Vì sao khách mua hàng online mất tiền vẫn chấp nhận im lặng?

Không ít nạn nhân mua bán online mất số tiền khá lớn song vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", vì nhiều lý do.

Không ít nạn nhân mua bán online mất số tiền khá lớn song vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", vì nhiều lý do.

Chịu mất tiền vì nể người quen

Do mua bán online, đặc biệt trên Facebook, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiều khách hàng lựa chọn giải pháp chỉ mua của người quen hoặc tại các nguồn qua giới thiệu. Nhưng thực tế cho thấy, giải pháp này chưa hẳn an toàn. Thậm chí, nhiều trường hợp người mua do cả nể chủ shop là chỗ thân quen, biết mua phải hàng kém chất lượng cũng đành im lặng.

Vì sao khách mua hàng online mất tiền vẫn chấp nhận im lặng?
Nạn nhân mua quần áo online qua mạng thường mắc bẫy hàng thật không như ảnh. Ảnh minh họa chụp từ FBNV.

Chị Nguyễn Hương Thảo (Phố Huế, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cầm trên tay chai "mật ong rừng" đen và loãng như nước hàng, ấm ức: "Bạn bè 10 năm mà còn bán hàng rởm cho nhau thế này".

Chị cho biết, vì hô hấp kém và để phòng viêm họng cho cả nhà, chị thường cất công hỏi mối bán mật ong rừng xịn để dùng quanh năm. Thấy cô bạn thân nhận bán nên dù mối mua cũ tốt, chị vẫn ủng hộ bạn với giá 500.000 đồng/lít. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm sử dụng mật ong nhiều năm, chị nhận thấy hàng bạn bán cho mình không thể là mật ong xịn chứ chưa nói ong nuôi hay ong rừng.

"Mật đọng cặn, tan ngay khi vào nước, vị nhạt chứ không ngọt, hơi ngả chua đến tê họng như hàng chuẩn", chị Thảo chia sẻ. Ấm ức nhưng nể bạn, chị chấp nhận im lặng.

Chia sẻ của nhiều khách online cho thấy trường hợp như chị Thảo không hiếm. Đa số chung tâm sự, do số tiền mất không thể so sánh với tình thân nên bỏ qua. Một số quan điểm khác cho rằng, kể cả mua phải hàng rởm của người lạ, vẫn lựa chọn giải pháp im lặng hoặc trao đổi kín. Bởi, "không nỡ vì vài trăm bạc mất đi mà tố cáo, gây khó cho người buôn bán. Mà có làm ầm ĩ lên cũng chỉ xấu mặt với thiên hạ vì kém sành sỏi thôi", chị Mai Phương (quận Đống Đa).

Im lặng vì... thương thủ phạm

Ngoài các chiêu lừa truyền thống, gần đây, thủ phạm lừa đảo bán hàng qua mạng ngày càng nhiều với các chiêu thức tinh vi hơn. Một trong số đó là kỹ năng đánh vào tình thương của cộng đồng.

Từ cuối năm 2013 tới nay, group Facebook nạn nhân của đối tượng lừa đảo hàng thùng Campuchia đã lên tới gần 200 người. Các nạn nhân rải từ Bắc vào Nam, bị lừa tiền ở các mức khác nhau từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.

Thủ đoạn lừa đảo của chủ buôn là đăng hình ảnh một lô hàng đẹp để "câu khách". Sau đó, khách buôn nào hỏi mua cũng đề nghị chuyển khoản trước và hứa sẽ cung cấp đủ hàng. Nhưng sau khi nhận được số tiền lớn, người bán "lặn mất tăm" hoặc trả hàng nhỏ giọt, không đủ số lượng cam kết.

Vì sao khách mua hàng online mất tiền vẫn chấp nhận im lặng?
Nhiều nạn nhân cùng chung một chủ lừa chia sẻ thông tin cho nhau. Ảnh chụp lại từ FB.

Điểm lạ là dù đa số nạn nhân biết rõ danh tính, chỗ ở, nơi làm việc của thủ phạm nhưng đều chọn giải pháp im lặng, kiên nhẫn thuyết phục kẻ lừa đảo hoàn lại tiền. "Mọi người hoàn toàn có thể kiện hoặc chí ít thì tìm tới tận nhà để xiết nợ nhưng không nỡ vì chị ta toàn lôi con cái ra làm bia đỡ đạn", một thành viên đã kiên trì đòi nợ tới 2 năm chia sẻ.

Qua tìm hiểu, vợ chồng chủ buôn có 2 con, trong đó con trai đầu bị bệnh down bẩm sinh. Mỗi khi bị khách hỏi nợ, hai vợ chồng liên tục xin lùi thời gian hoàn tiền với rất nhiều lý do: con ốm, con mới mất, rồi con lại ốm (?!)... Một mặt, đối tượng đổi Facebook khác để tiếp tục bán hàng, lừa đảo.

Chị Hoàng N. (TP HCM) và anh Minh Đức (Hà Nội) từng cất công tìm hiểu tận nơi ở của con nợ, cho biết: "Thực tế, đúng là cậu con trai bị down nhưng nhìn căn nhà rộng rãi xây tới mấy tầng, biết gia đình này cũng có điều kiện. Việc lôi hoàn cảnh, con cái ra chỉ là chiêu lừa đánh vào lòng thương của mọi người".

Nắm được bản chất vấn đề, nhiều nạn nhân mất số tiền lớn chia sẻ, sẽ tìm về tận nơi cư trú của đối tượng để nhờ chính quyền địa phương giải quyết. Bên cạnh đó, phần đông khách bị lừa và từng được trả số tiền nhỏ trong tổng nợ lớn vẫn chọn giải pháp thuyết phục và chờ đợi vì e ngại nếu làm quá sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của hai đứa trẻ.

Ngại thủ tục kiện cáo

Do hoạt động mua bán online hiện nay diễn ra sôi động nhưng hình thức phụ thuộc chủ yếu vào thỏa thuận giữa người mua và bán nên khi có vấn đề, phần lớn chọn hướng tự giải quyết thay vì kiện cáo. Thực tế, ngay cả những người có kinh nghiệm mua hoặc bán hàng trực tuyến lâu năm vẫn thường chỉ lấy kinh nghiệm để tự trang bị cho mình giải pháp phòng thân.

Chị Phạm Thanh Nga (Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) từng bị chủ buôn lừa tiền hàng quần áo, mỹ phẩm xách tay tới hơn 30 triệu đồng đã nhiều tháng nay. Song, thay vì nhờ tới cơ quan chức năng giúp đỡ, chị Nga chọn phương án tự giải quyết. "Thà mình ngậm bồ hòn, ngọt nhạt, thuyết phục người ta trả dần cho hết tiền còn hơn manh động kiện cáo rồi họ trốn luôn là mất cả chì lẫn chài", chị tâm sự.

Một nạn nhân khác trú tại quận Hoàn Kiếm bị "bùng tiền" mua Iphone 6 từ nước ngoài cũng đồng ý quan điểm trên. Anh cho rằng, những vụ làm ăn lớn hiện nay thường dựa trên uy tín và sự tin cậy lẫn nhau. Do vậy, khi có sự cố, nạn nhân muốn kiện cáo cũng khó có bằng chứng thuyết phục để viện tới cơ quan chức năng giải quyết.

Anh chia sẻ: "Tôi thà cố gắng thuyết phục đối tượng và người nhà xoay tiền trả mình còn hơn hô hào mọi người kiện cáo. Người ta vào tù thì tiền mình vẫn mất".

Theo Diệp Sa/Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.