Tháp căn hộ 5 sao, 1 thập kỷ bỏ hoang trên đất vàng Hà Nội

Được quảng cáo là căn hộ 5 sao nhưng tới thời điểm này, sau nhiều lần tái khởi động, dự án chung cư Golden Millennium vẫn đang bất động

Được quảng cáo là căn hộ 5 sao nhưng tới thời điểm này, sau nhiều lần tái khởi động, dự án chung cư Golden Millennium vẫn đang bất động. Bên cạnh những toà văn phòng bỏ hoang, nhiều chung cư nghìn tỷ cũng chung thảm cảnh.

Bỏ hoang thập kỷ

Đi trên tuyến phố Nguyễn Trãi sầm uất, cửa ngõ của Hà Đông, không ít người tiếc nuối khi nhìn thấy toà tháp chung cư đã xong phần thô nhưng bỏ hoang nhiều năm liền. Điển hình, khi nhiều dự án khác tuy triển khai sau đã về đích thì tòa chung cư Golden Millennium lại mịt mù ngày về.

Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Golden Millennium Tower tọa lạc tại vị trí 110 Trần Phú. Dự án này trước đây có tên là chung cư Hattoco. Công trình được khởi công từ năm 2009, với tổng mức đầu tư khoảng 900 tỷ đồng.

Dự án được xây dựng trên khu đất 4.992 m2 với thiết kế tòa tháp 39 tầng nổi và 3 tầng hầm, từ tầng 1 đến tầng 6 là khu trung tâm thương mại, văn phòng, từ tầng 7-39 là khu căn hộ với tổng số 439 căn.

Tháp căn hộ 5 sao, 1 thập kỷ bỏ hoang trên đất vàng Hà Nội-1

Toà căn hộ bỏ hoang tại Hà Đông

Nhìn lại quá trình xây dựng của Golden Millennium, có thể nói đây là một trong nhiều dự án khá truân chuyên, lận đận. Theo dự kiến ban đầu, Công ty Ba Đình sẽ bàn giao nhà vào quý 3/2013.

Tuy nhiên, do tình trạng khó khăn của thị trường cũng như thiếu vốn đầu tư, dự án Hattoco đã phải tạm dừng thi công một thời gian sau khi đã xây dựng đến tầng 9 trong tổng số 39 tầng cao và 2 tầng hầm.

Đến tháng 1/2013, Công ty TNHH Sông Hằng  - đối tác mới - chấp thuận rót 500 tỷ đồng cho dự án. Chủ đầu tư chung cư Hattoco rầm rộ tuyên bố tái khởi động dự án sau một thời gian dừng thi công và tiếp tục lùi thời hạn bàn giao đến quý 1/2016.

Sau đó, dự án Hattoco vẫn nằm im bất động. Tới ngày 13/4/2016, sau khi được chủ đầu tư rót tiền tiếp tục thi công, dự án mới chỉ xây thô tới tầng 35 và Công ty Ba Đình tiếp tục hứa hẹn sẽ bàn giao nhà vào quý 3/2017.

Chủ đầu tư dự án kêu gọi cư dân tiếp tục đóng tiền sau nhiều năm dự án bỏ hoang. Nếu khách hàng không đóng tiền, chủ đầu tư dọa thanh lý hợp đồng. Theo các khách hàng mua nhà tại dự án này, hiện có hơn 200 khách hàng đóng tới 50% giá trị hợp đồng và khoảng 50 khách hàng đã đóng 30% giá trị căn hộ bằng hợp đồng góp vốn.

Sau 10 năm thi công dự án liên tục lỡ hẹn bàn giao và hiện nay được đổi tên thành Golden Millennium Tower. Hiện tại, tòa chung cư này đã gần xây dựng xong phần thô.

Tháp căn hộ 5 sao, 1 thập kỷ bỏ hoang trên đất vàng Hà Nội-2

Dự án được quảng cáo căn hộ 5 sao

Bị siết nợ

Cách đó không xa, dự án chung cư Tokyo Tower Hà Đông cũng đang dừng thi công do bị siết nợ. Việc toà tháp Tokyo Tower bị ngân hàng PVcomBank siết nợ đã trở thành hiện tượng hy hữu trên thị trường bất động sản. Ngân hàng Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) mới đây đã gửi thông báo tới các khách hàng mua nhà tại dự án Tokyo Tower, cho hay dự án đã bị thu giữ tài sản để xử lý nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Tokyo Tower là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp với chiều cao 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, dịch vụ. Dự án này đã nhiều lần đổi tên, trước đó có tên là chung cư Vinafor hay Lanmark 51.

Dự án do Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư. Trước đó, tháng 12/2015, Sông Đà 1.01 và PVcomBank đã ký hợp đồng bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai của dự án này với giá trị bảo lãnh 1.000 tỷ đồng. Hội đồng quản trị Sông Đà 1.01 khi đó cho biết đã thế chấp toàn bộ dự án. Hiện dự án đã hoàn thiện 85%.

Tháp căn hộ 5 sao, 1 thập kỷ bỏ hoang trên đất vàng Hà Nội-3

Dự án chung cư bị siết nợ

Tương tự như vậy, tại phố Thái Hà, dự án Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại 131 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) của Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng cấp phép xây dựng từ năm 2005. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là năm 2010.

Sau khi xây dựng được 2 tầng hầm, 11 tầng nổi và 3 tầng kỹ thuật thì chủ đầu tư tạm dừng thi công. Trong khi đó, theo thiết kế, dự án sẽ được xây dựng 17 tầng. Đây được coi là khu đất “vàng” ở thủ đô Hà Nội.

Vào năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội từng công bố dự án 131 Thái Hà nằm trong danh sách dự án có chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ pháp lý dự án và hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Bên cạnh đó, năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án bất động.

Theo khảo sát, tình trạng bán cắt lỗ hai dự án khá phổ biến trên các trang rao vặt bất động sản. Nhiều chủ nhà rao bán chỉ 15-20 triệu đồng/m2, nhưng không mấy người có gan hỏi mua.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng bỏ hoang những toà tháp nghìn tỷ do bị lỡ nhịp so với thị trường, chào bán ở thời điểm lao dốc. Bên cạnh đó, năng lực của chủ đầu tư không đảm bảo về tài chính và kinh nghiệm dẫn tới dự án đình trệ trong suốt thời gian dài.

May mắn trong số các dự án đó, có Tokyo Tower đã được giải cứu. Theo PVcomBank, đối với người mua nhà có nhu cầu thu hồi lại vốn đã đầu tư mua nhà, PVcomBank sẽ thu xếp hỗ trợ người mua nhà chuyển nhượng lại hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cho đối tác có nhu cầu nhận chuyển nhượng. Người mua nhà sẽ thu hồi vốn tối đa bằng số tiền đã thanh toán cho chủ đầu tư.

Với người mua nhà muốn nhận nhà, PVcomBank sẽ triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật để hoàn thiện dự án, đảm bảo giao nhà cho người mua nhà trong thời gian sớm nhất có thể. Thời gian tối thiểu cần thiết để hoàn thiện dự án dự kiến khoảng 06 tháng kể từ ngày dự án chính thức được triển khai.

Tuy nhiên phương thức để ngân hàng tiếp tục triển khai dự án sẽ liên quan đến việc hoàn thiện pháp lý sau này cho từng người mua nhà, và Ngân hàng phải xin ý kiến chấp thuận của cơ quan chức năng để làm cơ sở thực hiện. Thời gian để cơ quan chức năng chấp thuận các thủ tục là khách quan,

Ngân hàng không thể chủ động được, song với tinh thần trách nhiệm cao nhất, PVcomBank cam kết sẽ nỗ lực hết sức để tiến độ có thể được đẩy nhanh hơn sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Trong bối cảnh những dự án này rất phức tạp để mua bán sáp nhập, người mua nhà sẽ phải tiếp tục chờ đợi phép màu. Câu chuyện giải cứu dự án điển hình như công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô giải cứu Usilk City của Sông Đà Thăng Long, cho thấy dù là chủ đầu tư có danh tiếng, nhưng công cuộc "giải cứu" vẫn vô cùng gian nan.

Những công trình từng được kỳ vọng sẽ góp phần làm cho bộ mặt phố phường thêm khang trang, giờ đây lại khiến cho hình ảnh đô thị trở nên lem nhem, nhếch nhác.

Theo VietNamNet


dự án bỏ hoang

đất vàng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.