Chưa thể nói dịch COVID -19 đã lui

Liên tiếp trong 3 ngày qua, Việt Nam ghi nhận số ca COVID-19 mắc mới giảm, từ 11 ca ngày 2/4 xuống còn 3 ca ngày 4/4 và hôm qua là 1.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, chuyên gia dịch tễ, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây chưa phải là giá trị dịch tễ đánh giá dịch đã lui, là một tín hiệu vui, nhưng không chủ quan.

Chưa thể nói dịch COVID -19 đã lui-1

27 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chữa khỏi và ra viện vào ngày 30/3. Ảnh: PV

Không chủ quan

Theo ông Nga cần theo dõi ít nhất trong 2 tuần mới có thể nói dịch đã lui hay chưa. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để ngăn chặn dịch, vì thế cơ hội trong những ngày này là hạn chế lây lan đến mức thấp nhất, khoanh vùng kịp thời các ổ dịch COVID-19 để không bùng phát mạnh trong cộng đồng. Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia, Thứ trưởng Long nhận định, việc tuân thủ giãn cách xã hội của người dân được xem là có ảnh hưởng trực tiếp việc thành bại khống chế dịch vì bệnh này lây chủ yếu qua tiếp xúc gần.

“Nếu thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta giữ vững được thế chủ động chống dịch. Nếu không kịp thời khống chế, dịch có thể bùng phát mạnh trong cộng đồng, dẫn tới nhiều người nhập viện do tình trạng nặng, đặc biệt người cao tuổi và có bệnh nền. Nếu qua 15 ngày cách ly vẫn có các ca bệnh mới, chúng ta tiếp tục bao vây, dập tắt ổ dịch và có khả năng phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Nếu không có ca bệnh mới, về cơ bản, ta đã khống chế được dịch trên lãnh thổ Việt Nam và có thể xem xét việc ngừng giãn cách xã hội. Khi đó, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới để khóa chặt các ca bệnh từ ngoài vào, cố gắng duy trì cho đến khi dịch bệnh trên thế giới thoái lui”, PGS. TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Theo ông, đỉnh dịch là thời điểm (có thể ngày hoặc tuần) mà dịch phát triển mạnh nhiều ca mắc, nhiều người nhập viện, sau đó giảm dần. Việt Nam nếu ngăn chặn được lây lan cộng đồng, không tạo nên ổ dịch, vùng dịch lớn, sẽ không có đỉnh dịch. Thời gian kết thúc đại dịch cũng phụ thuộc lớn biến động đi lại của quốc tế. Thông thường các đại dịch có sự phát sinh, lên đỉnh và thoái lui. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia dịch tễ học quốc tế, đại dịch COVID-19 có thể rầm rộ vài tháng nữa rồi kéo dài đến hết năm nay và đuôi dịch có thể sang năm 2021.

“Chúng ta chưa biết được miễn dịch của bệnh sẽ như thế nào. Bệnh có thể hình thành miễn dịch, thành cúm thường như đại dịch cúm 2009 hoặc biến mất hẳn như dịch SARS 2003. Nếu trong trường hợp bệnh COVID-19 trở thành tương tự cúm mùa, những vụ dịch lần sau sẽ không còn quy mô lớn và trầm trọng như bây giờ. Ngoài ra, nếu virus gây bệnh này tạo ra miễn dịch ổn định, chúng ta có thể sản xuất vắc - xin để tiêm phòng đại trà”, chuyên gia dịch tễ này nói.

Hạn chế nguy cơ bệnh viện thành ổ dịch

Phân luồng, sàng lọc, cách ly, phát hiện sớm để hạn chế COVID-19 “thăm” bệnh viện. Đó là yêu cầu của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Phó trưởng Tiểu ban điều trị COVID-19 cùng các thành viên trong Đội Cơ động chống dịch của Bộ Y tế tại buổi kiểm tra công tác khám, sàng lọc, cách ly bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Việt Pháp và Bệnh viện Bưu điện ngày 5/4.

Từ bài học dịch SARS 2003, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị Bệnh viện Việt Pháp thực hiện nghiêm và cập nhật những văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19. PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế chưa giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 dương tính cho Bệnh viện Việt Pháp, nhiệm vụ của bệnh viện là phân luồng, cách ly, giám sát, phát hiện sớm và chuyển bệnh nhân COVID-19. Đoàn công tác Bộ Y tế đề nghị bệnh viện phân luồng ngay từ cổng; biển báo dễ nhận biết từ cổng để người có triệu chứng và người đi từ vùng dịch tễ đến đúng địa điểm.

Với trường hợp bệnh nhân 237 có mặt 2 lần tại bệnh viện, Đoàn công tác đề nghị Bệnh viện Việt Pháp rút kinh nghiệm, càng cảnh giác và phòng ngừa tốt, càng bảo vệ bệnh viện khỏi những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Hiện 22 nhân viên y tế Bệnh viện Việt Pháp có kết quả âm tính, tiếp tục cách ly trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với bệnh nhân.

Kiểm tra tại Bệnh viện Bưu điện, Đoàn công tác đã góp ý khu vực phân luồng, sàng lọc, phát hiện người mắc COVID-19 tại đây. Hiện Bệnh viện Bưu điện có 2 cơ sở ở Định Công gần với khu dân cư và cơ sở ở phố Huế. Trong đó, khoa thận lọc máy của bệnh viện đang điều trị cho 110 người bệnh thận nhân tạo, trong đó có 30 người bệnh thuê nhà tại xóm thận Bạch Mai- phố Lê Thanh Nghị cùng với 100 bệnh nhân của bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh nhân này đều được tổ chức sàng lọc COVID-19.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng yêu cầu các bệnh viện không được lơ là trong phòng dịch bởi tất cả những người vào viện đều có nguy cơ nhiễm bệnh, mang nguồn bệnh từ bên ngoài vào.

Ngày 5/4, PGS.T Lê Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, qua nghiên cứu trong thời gian qua, các nhà khoa học của Viện đã nhận thấy biến đổi khác biệt về sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 tại Việt Nam. Cụ thể, virus này đã tách ra thành 2 nhóm. Từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam ghi nhận 2 đợt bệnh nhân. Đợt 1 là những bệnh nhân về từ Trung Quốc, đợt 2 là bệnh nhân về từ châu Âu chiếm phần lớn. Trong quá trình phân lập virus từ mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân đến từ Trung Quốc và châu Âu, các nhà khoa học nhận thấy virus gây bệnh cho 2 nhóm này khác hẳn nhau. Tuy nhiên, đến nay nghiên cứu vẫn chưa chỉ ra được virus nhóm nào lây nhiễm nhiều hơn, mạnh hơn. “Vì ngoài yếu tố đặc tính riêng, thì việc virus lây nhiễm còn phải có điều kiện tốt, môi trường tốt và cơ thể cảm nhiễm tốt”, PGS.TS Lê Quỳnh Mai phân tích. Cùng với đó cũng chưa khẳng định được độc lực của SARS-CoV-2 có liên quan gì đến yếu tố địa lý, nguồn gốc mà chúng phát sinh hay không.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.tienphong.vn/suc-khoe/chua-the-noi-dich-covid-19-da-lui-1636451.tpo

Covid-19

virus corona

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.