Số phận nghiệt ngã của chàng trai 28 tuổi
Nếu chỉ nhìn gương mặt rạng rỡ của anh Hảo ngoài đời không ai nghĩ rằng anh đã phải trải qua những ngày tháng đau khổ, tuyệt vọng đến nhường nào. Những tia hi vọng về cuộc sống hiện tại của anh chính là nhờ mẹ Thương – người không quản khó khăn, vất vả đưa anh về chăm sóc mang lại.
Năm 9 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Văn Hảo đã mồ côi mẹ, bố thì ốm yếu liên miên, một người chị gái của Hảo đã đi lấy chồng xa. Vì vậy, học xong cấp 2 Hảo đã nghỉ ở nhà đi làm thuê ở mỏ đá nuôi bố. Đến năm 19 tuổi, khi anh đang làm thì bị đá đè vào người, gây chấn thương cột sống, phải nằm liệt một chỗ.
Anh Phạm Văn Hảo hiện phải dựa vào áo giáp mới có thể ngồi dậy được.
Sau tai nạn thảm khốc ập đến, chỉ trong 4 tháng ngắn ngủi, bố anh và người chị gái còn lại của anh cũng đã qua đời, để lại mình anh trong căn nhà rách nát. Suốt 4 năm ròng, anh Hảo nằm liệt trên chiếc giường được khoét một lỗ, mỗi ngày bà chủ mỏ đá sang đổ giúp chậu chất thải dưới giường, chú thím ở cạnh nhà mang cho bát cơm.
“Mình suy sụp kinh khủng, nhiều lúc chỉ mong mình cứ ngủ thiếp đi mãi, không bao giờ tỉnh lại mà không được. Cho đến khi gặp mẹ Thương, trong một lần mình có ý định tự vẫn thì mẹ Thương đến và can ngăn kịp thời. Nhìn mẹ cố gắng, chăm nom mình tận tình nên mình cũng thoải mái hơn, mẹ đã thắp cho mình tia hy vọng, tiếp thêm nghị lực để mình sống tiếp” – anh Hảo chia sẻ.
Hành trình chữa bệnh của anh Hảo là một hành trình dài hơi, tuy nhiên cũng chỉ khắc phục được phần nào đó.
Hiện tại, do phần vết thương bị hoại tử nên hai chân của anh đã bị cắt cụt đến phần mông. Toàn bộ xương cụt và một đốt của xương sống ở lưng đã bị gỡ bỏ. Để phần cơ thể ngồi dựa được bác sĩ phải phẫu thuật tái tạo từ đùi lên và anh phải mặc áo giáp cho cố định. Nếu bỏ ra là cơ thể sẽ sụp xuống khiến anh khó thở.
Chỉ cần còn khỏe mạnh, tôi sẽ vẫn đồng hành cùng con
Cách đây 5 năm, bà Đinh Thị Thương (57 tuổi, xóm 7, xã Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên) tình cờ biết đến hoàn cảnh đáng thương chàng trai Phạm Văn Hảo (28 tuổi) mà ghé đến thăm nom. Hình ảnh chàng trai trẻ bị liệt, mồ côi cha mẹ, cơ thể đang lở loét đau đớn nằm trong căn chòi nồng nặc mùi xú uế gần mỏ đá thuộc huyện Đại Từ khiến bà Thương không thể nào cầm lòng được.
Bà Đinh Thị Thương - mẹ nuôi của anh Hảo.
Sau đó, Hảo được một linh mục đón về chăm sóc. Đến tháng 6/2014, vì vị linh mục bận rộn nên không thể chăm sóc được Hảo chu đáo nên bà Thương đã ngỏ lời xin được đưa Hảo về gia đình để tiện chăm sóc, trông nom lúc đêm hôm.
Nói về thời điểm ấy, Hảo rơm rớm nước mắt khi mà anh chỉ nghĩ rằng mình sẽ nằm ở căn chòi đó và ra đi chứ không nghĩ đến ngày có được thêm một người mẹ mới, gia đình mới chăm sóc cho anh tận tình.
Sinh nhật giản dị của anh Hảo năm 2016 được tổ chức tại nhà bà Thương.
Nhà bà Thương có 5 người con, hai vợ chồng làm ruộng và trồng chè, cuộc sống còn nhiều khốn khó. Con trai đầu của vợ chồng bà bị động kinh bẩm sinh, chẳng làm được gì. Giờ thêm Hảo, gánh nặng như tăng thêm bội phần. Ấy vậy mà vợ chồng bà vẫn đồng ý đón anh Hảo về nhà để chăm sóc.
Nói về quyết định trên, bà Thương cho rằng việc làm của bà là quá nhỏ không đáng để nhắc đến. Bà chỉ làm vì cái tâm, không phải vì tiếng khen. Thấy Hảo cứ nằm một mình không ai lau rửa, bà sợ anh chết vì những vết thương bị hoại tử và loét dần ra. Bà đã bàn bạc với chồng, các con và đưa anh Hảo về nhà chăm sóc, nhanh chóng làm thủ tục nhập hộ khẩu, chính thức nhận anh làm con nuôi.
Anh Hảo cho biết, anh cảm thấy hạnh phúc bên gia đình mới. Trong ảnh là ảnh chụp của anh cùng với bố mẹ nuôi và các sơ của giáo xứ Đại Từ.
Suốt 3 năm qua, không chỉ là người ngày đêm chăm sóc cho anh Hảo, bà Thương còn gom góp, chạy vạy tiền khắp nơi để đồng hành cùng người con nuôi trên hành trình chữa bệnh đầy đau đớn và mỏi mệt.
Ngày đưa anh Hảo từ giáo xứ về, những vết loét, vết hoại tử lan nhanh, khiến anh sốt miên man. Bệnh viện tỉnh Thái Nguyên thì trả về vì đã nhìn thấy cả ruột, có thể không qua khỏi. Lúc rửa vết thương thì những đốt xương lăn ra như xương hầm khiến bà Thương vô cùng lo lắng.
May sao sau đó được các bác sỹ giới thiệu tới Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nghĩ là còn nước còn tát nên bà Thương đánh liều kêu gọi bà con thiện nguyện, vét sạch tiền trong nhà được 5 triệu đồng để đưa anh Hảo xuống Hà Nội để thăm khám.
Trên hành trình chữa bệnh dài hơi của anh Hảo, bà Thương luôn túc trực bên cạnh.
Rồi đến khi đôi chân của anh Hảo bị cắt bỏ, xương cụt đã mất nên bà Thương lại chạy vạy, gom góp khắp nơi được 12 triệu đồng để mua áo giáp (có chức năng làm nẹp, nâng đỡ cơ thể giúp Hảo có thể ngồi dậy và thở dễ dàng hơn – PV) cho anh.
“Năm nào cũng vậy, cũng ở viện mấy tháng trời. Riêng năm nay, hai mẹ con đã ở viện hơn 6 tháng. Thời gian đó mọi công việc đồng áng ở nhà tôi đều phải nhờ chồng gánh vác để xuống viện lo cho Hảo. Hảo có tiền hỗ trợ khuyết tật 540 nghìn đồng/tháng, tiền chăm nom của tôi là 270 nghìn đồng/tháng, nhưng cũng chẳng đủ mua bỉm và băng. Giờ cứ Hảo đi đến đâu, tôi lại lo tiếp đến đấy, chứ nhà cạn sạch tiền rồi, không tính được.
Mô hình nhà thờ do anh Hảo làm để có thể trang trải, kiếm thêm thu nhập để có tiền chữa bệnh.
Gia đình tôi cũng không khá giả gì, thôi thì cứ coi như là duyên số, đùm bọc em đến đâu hay đến đó. Tôi thương Hảo như con ruột của mình. Chỉ cần còn khỏe mạnh, tôi sẽ vẫn đồng hành cùng con.
Những lúc Hảo phải vào phòng phẫu thuật, ốm sốt, mệt lả người đi tôi rất sợ đến mức không thể ngủ được. Tôi sợ chuyện xấu xảy đến với con, nên dù mệt tôi vẫn cố thức để an tâm nhìn con còn sống.
Ước muốn lớn nhất của tôi bây giờ đó chính là được nhìn thấy vết thương của Hảo lành lại, không còn chảy dịch nữa thì em cũng đỡ đau đớn. Còn chân giả thì không dám mơ, vì cần rất rất nhiều tiền mới có thể làm được”.