Chính thức tăng lương từ hôm nay

Tăng lương cơ sở; mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội; chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay; sửa quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản; mỗi điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày... là những chính sách kinh tế mới có hiệu lực từ tháng 7 này.

Tăng lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7 khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu/tháng từ hôm nay (1/7).

Chính thức tăng lương từ hôm nay-1

Cũng từ ngày 1/7, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7/2024, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt và vân tay.

Cụ thể, nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng thì xác thực bằng mã OTP, không cần xác thực bằng khuôn mặt, vân tay.

Ngân hàng Nhà nước cũng quy định, tổng số tiền các giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày phải xác thực bằng sinh trắc học (có thể dùng căn cước công dân gắn chip, tài khoản VneID hoặc dữ liệu sinh trắc học lưu trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng).

Chính thức tăng lương từ hôm nay-2
Chuyển tiền trên 10 triệu phải xác thực bằng khuôn mặt (ảnh: Ngọc Mai).

Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng/lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.

Trường hợp khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc trước khi giao dịch trên thiết bị khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.

Sửa quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 03/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Thông tư 03/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 23 về điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường:

Bên cạnh đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 26 về thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường.

Theo đó, căn cứ Phương án mua nợ theo giá trị thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.

Việc mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản phù hợp với quy định tại Thông tư này, các quy định khác có liên quan. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, hợp đồng mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt chấm dứt kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường có hiệu lực. Công ty Quản lý tài sản được thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024.

Đề xuất hướng dẫn thanh toán, chuyển tiền song phương giữa Việt Nam - Lào

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương giữa Việt Nam - Lào.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan đến thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa hai nước Việt Nam - Lào, cũng như một số nội dung về quản lý ngoại hối khác có liên quan như: sử dụng tài khoản đồng kíp Lào (LAK), hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối liên quan đến đồng LAK của tổ chức tín dụng…

Đối với việc thanh toán, chuyển tiền đầu tư, vay nợ, tài trợ, viện trợ bằng VND, ngoại tệ (bao gồm cả LAK) được thực hiện theo các quy định tại Pháp lệnh ngoại hối (đã được sửa đổi, bổ sung), Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, dự thảo Thông tư quy định nguyên tắc việc thanh toán, chuyển tiền cho các hoạt động đầu tư, vay nợ, tài trợ, viện trợ song phương Việt Nam - Lào được thực hiện theo các quy định quản lý ngoại hối liên quan.

Dự thảo Thông tư quy định đồng tiền thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa Việt Nam - Lào là VND, LAK hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Phương thức thanh toán, chuyển tiền bao gồm: Thanh toán, chuyển tiền bằng VND, LAK hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng được phép; thanh toán phần chênh lệch bằng VND, LAK hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi trong giao dịch bù trừ hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu trong hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/7/2024.


Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/chinh-thuc-tang-luong-tu-hom-nay-post1650899.tpo

chính sách mới


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.