn cầu.

Ba giờ chiều. Chúng tôi đứng ở gần nhà thờ Đức Bà, trái tim của Sài Gòn, gọi Uber. Mọi khi nơi này mật độ Uber Grab cao tít trời mây. À, vẫn còn nhiều xe ra phết. Chỉ mất vài phút đã có tài xế nhận cuốc. Nhưng ơ kìa, gì thế này? Nhận rồi mà mãi không thấy tài xế gọi điện xác nhận. Nhìn vào app thì… tài xế đang chạy đâu mất hút, càng chạy càng xa điểm hẹn đón, nhưng anh ta không hủy chuyến.

Gọi chuyến khác. Rất nhanh, tài xế bắt cuốc xe nhưng… không đến. Anh ta còn hài hước gửi tin nhắn có cái mặt cười.

Chắc do chúng tôi xài ứng dụng trả tiền qua thẻ? Nhiều tài xế nói những giờ cuối này họ từ chối hết các cuốc trả tiền qua thẻ, mặc dù Uber cam kết ngừng nhận khách từ cuối 8/4 nhưng họ vẫn làm việc đến hết 15/4 để thanh toán xong hết tiền cho đối tác.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 3.

Book tiếp. Cũng chỉ mất vài phút. Lý lịch của tài xế ghi "Tôi là một sinh viên y khoa".

Sinh viên y khoa gọi điện, giọng rất từ tốn dễ thương "Em đang ở cách đây khoảng 5 phút, chị có chờ được không?". Lát sau lại gọi "Em đang ở đường X, làm sao qua đường Y". Một cuốc xe ngắn giá 10 ngàn, hai cuộc điện thoại vừa rồi tốn của em vài ngàn, nhưng em vẫn đến. Áo đồng phục và mũ còn mới tinh, sạch đẹp.

-Nhiều lái xe bỏ đi, khách đi Uber cũng đã giảm, sao em vẫn còn chạy những giờ cuối cùng này?

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 4.

Ở khá xa trung tâm Sài Gòn, trong một quán cà phê cóc xuề xòa dưới tàn trứng cá mát rượi của khu dân cư Bình Đăng, huyện Bình Chánh-điểm cà phê mỗi sáng của khoảng 100 tài xế Uber bốn bánh, các anh cũng tha thiết như vậy, cho dù-như nhiều người khác, họ vẫn đang rất hoang mang.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 5.

Anh Lữ Bá Linh bên chiếc xe trả góp để chạy Uber. Anh còn trả khoảng ba năm nữa

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 6.

Anh Lữ Bá Tùng, 39 tuổi. Chiếc xe này anh cũng mua trả góp để chạy Uber. Bóng loáng và sạch tinh.

Lữ Bá Linh và Lữ Bá Tùng là hai anh em ruột. Cách đây vài năm, thấy chạy Uber kiếm được tiền mà chủ động thời gian, cả hai bỏ taxi truyền thống ra mua xe trả góp. Anh Linh mua chiếc màu đỏ, anh Tùng mua chiếc màu đen, làm thêm dàn sàn rất đẹp nữa. Xe anh sạch bóng, thơm phức. Họ được gọi là "cựu" trong nghề, với 3 năm, khoảng trên dưới 7.000 chuyến xe đã chạy. Không một đánh giá 1* nào, trên 83% là đánh giá 5*, và có những lời khen từ khách "Thân thiện, nhiệt tình, bỏ quên điện thoại mà anh chạy thật xa đưa lại.. ". Nhưng nay cả hai đang rối ruột vì còn trả góp vài ba năm nữa. Mà chuyển qua hãng khác thì chưa quen, chưa biết có hợp với khách không, có nhiều khách không, đủ sở hụi không. Rất nhiều tài xế khác cũng như vậy.

Trong hoang mang cho ngày tới và tiếc nuối ngày (sắp) qua, ngồi cạnh nhau, các anh lấy điện thoại ra, mở ứng dụng, đọc lại những lời khen của khách.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 7.

Những kỷ niệm vui buồn được mang ra kể. Anh Lương Quang Cường, 38 tuổi, chạy Uber gần 3 năm, khuôn mặt vuông vức đàn ông, mắt dài sáng, miệng rộng sắc nét cười rất tươi, kể có hôm trời mưa anh đón một cô gái khoảng 20 tuổi, xinh xắn, mặc đồ tập gym đi từ khách sạn ra, đặt xe đến một khách sạn khác. "Lên xe nhìn thấy giống ngáo đá rồi, cổ hát suốt, xong… cổ rờ đùi. Cổ rờ… đủ thứ luôn! Nhắc cổ xong, lát sau cổ lại ngả đầu vô vai tôi. Mình phải nói nghiêm khắc cô mà cứ vậy nữa tui sẽ mời cô xuống xe cổ mới thôi. Thiệt chứ bữa đó hổng mưa to là mở cửa kêu cổ xuống rồi".

Mọi người cười hắc hắc.

"Ai nói chạy xe có gì khó, không có đâu. Đường giờ thi công tùm lum, rồi một chiều, hai chiều bấn loạn… thử kêu tài xế mới chạy tới chợ Bến Thành coi, chắc nguyên ngày"- vài tài xế chêm vô.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 8.

Khoảng 100 anh em chạy Uber bốn bánh thường tập trung ở quán cóc chỗ khu dân cư Bình Đăng, huyện Bình Chánh này cà phê mỗi sáng. Hầu hết anh em thuê xe của một HTX ở ngay đây.

Đúng vậy. Đường sá mở mang thay đổi cùng việc thi công tuyến tàu điện ngầm đã biến đổi bản đồ Sài Gòn với tốc độ trong 5 năm bằng cả trăm năm trước cộng lại. Đường xa, đường lạ, không đủ sức khỏe lái xe, không muốn phải tập trung vào việc lái xe, không cảm thấy cần thiết phải sắm riêng một chiếc xe máy hàng ngày lao vào dòng xe cộ mù mịt của đô thị, trong khi giao thông công cộng chưa đáp ứng tốt (đi xe bus thì lâu và hay kẹt xe)… những khó khăn của hầu hết cư dân đô thị lâu nay đã được giải quyết rất tốt nhờ đội quân "tài xế công nghệ".

Đội quân này khẳng định những ưu điểm vượt bậc: hành khách biết rõ tên người, số xe, số tiền phải trả trước khi lên xe, có bên thứ ba theo dõi sát sao quá trình chở khách, được đánh giá và góp ý tài xế một cách rõ ràng thẳng thắn. Còn với tài xế, đó là nguồn thu nhập hơn hẳn, đều đặn, độ an toàn cao hơn và "sạch sẽ", chuyên nghiệp.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 9.

Anh Dương Hoàng Huy, 37 tuổi, vừa chạy Uber bốn bánh được 6 tháng. Trước anh chạy xe hai bánh được một năm, sau nắng nôi mưa gió quá nên thuê bốn bánh chạy. Anh Huy có một bé con 5 tuổi, vợ phụ bán ở cửa hàng cho người khác. Sáng anh chạy từ 8h đến 9h, 10h đêm mới về nhà, thỉnh thoảng mới có bữa "dám" về nhà sớm để chơi với con.

Đặc biệt nhất, đó là sự tôn trọng, được công nhận là một nghề nghiệp chính thức với những kỹ năng cần thiết, chứ không còn hờn tủi "thằng xe ôm" như trước đây xã hội vẫn gọi tên. Họ là những người lao động đàng hoàng chân chính với nghề tài xế chở khách. Họ không phải là "đầy tớ" vô điều kiện mà được Uber đặt vị thế ngang hàng với khách: khách trễ 5 phút thì tài xế được hủy chuyến - vẫn hưởng một khoản tiền; khi có phàn nàn của khách, tài xế luôn luôn được đối chứng xem ai đúng ai sai…

Hôm nay, họ buồn sâu vì lo sự cạnh tranh, nhưng phần nhiều vì chưa chắc chắn trong tương lai những điều này vẫn sẽ được bảo đảm.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 10.

Mở ứng dụng ra, anh Cường di di ngón tay lên dòng chữ ngắn gọn "Cảm ơn chú". Anh kể rành rẽ: "Cái này là hồi mình chở một đứa bé, nó nhỏ xíu hà, nên hổng biết là nó hay ba mẹ nó cảm ơn nữa. Nhưng mà vui lắm, vì mình chở nó về rất an toàn".

Chú Hoàng Minh 60 tuổi, trước kia đi bộ đội chiến trường K, từng làm phó quản đốc bộ phận sản xuất của một nhà máy giày da Đài Loan, rồi khi lớn tuổi về làm bảo vệ, rảnh rỗi chạy Uber.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 11.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 12.

Anh Lữ Bá Linh và anh Lương Quang Cường cùng là tài xế Uber bốn bánh. Cả hai chạy Uber khoảng 3 năm nay và đang trả góp xe. Anh Cường đang đọc lời khen của khách trong ứng dụng.

"Chú buồn lắm. Chắc nỗi buồn này không qua mau được đâu. Hồi trước chú ở nhà nhiều, buồn, người phì ra mệt mỏi. Chạy xe gặp được nhiều người, biết nhiều chuyện, chú vui lắm. Chú nhớ tiếng boong boong này (tiếng điện thoại reo khi có khách đặt xe), nghe nó vui thiệt vui. Cái mũ bảo hiểm với cái áo đồng phục này chú sẽ cất đi, coi đó là một kỷ niệm"-chú Minh nói chầm chậm.

Vừa mở ứng dụng, tiếng boong boong từ điện thoại chú Minh lại vang lên. Vẫn còn những hành khách chung thủy với Uber, trong những giờ cuối cùng này.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 13.
Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 14.
Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 15.

Tôi vừa đọc được một bản tin xuất bản lúc gần 20 g với nội dung: chiều nay (07/4), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã có buổi làm việc với công ty Grab. Theo đó, GrabTaxi chưa đưa ra được các căn cứ cụ thể để chứng minh cho nhận định của mình về thị phần trên thị trường liên quan, do vậy, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã khuyến nghị công ty cung cấp các căn cứ này, đồng thời đánh giá kỹ thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định về tập trung kinh tế của pháp luật cạnh tranh trước khi tiến hành giao dịch trên thị trường Việt Nam.

Các tài xế Uber (vừa chuyển qua Grab) cũng than vãn về việc ứng dụng Grab không hoạt động được trong một số giờ.

Nhưng dù sao đi nữa, thêm một cột mốc đã được ghi lại trong lịch sử công ty Uber. Vào ngày 08/4, tại Việt Nam và toàn Đông Nam Á.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 16.

Lê Hoài Vũ mới chạy Uber bốn bánh được 2 tháng nay với 600 chuyến. Vũ thuê xe của HTX, giá 10, 5 triệu đồng/tháng.

Trên các nhóm của tài xế moto Uber Sài Gòn đang kêu gọi anh em sáng 08/4 cùng nhau mặc đồng phục, tập trung ở công viên lớn, đi diễu hành các quận trung tâm Sài Gòn, tặng cuốc xe dưới 2 km cho hành khách để nói lời chia tay với Uber. Một số anh tài xế chúng tôi gặp chiều nay hứa chắc ngày mai sẽ tham gia.

Còn bây giờ là 12 giờ đêm ngày 07/4/2018. Còn đúng 24 tiếng cuối cùng của kỷ nguyên Uber ở Việt Nam, tuy ngắn ngủi có 4 năm nhưng đã xô ngã hàng loạt khái niệm tưởng chừng bất biến trước đó về taxi và "xe ôm".

Tôi mở ứng dụng Uber, thử gọi một cuốc xe về nhà. Tôi vẫn đang làm việc ở cơ quan, cơ quan tôi ở trung tâm. Đêm cuối tuần Sài Gòn huyên náo, người ta đi chơi dữ lắm, thường sẽ dùng bia rượu và về khuya nên tốt nhất là bắt xe đi cho an toàn. Mọi khi vào giờ này Uber vẫn rất nhiều.

… Chỉ có vỏn vẹn năm chiếc xe màu xanh quay dọc ngang bơ vơ trên app.

Thôi, tạm biệt, Uber.

Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 17.
Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 18.
Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 18.
Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 18.
Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 18.
Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 18.
Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 18.
Những giờ cuối cùng của kỷ nguyên Uber tại Việt Nam - Ảnh 18.


Theo Trí Thức Trẻ



uber

Grab


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.