Ba điểm gây “bão” trong Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1.6

Nhiều cha mẹ cho biết, luật quy định như vậy là không hợp lý. Không lẽ là bố mẹ của các con mà họ không thể đăng ảnh hay cung cấp thông tin của con.

Kể từ ngày mai (1.6), Luật Trẻ em năm 2016 (gồm 105 điều, 7 chương) chính thức có hiệu lực. Đây được xem là bộ luật tiên phong trong công tác bảo vệ trẻ em. Nhiều điều khoản trong luật cũng đang gây “bão” trong dư luận.

Khoản 11, Điều 6, Chương I, Luật Trẻ em năm 2016 quy định hành vi bị cấm: “Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em”.

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết, bắt đầu kể từ ngày luật có hiệu lực, cha mẹ, người thân, hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác đều không được phép tự ý đăng ảnh, sử dụng thông tin cá nhân, đời tư bao gồm cả kết quả học tập… Nếu vi phạm thì có thể bị xử lý theo luật định.

Đây cũng là điều khoản gây "bão" nhiều nhất trong thời gian qua. Nhiều cha mẹ cho biết, luật quy định như vậy là không hợp lý. Không lẽ là bố mẹ của các con mà họ không thể đăng ảnh hay cung cấp thông tin của con.

ba diem gay “bao” trong luat tre em co hieu luc tu 1.6 hinh anh 1

Kể từ 1.6, Luật Trẻ em có hiệu lực, cha mẹ, người thân, hay bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác đều không được phép tự ý đăng ảnh, sử dụng thông tin cá nhân, đời tư bao gồm cả kết quả học tập… (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, Điều 21, Chương II của luật này cũng quy định Quyền và bổn phận của trẻ em. Theo Điều 21: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”.

Nhiều phụ huynh khi đọc xong điều khoản này tỏ ra không hiểu “lợi ích tốt nhất của trẻ” được thực hiện thế nào.

Chị Hoàng Tuyết Anh (Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Đồng ý là con cần được bảo vệ đời sống riêng tư và tôi cũng không muốn xâm phạm điều đó. Tuy nhiên, con tôi đang vào độ tuổi thay đổi tâm sinh lý, tôi bắt buộc phải xem lén nhật ký của con, nếu không lỡ con hư hỏng, chơi bời, nghiện hút… thì làm sao tôi biết được. Trong trường hợp này có phải tôi làm theo lợi ích tốt nhất của con hay không? Tôi có vi phạm luật không?”.

Nhiều lần tranh luận với bạn bè, nhưng bạn bè chị Tuyết Anh cũng khó phân định thế nào là “vì lợi ích tốt nhất của trẻ”, bởi có những thứ mình cho là tốt cho con, nhưng con không thích. Như vậy có phải là "vì lợi ích tốt nhất của trẻ"?

Chia sẻ với những lo lắng của chị Tuyết Anh, ông Nam cũng cho biết, không phải tất cả bố mẹ đọc trộm nhật ký của con đều là xâm phạm đời tư của con và sai luật. Bố mẹ vẫn có thể đọc nhật ký của con nếu nhận thấy điều đó không ảnh hưởng gì xấu tới sự phát triển của trẻ.

Cùng chương này, tại Điều 26 có quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em”.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, việc con trẻ tham gia lao động sớm sẽ giúp con tự lập, hoà nhập tốt với cộng đồng. Nhất là trẻ em ở nông thôn, ngoài việc học còn phải biết giúp đỡ gia đình, làm công việc nhà, thậm chí là làm việc đồng áng. Nếu giờ luật mà cấm trẻ không được lao động trước tuổi thì trẻ sẽ không tự lập được. Bản thân trẻ và gia đình cũng gặp khó khăn trong sinh hoạt và kinh tế.

Theo Thùy Anh (Dân Việt)


bảo vệ trẻ em

Luật Trẻ em


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.