Báo động: Liên tiếp xảy ra những vụ trẻ ở nhà một mình bị rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong

Đây cũng chính là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình có con nhỏ sống tại chung cư cao tầng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 3 vụ em bé bị rơi từ chung cư cao tầng xuống đất tử vong khiến dư luận bàng hoàng. Đây cũng chính là hồi chuông cảnh báo cho các gia đình có con nhỏ sống tại chung cư cao tầng.

Chưa đầy 1 tháng đã có 3 vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại chung cư

Mới đây nhất là vụ việc một bé gái rơi từ tầng 12 chung cư xuống đất, sau đó đã tử vong khiến dư luận vừa bàng hoàng, vừa đau xót.  

Báo động: Liên tiếp xảy ra những vụ trẻ ở nhà một mình bị rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong-1

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm.

Cụ thể, vào khoảng 22h30 ngày 24/4, người dân Khu nhà ở xã hội Ecohome 1, phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) phát hiện một bé gái nằm bất động dưới đất sau tiếng động lớn. 

Bé được đưa đi cấp cứu ngay sau đó trong tình trạng giãn đồng tử, đa chấn thương và tử vong sau vài giờ.

Cách đó 4 ngày, vào ngày 20/4, một bé trai 4 tuổi bất ngờ rơi từ tầng 11 của chung cư VinaHud - Cửu Long (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) xuống trúng phần mái che tầng 1.

Báo động: Liên tiếp xảy ra những vụ trẻ ở nhà một mình bị rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong-2

Bé trai tử vong sau khi rơi từ tầng 11 xuống lúc bố mẹ vắng nhà.

Phát hiện vụ việc, bảo vệ và người dân đã khẩn trương đưa nạn nhân đến bệnh viện Thanh Nhàn để cấp cứu nhưng sau đó không qua khỏi.

Cũng theo người dân, thời điểm trên căn hộ bé trai đang sống khóa trái cửa, không có người lớn ở nhà. Người dân cũng thông báo để tìm người thân cho bé trai sau khi xảy ra vụ việc.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, công an phường cử tổ công tác xuống hiện trường xác minh và tổ chức bảo vệ hiện trường và phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra nguyên nhân.

Trước đó vào ngày 31/3, nhiều người dân sinh sống tại khu vực chung cư B5 đường Nguyễn Cơ Thạch (phường Cầu Diễn) bất ngờ nghe thấy tiếng động lớn phát ra tại khu vực phía sau tòa nhà.

Khi tới kiểm tra, họ phát hiện bé trai nằm bất động dưới nền đất và báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, bé trai đã tử vong.

Báo động: Liên tiếp xảy ra những vụ trẻ ở nhà một mình bị rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong-3

Chung cư nơi bé trai 3 tuổi sinh sống.

Được biết, cháu bé tên D. (3 tuổi) sinh sống tại tầng 6 của tòa chung cư. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, cháu bé ở nhà với người thân. Tuy nhiên, trong lúc người thân ra ngoài thì cháu D. vào nhà vệ sinh và trèo lên ô thoáng không có lưới bảo vệ và ngã xuống dưới tử vong.

Đây không phải là những trường hợp hy hữu trẻ em bị rơi từ những cửa sổ, ban công không có song chắn an toàn ở các chung cư cao tầng tại Hà Nội. Đáng nói, nó xảy ra quá liên tiếp và hậu quả thì vô cùng nặng nề.

Cần làm gì để bảo vệ trẻ nhỏ khi sống tại chung cư cao tầng?

Nhìn lại những vụ tai nạn trên cho thấy, vấn đề an toàn cho trẻ nhỏ tại các khu chung cư cao tầng đang rất báo động. Đây không chỉ là sự lo ngại về mức độ đạt chuẩn an toàn xây dựng của các tòa nhà chung cư cao tầng mà còn cả về trình độ nhận thức cũng như ý thức chăm sóc, bảo vệ con cái của những bậc ông bà, cha mẹ hiện nay.

Nhiều trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra nhưng vẫn có không ít gia đình có con nhỏ sống ở nhà cao tầng chủ quan, người trông nom trẻ bỏ ra ngoài để con ngủ hoặc chơi ở nhà một mình. Khi các cháu bé đi tìm người thân, hoặc chơi đùa ở khu vực lan can rất dễ dẫn đến những vụ việc đáng tiếc.

Báo động: Liên tiếp xảy ra những vụ trẻ ở nhà một mình bị rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong-4

Nỗi lo sợ khi có con nhỏ sống tại chung cư (Ảnh: An ninh Thủ đô).

Theo ông Nguyễn Trọng An (Phó cục trưởng cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH), để phòng ngừa các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra cho các em, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con em mình, nhất là các em nhỏ, chưa ý thức được những việc mình làm. Tuyệt đối không được để trẻ dưới 6 tuổi ở nhà một mình.

Đặc biệt khi không nhìn thấy người lớn, trẻ thường hoảng sợ, lo lắng và hay tìm cách thoát ra ngoài để tìm người thân. Chính vì vậy đã dẫn đến không ít những trường hợp đau lòng từ những việc làm vô thức của các em.

Trao đổi với PV Lao Động, TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho rằng, hiện nay hầu hết các nhà chung cư đều đã được thiết kế theo các quy chuẩn phù hợp. Các lan can của các khu này hầu hết đều ngang ngực người lớn.

Tuy nhiên, đôi khi điều này vẫn chưa thực sự an toàn đối với trẻ. Phía bên trong phòng chủ nhà thường thiết kế giường hoặc bàn ghế sát cửa sổ, nếu nó không được lắp lưới an toàn thì trẻ hiếu động rất dễ tò mò. Hoặc ở lan can trước nhà cũng vậy, chỉ cần đứa trẻ trèo lên một chiếc chậu, hay một vài đồ vật của gia đình tập kết ở góc cũng là nguyên nhân khiến bé lộn cổ xuống.

Để hạn chế tối đa các trường hợp đáng tiếc xảy ra, ông Đạt cho rằng: "Các hộ gia đình không nên kê các đồ hộp, khối hoặc đồ vật dễ di chuyển tại các khu vực lô-gia, hành lang, lan can, cửa sổ của tòa nhà. Bên cạnh đó, phụ huynh phải luôn chú ý tới trẻ con, không được lơ là dù chỉ một phút. Không để các con vui chơi, leo trèo tại các khu vực nguy hiểm.

Tại các khu vực lan can, lô-gia, hành lang nên lắp thêm các sợi dây thép dọc theo chiều cao, tránh kiểu bậc thang để hạn chế việc leo trèo của trẻ. Bên cạnh đó tại khu vực này cũng có thể trồng thêm các cây leo, dây xanh…, để căn nhà vừa đảm bảo mỹ quan, an toàn lại tránh được tình trạng bê-tông hóa".

Theo Tổ quốc


tử vong

chung cư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.