Dân chen chúc lễ chùa, dâng sao: Người lên án "mê tín", người bảo "Không thể cấm đoán được"

Tục đi lễ chùa vãn cảnh đầu năm và cầu cho bản thân cùng gia đình những điều may mắn, tốt lành trong năm mới đang bị một bộ phận người dân làm cho biến tướng.

Những tháng đầu năm, người Việt Nam có tục đi lễ chùa vãn cảnh và cầu cho bản thân cùng gia đình những điều may mắn, tốt lành trong năm mới. Tuy nhiên tục lệ này đang dần bị một bộ phận người dân làm cho biến tướng khiến người người bức xúc.

Rất dễ dàng để có thể chứng kiến cảnh người dân chen chúc nhau ở những đền, chùa lớn và nổi tiếng linh thiêng như Chùa Hương, Yên Tử, đền Đức Thánh Trần... Tại những nơi phân phát lộc chùa thì đám đông càng trở nên hỗn độn hơn. Năm 2016, tại hội Phết Hiền Quan ở Tam Nông, Phú Thọ, hàng ngàn thanh niên lao vào cướp phết cầu may, nhiều vụ ẩu đả, thậm chí đổ máu đã xảy ra khi ai cũng gắng sức cướp quả phết đem về nhà.

Những ngày vừa qua, dư luận lại thêm một lần bức xúc với những sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số nơi như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh. Câu chuyện thờ cúng, thể hiện niềm tin, tín ngưỡng như thế nào được xem là thỏa đáng đang gây nên làn sóng ý kiến trái chiều thu hút sự quan tâm của dư luận.

Dân chen chúc lễ chùa, dâng sao: Người lên án mê tín, người bảo Không thể cấm đoán được-1

Hình ảnh chen chúc, giành giật lộc ở đền chùa khiến nhiều người lắc đầu ngán ngẩm

"Quá mê tín dị đoan!"

Anh Lê Anh Q. (SN 1988, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ rõ sự gay gắt: "Tôi không thể hiểu nổi tại sao mọi người lại làm thế. Đầu óc quá u mê khiến họ không còn lý trí. Họ tin vào những thứ mà khoa học không hề chứng minh. Nhìn những hình ảnh trên mạng thật sự không hiểu nổi sao phải khổ đến thế chỉ vì một cái ấn hay để chạm tay vào tượng Phật. Tôi hoàn toàn không ủng hộ những hành vi như vậy".

"Rất nhiều trường hợp vì bon chen dẫn đến ngạt thở, ngất xỉu, phải có người khênh ra ngoài cấp cứu. Đánh đổi sức khỏe chỉ vì mê tín như vậy có đáng không?", anh Q. chia sẻ thêm.

Dân chen chúc lễ chùa, dâng sao: Người lên án mê tín, người bảo Không thể cấm đoán được-2

Anh Q. có những ý kiến khá gay gắt đối với tình trạng mê tín dị đoan hiện nay

"Con người ai cũng cần có một đức tin"

Còn anh L. (SN 1982, Long Biên, Hà Nội) thì cho rằng không chỉ người Việt Nam mà ở nước ngoài cũng có nhiều người cuồng tín: "Mình nghĩ đó là đức tin của mỗi người. Con người cần có một cái niềm tin và việc họ mong muốn có một lá bùa, được chạm vào tượng Phật hay cất công dâng sao giải hạn... thì cũng bởi họ tin rằng làm như vậy sẽ có sự may mắn. Họ sẽ có thêm động lực, niềm tin vào năm mới tốt đẹp hơn.

Thế nhưng, đồng thời mỗi người phải tự mình chăm chỉ, cố gắng làm việc, chứ không phải mặc nhiên là mình đã đi chùa rồi, đã giải hạn rồi mà chủ quan, nghĩ rằng may mắn sẽ tự đến. Còn việc chen chúc, giẫm đạp lên nhau ở đền chùa thì bản thân những người đó đã làm sai với đạo Phật rồi. Nó trái hẳn với tục lệ tốt đẹp của người Việt từ xưa đến nay".

Dân chen chúc lễ chùa, dâng sao: Người lên án mê tín, người bảo Không thể cấm đoán được-3

Anh L. cho rằng mỗi người đều cần có một đức tin

"Đi chùa là để vãn cảnh và tìm về thanh tịnh"

Anh H. (SN 1990, Long Biên, Hà Nội) hiện đang là một nhân viên kỹ thuật có quan điểm khác hẳn: "Thực sự là mình cũng không quan tâm lắm về vấn đề đó. Mình là đàn ông, là lao động chính trong gia đình nên bận bịu quá, không để tâm được. Nhưng hằng năm, mình với vợ và gia đình cũng đi lên chùa gần nhà để cầu sức khỏe, may mắn.

Mình nghĩ tục đi chùa đầu năm là để cho mỗi người có một khoảng thời gian thanh tịnh. Đến những nơi này đầu năm, nghe tiếng kinh Phật, mọi người đều cố gắng giữ yên lặng để duy trì sự tôn nghiêm và linh thiêng, bản thân cũng thấy như được gột rửa tâm tưởng để bắt đầu một năm mới tốt đẹp hơn".

Dân chen chúc lễ chùa, dâng sao: Người lên án mê tín, người bảo Không thể cấm đoán được-4

Anh H. nghĩ rằng, việc đi chùa đầu năm là để bản thân có khoảng thời gian thanh tịnh

"Khó có thể phân định đúng sai trong tôn giáo, tín ngưỡng"

Cô gái 25 tuổi tên N. hiện đang làm việc ở Hà Nội thì cho rằng, mỗi người có một quan điểm sống khác nhau, không thể bắt ai cũng giống ai được: "Mình nghĩ niềm tin là của mỗi người. Nếu họ cho rằng việc chen chúc để có được những điều may mắn cho cả năm là xứng đáng thì cũng không vấn đề gì cả. Bởi họ là người tự quyết định điều ấy. Chúng ta là người ngoài nên không thể phán xét được.

Chuyện các nhà chùa tổ chức lễ dâng sao giải hạn cũng vậy. "Có cung thì có cầu" thôi. Người dân muốn nhờ nhà chùa làm lễ cho đúng nghi thức, họ cũng không có thời gian để tự làm ở nhà, thì nhà chùa làm cho dân thôi. Bởi thế, mình nghĩ là trong vấn đề này không có đúng sai, cũng không thể cấm đoán được."

Dân chen chúc lễ chùa, dâng sao: Người lên án mê tín, người bảo Không thể cấm đoán được-5

Bạn N. nghĩ rằng không thể phân định đúng - sai trong vấn đề tín ngưỡng.

 

Theo Khám Phá

 


mê tín

đi lễ

Dâng sao giải hạn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.