Bị mắc căn bệnh thoái hóa cơ từ bé, anh Trường không dám mơ về một
mái ấm gia đình nhưng hạnh phúc đã mỉm cười khi một người phụ nữ lành
lặn đến san sẻ cùng anh.“Thầy
giáo viết cuộc đời bằng… miệng”, là cái tên thân thương mà người dân
thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) dùng để gọi anh
Phùng Văn Trường (SN 1979). Tuy không may bị tật nguyền nhưng anh Trường
rất tài năng khi có thể viết chữ bằng miệng và dạy học cho những đứa
trẻ trong làng.
Vì mặc cảm, anh Trường không dám nghĩ, không dám mơ rằng sẽ có một
mái ấm gia đình với bất kỳ người phụ nữ nào. Thế mà chị Ngô Thị Hường
(SN 1974) đã đến bên anh bằng tất cả chân thành và là món quà vô giá mà
ông trời đã ban tặng cho anh.
Lớp học không phấn, không bục giảng của thầy giáo viết chữ bằng miệng.
Tỏ tình qua những bức thư viết bằng... miệng
Kể về chuyện tình của mình, anh Trường cho biết, ngày đó, chị Hường
làm công nhân lò gạch bên bờ sông Bùi, tính tình hiền hậu, lại thật thà,
chăm chỉ nên có nhiều đám hỏi cưới, nhưng chị chưa ưng đám nào.
Nghe những người làm cùng kể nhiều câu chuyện về nghị lực của anh
Trường cộng thêm mai mối của người thân, cô gái lỡ thì hơn anh 5 tuổi đã
đem lòng thầm thương “thầy giáo” viết chữ bằng miệng.
Khi viết thư cho chị Hường, anh đều cố gắng nắn nót viết từng chữ thật đẹp.
Thời gian đầu, anh Trường không biết mặt chị, chỉ biết chị tên Hường.
Vì thể trạng không được tốt nên anh đành liều gửi lá thư dài hơn 3
trang giấy, từng chữ được anh nắn nót bằng miệng cho chị. Trong thư, anh
cũng nói rõ 3 điều mà anh trăn trở về người phụ nữ lấy anh làm chồng sẽ
phải chấp nhận.
“Điều thứ nhất: Cuộc đời tôi rất khổ, có chân, có tay nhưng không sử dụng được, em có chấp nhận được không?.
Điều thứ hai: Lấy vợ, lấy chồng ai cũng mong muốn có con có cái, nhưng trời có thể sẽ không cho tôi.
Điều ba thứ ba: Không phải ai nên vợ, nên chồng là sẽ sống đến đầu
bạc răng long. Mà tôi lại tật bệnh thế này, gia đình chỉ có thể bền vững
khi vợ tôi trước nhất là phải thương tôi, thương tôi mà trọng tôi, chứ
không phải là thương hại".
Nếu không nhìn hình ảnh này, ai cũng sẽ nghĩ rằng những nét chữ kia là do một người có bàn tay lành lặn viết nên.
Trước bức thư mộc mạc, chân thành của anh, chị Hường không khỏi xúc động, chị đã chủ động đến thăm
và gặp gỡ anh trước. Khi chứng kiến hoàn cảnh bệnh tật và nghị lực sống
của anh, chị Hường bật khóc và chị quyết định ở bên anh mãi mãi.
“Hôm đó cô ấy đi cùng mấy bạn nữa đến nhà tôi. Tôi không biết mặt
Hường nhưng để ý thấy lúc vào nhà, một cô gái cứ nhìn mình, đôi mắt rưng
rưng. Chỉ người thương mình thật lòng mới nhìn mình bằng ánh mắt ấy!
Sau khi nói chuyện, biết cô gái ấy là Hường, tôi mừng lắm. Cảm giác như
đã tìm được một nửa của mình vậy” – anh Trường nhớ lại.
Dần dần, những bức thư của anh gửi đến chị nhiều hơn. Chị trân trọng,
đều giữ lại những lá thư mà anh đã nắn nót để viết cho chị đến tận bây
giờ.
Hạnh phúc trọn vẹn
“Hường là con út trong gia đình có 5 anh em, khi Hường nói rằng muốn
lấy tôi thì bị gia đình phản đối kịch liệt. Sau 4 tháng kiên trì thuyết
phục, chúng tôi đã được gia đình chấp thuận cho lấy nhau vào tháng
6/2012.
Ngày đón dâu, tôi được người thân bế từ xe hoa vào nhà gái làm lễ.
Tôi cảm thấy ngại ngùng, không dám nhìn những người đang đứng hai bên
đường. Nhưng khi thấy Hường cười tôi đã vững tâm hơn rất nhiều.
Gia đình nhỏ hạnh phúc của anh Trường và chị Hường.
Tôi cũng không ngờ rằng mình sẽ có con, ngày đón con chào đời tôi
hạnh phúc khôn xiết. Vợ chồng tôi đặt tên con là Phùng Thiên Trường
Quảng, với ý nghĩa tạ ơn ông trời đã cho chúng tôi một đứa con lành lặn”
– anh Trường vừa cười, vừa chia sẻ.
Nói về người chồng của mình, chị Hường khẳng định chị không hối hận
khi đã quyết định lấy anh, gắn bó với anh. “Ai cũng bảo tôi dại đã lấy
người chồng tật nguyền. Nhưng tôi nghĩ, tật nguyền thì cũng có quyền
được yêu. Anh ấy tuy không làm được việc gì có thể kiếm ra tiền, nhưng
việc dạy học của anh ấy cũng rất cao cả. Có thể giúp người khác có được
kiến thức, niềm tin và ý chí” – chị Hường bày tỏ.
Hành trình tập viết chữ bằng.... miệng
Anh Trường sinh ra bụ bẫm, khỏe mạnh nhưng đến năm 2 tuổi, chân
tay bắt đầu bị teo cơ và yếu dần do mắc phải căn bệnh “thoái hóa cơ tiến
triển”. Suốt những năm tiểu học và trung học, anh phải chống nạng đến
trường hoặc nhờ người thân hay bạn bè chở đi.
Hết lớp 8, đôi tay khoèo hẳn không cầm nắm được thứ gì còn chân
cũng không thể đi lại được nữa khiến anh phải ngồi xe lăn. Hồi đó, muốn
học lớp 9, anh phải tới nơi khác cách nhà 10 km. Nhà nghèo lại không có
ai đưa đi, đón về, anh đành nghỉ học.
Để giúp đỡ gia đình, anh Trường bảo mẹ mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ
ở đầu thôn để anh bán. Nhưng từ đó cũng bắt đầu phát sinh vấn đề khi mà
có nhiều người mua nợ.
Anh Trường kể lại: “Vùng quê nghèo, người dân không có sẵn tiền để
mua. Có khi chỉ gói mì tôm hay vài củ hành cũng phải mua chịu. Vài
người mua thì nhớ được rõ, chứ nhiều người thì không nhớ nổi. Vì sợ
không ghi vào sổ sẽ nhớ nhầm, nhưng tay, chân không cầm được bút nữa,
chỉ còn miệng là ngậm được bút nên chỉ còn cách học viết bằng miệng.
Những nét chữ mà anh Trường viết bằng miệng.
Khi mới ngập bút vào miệng chưa kịp viết chữ thì đã nôn ọe. Tôi
không nhớ tôi đã nôn ọe bao nhiêu lần, chỉ biết trong tháng đầu tiên tập
viết cơ thể tôi gầy sọp hẳn đi. Bố mẹ khuyên tôi dừng lại, nhưng tôi đã
quyết tâm nên cố học cho bằng được”.
Chịu khó rèn luyện, chỉ trong vòng một tháng, anh đã làm chủ được
chiếc bút bằng miệng. Anh bắt đầu học theo những mẫu chữ trên tivi và tự
sáng tạo ra mẫu của mình với những nét thanh nét đậm, hàng lối thẳng
tăm tắp như người lành lặn viết bằng tay.
Lúc đã chủ động được chữ viết và nhiều người khen đẹp, anh gọi
những đứa trẻ hàng xóm và trong thôn kéo nhau tới luyện chữ đẹp, học
toán, đánh vần. Anh trở thành “thầy giáo của lớp học không bảng đen,
phấn trắng” từ đó.
Hiện tại, gia đình anh Trường với khoản thu nhập 700 nghìn/tháng
từ tiền chế độ và đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh cũng chỉ đủ
tiền sữa cho con.
|
Theo Thiên An (Khám phá)