Cô gái đánh rơi cọc tiền 30 triệu bị mọi người tranh nhau "hôi của": "Mình không dám về quê ăn Tết nữa, vì phút bất cẩn mà mất hết"

Theo chia sẻ của Bảo Trân, sau khi rút 30 triệu đồng từ một ngân hàng ở quận 1 và chạy xe máy sang quận 7 để trả nợ cho bạn thì không may cô đã đánh rơi trên đường. Dù sau đó cô đã quay lại và năn nỉ xin lại số tiền đã đánh rơi nhưng chỉ được trả lại 4 triệu đồng.

Ngày 29/1, mạng xã hội lan truyền clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh một cô gái chạy xe máy không may bị rớt cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng xuống đường. Lúc này, một phụ nữ đứng gần đó và người đi đường giành giật tiền gây xôn xao.

Liên quan đến sự việc trên, chia sẻ với chúng tôi, chị Bảo Trân (24 tuổi, quê Long An) - là người chia sẻ đoạn clip nói trên đồng thời nhận là người đã đánh rơi số tiền 30 triệu đồng nói trên.

Nhóm người lao ra đường nhặt tiền rơi, chiếc xe thứ 3 dừng lại khiến tất cả bức xúc

Chị Trân cho biết, khoảng hơn 11h ngày 28/1, chị rút 30 triệu đồng từ một ngân hàng ở quận 1 và chạy xe máy sang quận 7 để trả nợ cho bạn. Tuy nhiên, khi đi đến đoạn đường số 4, phường Tân Hưng (quận 7) thì cọc tiền trong túi áo không may bị rơi xuống đường nhưng chị Trân không hay biết mà tiếp tục chạy xe. Mãi sau đó, một người đi xe máy phía sau lớn tiếng hô đánh rơi tiền thì chị mới hay biết và quay lại.

"Lúc mình quay lại mọi người vẫn tập trung ở đó và chưa tan hết. Một số người xung quanh nói với mình người đầu tiên nhặt được tiền là cô bán nước gần đó. Mình đã gặp cô bán nước năn nỉ, van xin cô trả lại số tiền đã nhặt được và em sẽ gửi một chút hậu tạ. Nhưng cô bán nước và con trai tỏ ra rất hung hăng, mình không thể nào nói chuyện được. Phải đến khi mình ức phát khóc và bảo sẽ báo công an thì cô mới nói chỉ nhặt được 4 triệu và chỉ trả 4 triệu. Dù trước đó cô nhặt được gần hết số tiền còn những người nhặt được khác là người đi đường".

Cô gái đánh rơi cọc tiền 30 triệu bị mọi người tranh nhau hôi của: Mình không dám về quê ăn Tết nữa, vì phút bất cẩn mà mất hết-1

Người phụ nữ bán nước gần đó đã chạy ra nhặt số tiền chị Trân đánh rơi

Sau khi đánh rơi số tiền lớn trên đường, chị Trân cũng thừa nhận một phần lỗi là do chính bản thân mình bất cẩn. "Mình tự trách bản thân bất cẩn và lương tâm con người tàn nhẫn quá. Cảm giác vừa rớt quay lại đã không còn, giờ không biết nói sao với ba mẹ ở quê đang đợi mình về ăn Tết, đón năm mới. Giờ mình chẳng biết làm thế nào cả chỉ biết ngồi khóc cạn nước mắt vì phút bất cẩn mà mất hết".

Chai sẻ về hoàn cảnh của bản thân, Bảo Trân cho biết sau khi làm mất số tiền lớn cô vẫn chưa dám liên lạc và báo cho bố mẹ ở quê biết. "Hôm trước mình có nói sẽ về quê nhưng đến hôm nay mình vẫn chưa dám liên lạc về cho gia đình. Ba mẹ sử dụng điện thoại đen trắng nên vẫn chưa biết sự việc".

Trân cũng cho biết đây là số tiền mà cô đã tiết kiệm, dành dụm gần 1 năm trời mới có được. Bởi cả năm vừa qua dịch bệnh liên miên, buôn bán không được nên kinh tế không có. "Ở nhà mình là trụ cột chính gia đình vì mẹ bệnh tiểu đường và trầm cảm mấy năm nay còn cha thì già yếu không làm được việc gì. Khi lên TP.HCM làm việc Trân đã phải thuê chung phòng với bạn để sản sẻ tiền trọ hàng tháng. Mình suy tính xả đồ nghỉ bán, gom tiền trả nợ còn số ít về quê ăn Tết nhưng không ngờ xảy ra sự việc này. Từ hôm mất tiền đến giờ giờ mình lo lắng và bị sụt ký như người mất hồn vì tiền mồ hôi nước mắt vất vả mới kiếm được mà do phút bất cẩn đã mất hết", Trân chán nản.

Cô gái đánh rơi cọc tiền 30 triệu bị mọi người tranh nhau hôi của: Mình không dám về quê ăn Tết nữa, vì phút bất cẩn mà mất hết-2

Trân cho biết chỉ còn ít ngày nữa là Tết nhưng cô cũng chưa biết phải xoay sở thế nào. Cô dự định sẽ gọi điện về nói hết sự việc cho bố mẹ biết sau đó mới quyết định làm gì tiếp theo. "Mình giờ không dám về quê ăn Tết nữa, cả gia đình ở quê đang chờ mình mà không biết làm sao", Trân buồn bã nói.

Qua đây, Bảo Trân cũng bày tỏ hi vọng những người đã vô tình nhặt được tiền của chị sẽ suy nghĩ và cho cô xin lại số tiền mồ hôi nước mắt ấy. Theo BảoTrân, sau khi xảy ra vụ việc chị đã nhờ nhà dân gần đó trích lục camera và đến Công an phường Tân Hưng trình báo vụ việc.

Liên quan đến sự việc nói trên, chiều 31/1, trả lời báo Thanh Niên, ông Hoàng Minh Tuấn Anh - Chủ tịch UBND Q.7 cho biết đã nắm được vụ việc chia sẻ khắp mạng xã hội vào ngày hôm trước về câu chuyện cô gái rớt 30 triệu đồng bị "hôi của" trong 15 giây mất sạch , đây lại là số tiền cô tích cóp để mang đi trả nợ. Chủ tịch UBND Q.7 đã chỉ đạo công an xử lý vụ việc gây bức xúc dư luận này.

Lãnh đạo Công an Q.7 cũng cho biết đã trích xuất camera và mời những người liên quan đến trụ sở để xác minh làm rõ sự việc. "Hành vi của những người nhặt tiền của cô gái bị rơi mà không trả lại là phản cảm, trái pháp luật và trái với với đạo đức xã hội", lãnh đạo Công an Q.7 nói.

Bên cạnh đó, dẫn lời luật sư Bùi Quốc Tuấn thuộc Đoàn luật sư TP.HCM trên báo Thanh niên cho biết về trách nhiệm hành chính, căn cứ theo điểm e khoản 2 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, trường hợp nhặt được tài sản của người khác nhưng cố ý không trả được xếp vào hành vi Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác và có thể bị xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng.

Về trách nhiệm hình sự, theo điều 176 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, khung hình phạt áp dụng căn cứ vào giá trị tài sản nhặt được.

Phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm đối với hành vi nhặt được/tìm được/bắt được/giao nhầm tài sản có giá trị từ 10 đến dưới 200 triệu đồng nhưng không trả lại.

Như vậy, theo luật sư, trường hợp “lượm tiền” như bài viết nêu trên, trong quá trình cơ quan chức năng điều tra xem xét, nếu không đủ để xử lý về hình sự thì sẽ xử phạt hành chính.

Theo Pháp luật & Bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/co-gai-danh-roi-coc-tien-30-trieu-bi-moi-nguoi-tranh-nhau-hoi-cua-minh-khong-dam-ve-que-an-tet-nua-vi-phut-bat-can-ma-mat-het-162213001154647887.htm

Hôi của


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.