Em Ly Chương Bình (7 tuổi) ở Quản Bạ, Hà Giang là bệnh nhân Việt Nam đầu tiên được ghép phổi từ người hiến tặng còn sống thành công.
Trước đó, em Ly Chương Bình được chẩn đoán giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi. Ngoài ra, em còn bị biến chứng suy hô hấp, suy dinh dưỡng độ III, có chỉ định tuyệt đối ghép phổi.
Em được bố và bác ruột cho phổi để ghép. Ca mổ tiến hành từ 8h sáng đến 17h30 cùng ngày 21/2. Hiện nay sức khỏe của em Ly Chương Bình đã hoàn toàn bình phục và có thể xuất viện vào tháng 6, 7 tới.
Nhìn nụ cười của bé Bình có lẽ nhiều người sẽ vô cùng đau lòng khi biết được câu chuyện về em, về hành trình gian nan đấu tranh để giành lại sự sống.
Em Ly Chương Bình (7 tuổi) - bệnh nhân Việt Nam đầu tiên ghép phổi từ người sống thành công.
Suýt bị bỏ trong rừng vì dị tật thừa ngón
Ly Chương Bình (7 tuổi) thông minh, lanh lợi, gương mặt sáng sủa, nhưng ít ai biết, em đã từng suýt bị bỏ trong rừng chỉ vì dị tật thừa ngón.
Kể về con trai, chị Phàn Thị Tâm không kìm nén được nước mắt khi nhớ lại những ngày tháng đó.
Chị Tâm sinh bé Bình khi còn khá trẻ. Trước đó, chị cũng đã sinh một bé trai đầu lòng khác. Cả 2 lần mang thai chị đều vượt cạn một mình ở nhà mà không đến các trung tâm y tế địa phương.
Nếu như đứa con đầu tiên, chị vỡ òa trong hạnh phúc vì con khỏe mạnh, lành lặn bình thường thì đến khi sinh Bình, nụ cười của chị lại được thay thế bằng những giọt nước mắt. Đó là những giọt nước mắt đấu tranh với những quan niệm cổ hủ của người dân nơi đây vì dị tật thừa ngón mà con mang.
Chị Phàn Thị Tâm - mẹ của em Ly Chương Bình.
Từ khi sinh bé Bình, không biết bao nhiêu lần chị Tâm nuốt nước mắt vào trong, nhẫn nhịn những lời trách mắng khi sinh bé Bình 3 ngày chưa biết bú, rồi chậm đi chậm nói. Thậm chí, chị phải nhắm mắt chấp nhận để cho người nhà bỏ những chi thừa của con trai bởi quan niệm ngón chân thừa khó lấy vợ.
“Theo quan niệm con trai nhiều ngón chân sẽ khiến bố không sống được lâu nên gia đình đã có ý định bỏ bé Bình ở giữa núi đồi.
Khi nghe chuyện này tôi đã phản kháng lại và khóc rất nhiều, đi giặt quần áo ở suối tôi cũng không giặt được mà chỉ ngồi khóc.
Lúc đó tôi đang trong thời gian ở cữ, có bà khuyên tôi không khóc vì sẽ hỏng mắt sau này, rồi còn trẻ còn đẻ được lo gì nhưng làm sao tôi không khóc cho được. Tôi sắp mất con của mình. Tôi lại nghĩ đến những ngày tháng mang bầu khổ cực, vất vả, vẫn phải đi làm nương rẫy, rồi phải chạy vội về cho kịp giờ chồng đặt ra”, chị Tâm khóc nấc, cầm tay áo quệt ngang 2 hàng nước mắt.
Tuy nhiên, sau đó, nhờ những giọt nước mắt của chị và nhờ lời của thầy cúng khi cho rằng không ảnh hưởng gì đến bố bé mà chị tiếp tục được nuôi con, bé Bình được tiếp tục sống.
Gian nan hành trình chữa bệnh cho con
Để giúp con trai trở lại với sự sống, chị Tâm phải trải qua hành trình vô cùng gian nan. Đó không phải gian nan về tiền bạc chữa bệnh mà gian nan về quá trình đấu tranh với việc thiếu hiểu biết và quan niệm của người dân tộc ở vùng đất chị sinh ra và lớn lên. Chỉ vì những suy nghĩ cổ hủ mà bé Bình – con trai chị Tâm đã 2 lần suýt không có cơ hội sống.
Trong khi khát vọng sống của con người vô cùng mãnh liệt thì nhiều người đang vô tình tước đi sự sống của Bình. Đến bây giờ nghĩ lại suy nghĩ khi cho rằng con trai bị ho là do gen di truyền mà chị Tâm lại nghẹn ngào, khóc nức nở.
Theo chị Tâm chia sẻ, bé Bình bị ho và khó thở nhiều từ năm 3 tuổi nhưng do suy nghĩ đơn giản của gia đình nên bé chỉ được cho uống thuốc nam mà không đi viện.
Và đến năm 2016, với khí hậu lạnh buốt ở mảnh đất Hà Giang vào mùa đông cộng thêm việc không được chăm sóc mặc quần áo ấm cẩn thận, tình hình bệnh của em ngày càng tiến triển xấu hơn.
Sức khỏe em Ly Chương Bình đã hoàn toàn bình phục. Em được đội ngũ bác sĩ bệnh viện Quân Y 103 chăm sóc tận tình, chu đáo.
Khi ấy, làm xa ở Trung Quốc để kiếm tiền chữa bệnh cho con, nhận điện thoại từ gia đình thông báo con bị tím tái người mà chị Tâm như chết đứng. 2 ngày 2 đêm trên xe từ Trung Quốc về chị khóc cạn nước mắt vì con, vì những suy nghĩ đơn giản và lạc hậu của mọi người.
Mặc những lời nói, sự ngăn cản, chị quyết định một mình bồng bế con xuống Hà Nội điều trị bệnh.
“Suốt thời gian đưa con đi chữa trị bệnh tôi đều một mình bế con đi. Nhiều người còn nói tôi thích ở Hà Nội nên không về mà không hỏi han con thế nào.
Khi các bác sĩ bệnh viện 103 bảo con bị giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa 2 phổi phải ghép phổi, tôi đã xin lấy phổi của mình hết vì tôi biết mọi người trong gia đình sẽ không ai đồng ý. Mãi sau một thời gian thuyết phục, chồng tôi và bác ruột bé Bình mới đồng ý.
Nhưng đến bây giờ khi về nhà, nhiều người không hiểu biết vẫn nói chồng tôi rằng sao ngu thế không biết sinh con tiếp à mà đi cắt thịt của mình đi. Trước đấy, chồng tôi cũng bảo không cứu nữa, nhưng nghĩ đến cháu tôi lại một mình bồng bế con đi chữa”, chị Tâm nức nở chia sẻ.
Đã không biết bao nhiêu lần chị Tâm phải khóc thầm, đã không biết bao nhiêu lần chị thức trọn đêm dài vì sợ mất con. 10 giờ đồng hồ con trong phòng phẫu thuật ghép phổi là 10 giờ chị nghẹt thở, lo lắng. Nhưng rồi những lo âu của chị đã được gạt bỏ khi bác sĩ thông báo ca phẫu thuật thành công.
Ước mơ giản dị của con
Có thể nói, đến bây giờ chị Tâm vẫn chưa hết ngạc nhiên với phép màu dành cho mẹ con mình. Sau tất cả những giọt nước mắt, những khổ cực, hạnh phúc đã đến với chị. Mặc dù không được vào thăm con vì sức khỏe chưa đảm bảo nhưng đối với chị chỉ cần con khỏe mạnh dù nhìn từ xa qua khung cửa sổ cũng khiến chị vui lòng.
Đôi khi, niềm hạnh phúc không cần cao xa, chỉ là câu hỏi thăm sao mẹ buồn thế, cái ôm chặt từ bàn tay bé nhỏ của con hay cái thơm nhẹ vào má cũng khiến chị hạnh phúc, quên hết mọi khổ cực, muộn phiền.
“Những lần tôi khóc sau khi cãi nhau với chồng, bé Bình đều ra ôm mẹ an ủi. Mỗi lần như vậy con tưởng con hư khiến tôi khóc nên lại hứa sẽ ngoan.
Bé ngoan lắm, con đau nhưng con cũng chỉ bảo mẹ đi làm gần đây thôi để khi đau còn gọi được mẹ chứ không làm nũng, khóc nhè. Chính con đã tiếp thêm động lực cho tôi gạt đi nước mắt để tiếp tục bước tiếp”, chị Tâm nghẹn ngào, gạt 2 hàng nước mắt đang lăn dài trên má.
Em được các bác sĩ dạy bảng chữ cái khi nằm viện. Mong ước giản dị của Bình là có được chiếc balo đến trường.
Có lẽ 1/6 năm nay là ngày đặc biệt nhất của cả 2 mẹ con chị Tâm. Đây là lần đầu tiên bé Bình được đón Quốc tế Thiếu nhi tại viện. Tuy nhiên, dù thế nào, em cũng vẫn vui vì bên em có rất nhiều người quan tâm, chăm sóc. Và có lẽ món quà lớn nhất mà em muốn có trong ngày này đó là được ở bên mẹ, được mẹ ôm vào lòng.
Đối với chị Tâm, dù ngày 1/6 không được vào gặp con, đưa con đi chơi nhưng chị sẽ dành cho con một món quà đặc biệt nhân ngày này đó chính là chiếc balo xinh xắn mà con luôn mong ước bấy lâu mỗi khi xem quảng cáo trên tivi.
Mặc dù cuộc sống ở mảnh đất Hà Giang còn nhiều khó khăn nhưng chị vẫn sẽ cố gắng để con được đến trường, được biết đến cái chữ như bao bạn bè đồng trang lứa.