Nhìn con yêu ngủ say, chị Lê Thị Nhung (Vĩnh Phúc) lại mỉm cười hạnh phúc. Đôi khi chị vẫn không tin giấc mơ đã trở thành hiện thực bởi cả quá trình mang thai chị luôn nơm nớp lo sợ khi biết con bị dị tật bẩm sinh khe hở thành bụng, có thể không phát triển, hoại tử trong bụng.
Giờ đây, con trai bé bỏng của chị, bé Bùi Văn An đã ổn định sức khỏe, thể trạng và tiêu hóa tốt, nội tạng nằm hết ngoài ổ bụng lúc mới sinh đã được đưa vào bên trong bụng và lành lặn như những đứa trẻ bình thường khác.
Chị Lê Thị Nhung và bé Bùi Văn An.
Mang thai 13 tuần sững sờ phát hiện con bị khe hở thành bụng
Như nhiều bà mẹ khác, khi biết tin mình mang bầu, chị Lê Thị Nhung cũng háo hức mong chờ ngày chào đón thiên thần bé nhỏ. Thế nhưng, niềm hạnh phúc của chị lại lưng chừng, dở dang.
Kể từ khi nhận tin thai nhi bị khe hở thành bụng, nỗi buồn chìm sâu vào ngôi nhà nhỏ bởi đây là cậu con trai mà vợ chồng chị mong ngóng bấy lâu. Hàng loạt những câu hỏi tại sao hiện lên trong đầu chị Nhung bởi mang thai 2 bé trước, các con đều khỏe mạnh. Với lần mang thai thứ 3 này, từ khi nhìn thấy que thử 2 vạch đến khi thai được 13 tuần, chị Nhung rất khỏe mạnh, hoàn toàn không ốm nghén gì.
Mặc dù rất sốc và cũng được bác sĩ cảnh báo những nguy cơ có thể xảy ra nhưng vợ chồng chị Nhung vẫn quyết tâm giữ lại đứa con trong bụng bằng được.
“Sau khi biết con bị vậy, vợ chồng mình xuống Bệnh viện Phụ sản Trung Ương khám và bày tỏ mong muốn giữ lại bé. Bác sĩ tư vấn bảo 50/50, nếu để thì vợ chồng mình cần xác định trước tinh thần.
Bác sĩ cũng bảo có khả năng can thiệp sau sinh và hẹn 18 tuần xuống khám lại, nếu vợ chồng mình quyết giữ thì chọc ối kiểm tra dị tật thai nhi. Từ lúc mang bầu biết cháu bị như vậy, gia đình đều an ủi rằng “thôi số phận là như thế, giữ tâm lý thoải mái, cái gì đến sẽ đến".
Vậy là cả thai kỳ, mình cứ lặn lội từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội khám theo hẹn của bác sĩ. Mặc dù bác sĩ cho biết có khả năng can thiệp nhờ chẩn đoán sớm trước sinh nhưng mình vẫn rất sợ, lo lắng. Có lẽ đến bây giờ mới thở phào nhẹ nhõm phần nào”, chị Nhung tâm sự.
Cả thai kỳ dài kèm nỗi lo lắng, bất an như ngồi trên đống lửa rồi cũng qua đi. Bà mẹ trẻ hạ sinh bé An ở tuần thứ 37 thai kỳ, nặng 2,5kg. Kể về quá trình vượt cạn của mình, chị cho biết, đến bây giờ chị vẫn nhớ như in tâm trạng lo lắng vì không thấy con đạp. Khi ấy, chị sợ con có chuyện xấu vì câu nói “Có nhiều trường hợp thai không phát triển, tự hoại tử” lúc nào cũng như đang văng vẳng bên tai.
“Khi thai được 37 tuần, chưa kịp lên khám theo lịch hẹn của bác sĩ thì tối hôm đó mình đã thấy dấu hiệu bất an, con không đạp, thường xuyên lên cơn co. Đến đêm mình ra dịch phải nhập viện gấp”, chị Nhung kể lại.
Mặc dù được sự động viên của các bác sĩ trong phòng mổ nhưng chị vẫn sốt ruột cho tình hình của con. Quá trình sinh mổ được tiêm gây tê tủy sống, không nhìn thấy bác sĩ mổ bắt con nhưng chị vẫn nghe thấp thoáng câu nói của bác sĩ “ruột ra ngoài nhiều quá” dù nửa tỉnh nửa mê.
Bé An được các bác sĩ Viện Nhi Trung Ương điều trị dị tật khe hở thành bụng sau sinh. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)
10 ngày sau sinh, mẹ mới được lần đầu gặp mặt con
Sau sinh, bé An được chuyển sang viện Nhi Trung ương để điều trị còn chị Nhung vẫn nằm nghỉ ngơi tại viện Phụ sản Hà Nội. Nằm trên giường bệnh, chị tủi thân vì các mẹ khác được bế con, được cho con bú.
Đối với chị Nhung, có lẽ nỗi đau vết mổ sau sinh cũng không thấm thoát gì so với sự tủi thân khi mỗi mẹ con một nơi, đặc biệt chị chỉ nghe mọi người nói thoáng qua về tình hình của con trai mà không biết con thế nào.
Vì sợ chị bị ám ảnh hình ảnh ruột con nằm hết bên ngoài nên 10 ngày sau, khi tất cả mọi thứ đều ổn, chị Nhung mới được gặp con lần đầu.
Thế nhưng một lần nữa mẹ con chị lại bị chia cắt bởi tấm kính của phòng cách ly. Chị nhìn thấy con nhưng bất lực không thể nắm tay, bế con và cho con bú những giọt sữa mẹ đầu tiên. Có lẽ đối với chị, đó là những ngày dài nhất của cuộc đời.
“13 ngày sau sinh, con tỉnh nhưng vẫn phải hỗ trợ oxy ngắt quãng. Ngày thứ 14, con khỏe hơn không dùng thở oxy nữa và ngày thứ 15 mình không tin nổi vào tai khi nghe thông báo được ghép mẹ với con, mừng phát khóc vì không nghĩ được gần con sớm như thế.
Trước đó gia đình mình đã xác định nếu con phẫu thuật thành công cũng phải mất 1 tháng nhưng không ngờ hơn nửa tháng con đã được xuất viện”, chị Nhung nghẹn ngào.
Hiện tại tình hình sức khỏe của bé An đã ổn định.
Đến bây giờ khi nhớ lại, chị Nhung vẫn cảm thấy mình may mắn vì đã quyết định đúng đắn khi giữ lại con, vì bên cạnh chị luôn có người chồng hết mực yêu thương đồng hành và đặc biệt có sự giúp đỡ tận tình của các bác sĩ.
Nhìn con chìm vào ngủ ngon giấc, chị chẳng mong gì hơn là những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến với con. Con đã vượt qua thử thách đầu tiên của cuộc đời thật diệu kỳ.
Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Linh - Phó giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi Nhi khoa – Bệnh viện Nhi Trung Ương, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật khe hở thành bụng cho bé Bùi Văn An, cho biết ca phẫu thuật của bé An là ca khó bởi toàn bộ ruột non và đại tràng ra hết ngoài thành bụng. Đặc biệt, toàn bộ ruột của bé dính với nhau thành khối được bao bọc bởi lớp màng tự sinh bảo vệ ruột bên trong và toàn bộ thành ruột bị phù nề.
Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp của các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương và bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng như bệnh viện Phụ sản Trung Ương trong chẩn đoán trước sinh và điều trị cho bệnh nhân khe hở thành bụng đã bước đầu tạo được hiệu quả đáng khích lệ.
“Sau khi sinh, kíp mổ phải đặt ngay túi silo để bảo vệ ruột, chống ruột nhiễm trùng, tổn thương thêm. Bé cũng được chỉ định mổ để giải phóng, gỡ dính toàn bộ quai ruột ra, đưa một phần ruột vào trong ổ bụng sau đó.
Bé An bị cùng một lúc 2 dị tật: thoát vị thành bụng và ruột quay dở dang nên sau khi kiểm tra, kíp mổ đã mổ gỡ toàn bộ ruột chữa dị tật ruột quay dở dang. 4-5 ngày sau ruột bé vào dần. Tình hình sức khỏe của bé diễn biến tốt đúng như những gì mong đợi”, bác sĩ Linh chia sẻ.