Đi mua “linh hồn”

Một thị trường buôn bán các vật phẩm mê tín dị đoan đã và đang nở rộ trên mạng xã hội, gây những tác hại khôn lường. Trong vai người đi mua “linh hồn”, chúng tôi được người bán chỉ dẫn đủ loại bùa chú, búp bê mà chỉ nghe qua giới thiệu đã đủ rợn tóc gáy.

“Linh hồn” mắc - “linh hồn” rẻ

“Các bé ở đây bị mẹ bỏ rơi hoặc bé bị sự cố mà mất trong bụng mẹ, ở đây cam kết các bé hoàn toàn không bao giờ làm hại ai. Chị muốn gì cứ nói với bé, bé sẽ độ mẹ ngay ấy ạ! Bé lanh lắm, độ khách em sương sương 1 tháng có 30 triệu chứ mấy”. Trong vai người làm ăn thất bại đi tìm hiểu về Kumanthong (một loại thần giám hộ huyền bí theo tín ngưỡng dân gian Thái Lan - PV), tôi được những người rao bán mặt hàng này trên mạng đon đả mời chào. Chỉ sau cuộc gọi 7 phút, lời hỏi han, thuyết phục của họ đôi lúc khiến tôi lung lay, muốn… thỉnh một búp bê này về nuôi nấng.

“Ngân sách chị khoảng bao nhiêu?”, là câu hỏi đầu tiên. Tôi trả lời là định mua cùng hội bạn nhà giàu, nhưng do trục trặc chuyện làm ăn nên hiện chỉ có thể chi 2 triệu đồng đổ lại. Người bán hàng xuề xòa đáp lời: “2 triệu đồng cũng thỉnh được, Kumanthong này nhiều loại lắm; còn bạn chị muốn mua bé to, đẹp, quần áo xịn, có làm tóc giả thì khoảng 10 triệu đồng trở lên”.

Rồi người bán giới thiệu, tầm 1 triệu đồng đổ lại có thể thỉnh búp bê size 5 inches, không to nhưng bảo đảm độ giỏi; 1,5 triệu đồng thỉnh loại 8 inches; 2,1 triệu đồng loại 12 inches. Những loại này là búp bê nhỏ, bằng nhựa, không có tóc và quần áo, chi tiết không sắc sảo, chỉ như các loại búp bê đồ chơi trẻ em được vẽ vời những dòng bùa phép ma mị và khó hiểu đầy ngực, bụng, trán. Loại to bằng em bé sơ sinh có thể ẵm bên người, gương mặt lanh lợi, quần áo tỉ mỉ, trang điểm đẹp sắc nét như hay thấy trên phim có thể “độ” rất mạnh, giá khoảng 10 triệu đồng trở lên, có loại 20 triệu đồng.

Khi tôi thắc mắc Kumanthong chủ yếu hơn nhau ở “linh hồn” bên trong, tại sao lại tăng giá theo độ lớn của vỏ búp bê bên ngoài thì được giải thích: “Trong mỗi xác búp bê là một linh hồn thai nhi khác nhau được làm phép, cái chính là kích thước càng lớn sẽ khiến bé hấp thụ năng lượng khi sư thầy làm phép mạnh hơn và nhờ vậy sẽ độ cha mẹ mạnh hơn”.

Đi mua linh hồn”-1
Tràn ngập Kumanthong tại nhà một người bán

Tôi ngạc nhiên cho rằng xác thai nhi phải được thầy “làm phép” để nhốt linh hồn vào trước rồi mới cho vào búp bê nhựa, thì lại được người bán gợi ý một “dịch vụ” khác: “Chị mang bé về nuôi nhưng thỉnh thoảng, nhất là khi cần bé độ việc lớn, quan trọng, khó khăn thì chị phải mang bé cho thầy tăng năng lượng. Chị ở xa (tôi ở TPHCM, người bán ở miền Bắc - PV) có thể chụp hình bé rồi gửi cho em, em nhờ thầy tăng sức mạnh cho bé qua hình chụp vẫn được, rẻ lắm, chỉ tầm 50.000-100.000 đồng/lần”. Tuy nhiên, nếu chưa muốn bỏ tiền mua loại lớn, búp bê kích thước nhỏ vẫn có thể được “độ ầm ầm” bằng cách mua “muôn sản” (là các loại muối, bột, “dầu thai nhi” mà chỉ có thầy làm phép mới biết rõ) nhét vào trong búp bê. Tôi thoái thác, nói mình chưa có khả năng chi 10 triệu đồng để đón bé, đầu dây bên kia vội vã giữ chân tôi bằng cách đồng ý “ship” ngay và… cho trả góp.

Khác với “Kumanthong trắng” (là dòng tôi được giới thiệu ở trên) vốn chỉ có khả năng thu hút tiền tài, báo trước điềm dữ, giúp tránh người khác hãm hại, bỏ bùa hay tà ngải; “Kumathong đen” là loại đắt đỏ, “dữ” hơn, ma mị hơn và được giới thiệu là quyền năng cao hơn. Dòng này gọi là “tà ngải”, “thiên linh cái”, có thể giúp chủ nhân đạt được những mong cầu “chỉ biết ước”, như khiến người khác bỏ tất cả để đến với mình, làm đối thủ thất bại trong kinh doanh, đem lại vinh hoa, danh tiếng…

Ngàn lẻ một kiểu mua bán “linh hồn”

Thêm vài cú click chuột trong các nhóm bùa ngải đã dẫn tôi đến một thị trường “buôn bán linh hồn” quỷ dị và khó hiểu khác. Như dạng búp bê nhựa nhỏ bằng nắm tay hình em bé đang ngủ, gọi là “Nokphu ngủ đông”. Nokphu không phải là linh hồn và xác thai nhi mà là “các đệ tử chùa, thần tiên là em bé, được các sư trong chùa mời về”, theo lời người bán. Nokphu được quảng cáo là phiên bản hoàn hảo nhất của chủ nhân. Người mua phải đăng ký trước tên họ, ngày tháng năm sinh để thầy làm phép vào đó (kèm các loại “chú” lạ không biết của tôn giáo nào: chú cầu tài, chú buông bỏ, chú quyền lực, chú tránh họa…), linh hồn này sẽ về độ trợ cho chính số mệnh của chủ nhân đó. Và vẫn điệp khúc trấn an “lành mạnh”, người bán nói với tôi: “Loại này an toàn, lành nhất luôn, không cần chăm sóc cầu kỳ, chu đáo. Khi việc thành thì chị đưa bé đi chùa. Công đức đưa đi chùa sẽ rất lớn vì bé chính là hình nhân của chính chị, mang bản sao số mệnh của chị”.

Đi mua linh hồn”-2
Búp bê Kumanthong loại nhỏ

Người bán gửi cho tôi ảnh chụp màn hình tin nhắn của khách hàng khoe: “Bé Thỏ (tên người mua đặt cho búp bê) lợi hại thật, mới trưa mua về bảo con cho mẹ 10 triệu đồng để mẹ trả nợ, đến chiều có ngay”; “Chưa xin gì nhưng từ lúc rước bé về thấy chuyện gia đình dần dần ổn định hơn, chuyện làm ăn cũng vậy”. Và cả tin nhắn động viên của người bán: “Bé ở bên chị thì việc gì nguy hiểm, có nguy cơ thất bại, chị sẽ có cảm giác ai đó cản chị làm. Chị cứ sắm quần áo cho bé vui, bé rất giỏi kêu gọi tiền tài và chăm sóc cả gia đình”.

Làm phép online

Bên cạnh các loại bùa chứa "linh hồn" được nhập từ Thái Lan hoặc chuyển thông tin sang Thái Lan đăng ký đặt thỉnh những linh hồn độ riêng cho cá nhân, nhiều dịch vụ bùa ngải khác cho phép người mua tương tác trực tiếp qua điện thoại với các đối tượng làm phép ở Myanmar, Thái Lan… thực hiện các buổi làm phép online.

Thông thường, chủ shop bùa ngải sẽ đăng thông báo lên fanpage, các hội nhóm ngày giờ, lịch trình mình xuất ngoại "vào rừng sâu gặp thánh tăng" và bài quảng cáo, bảng giá các dịch vụ làm phép, người có nhu cầu sẽ đăng ký qua tin nhắn hoặc số điện thoại. Các loại hình làm phép online này có dạng giá rẻ (coi bói 1,5 triệu đồng, giải vận hạn 3,9 triệu đồng, yểm bùa nguyền rủa 1,6 triệu đồng…); nhưng cũng có các loại nghi lễ xuyên biên giới với giá cao (nghi lễ cải vận satung 9 triệu đồng, nghi lễ nanathong làm gương mặt sáng và ăn nói quyến rũ 10 triệu đồng…).

Kỳ bí hơn, còn có “bùa đòi nợ” dành cho những chủ cho vay tiền mà người mượn cắt liên lạc, bỏ trốn không đòi được. Đây là cách đòi nợ “vô hình”, người cho vay chỉ cần thỉnh bùa này về với giá 12 triệu đồng, không cần biết con nợ đang trốn ở đâu, làm gì, sẽ có thế lực siêu nhiên hiện về trong giấc mơ người mượn nợ nhằm đuổi đánh, đe dọa làm họ sợ và tự giác quay lại liên lạc, trả đủ số tiền mượn cho người dùng bùa. Loại bùa này nhỏ như móc khóa, được làm từ những nguyên liệu như tóc người chết đuối, dây thừng của người thắt cổ tự tử, đất rừng, đất chợ, đất nghĩa địa, đồi núi, tàn hương… ngâm trong loại dầu làm từ cây ở trong rừng sâu, rất khó tìm.

Chưa dừng lại ở đó, lần theo những bình luận của nhiều người có nhu cầu quyến rũ trong chuyện chăn gối, “trục người” (lôi kéo người yêu quay về với mình), muốn trúng số hay thư ếm kẻ thù, tôi được chỉ dẫn 1.001 thể loại bùa chú nhốt những linh hồn khác. “Bùa Mae 9 Prai - 9 linh hồn ma nữ hùng mạnh” là 9 bức hình chân dung trắng đen 9 cô gái, 2 hũ nước thần bí màu đỏ, vàng, 1 cây đinh gỉ sét và 5 miếng kim loại; “Bùa Mae Hong Prai cực mạnh” là linh hồn của những phụ nữ chết trong tai nạn tàn khốc, bất ngờ, có hình dạng một hình nhân nữ tóc dài tới chân, làm từ tro cốt và tóc thật của người đã mất, ngâm trong chất lỏng màu đỏ, giúp quyến rũ người khác, khiến bất cứ ai cũng say mê cuồng nhiệt người dùng; “Bùa Hồ ly phép đen” được làm từ đất ở 7 nghĩa trang, thảo dược, vàng, mỡ ở cằm tử thi và linh hồn cô gái trẻ mang thai tự tử…

Một thị trường bùa ngải mê tín dị đoan rộng lớn, khó kiểm soát đang thực sự là một mối lo cho xã hội.

- PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng Khoa Văn hóa học, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM

Kumanthong xuất phát từ Thái Lan, tuy nhiên hiện nay người Thái cũng không đặt niềm tin vào đó, người ta tin vào khoa học, sức mạnh và vai trò cá nhân của chính mình. Chỉ có những ai không tìm thấy giá trị cá nhân của chính mình mới đặt niềm tin vào những chỗ mà mình không biết. Có 2 nhóm đối tượng thường tìm đến Kumanthong hay bùa ngải được rao bán trên mạng xã hội hiện nay. Một là các bạn trẻ tìm đến vì tò mò theo trào lưu, thấy người khác rao bán hay sử dụng thứ gì lạ lẫm thì tìm đến thử. Hai là những người không có kiến thức quanh vấn đề tâm linh, tín ngưỡng và đang gặp bế tắc nào đó trong cuộc sống, theo kiểu "có bệnh thì vái tứ phương". Họ tìm đến Kumanthong hay bùa ngải để giải quyết vấn đề của mình.

Về mặt quản lý, cơ quan nhà nước cần có những biện pháp siết chặt hơn chuyện mua bán bùa ngải, Kumanthong trên mạng xã hội hiện nay. Chúng ta cũng cần một chiến dịch truyền thông bằng nghệ thuật một cách mềm mại, dễ lan tỏa, để những tác phẩm góp phần định hướng con người những điều tốt đẹp, thoát khỏi chuyện mê tín dị đoan".

- TS Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ

Theo tôi, tôn giáo thì không có bùa chú hay bùa ngải mà chỉ có giáo lý, lời kinh hay lời cầu nguyện và đức tin con người luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp, chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Còn bùa ngải hay bùa chú rao bán trên mạng xã hội hiện nay không phải là tôn giáo, mà đó có thể là niềm tin một cách mù quáng vào những điều người ta không thấy, không biết và đơn giản là gửi gắm niềm tin vào một điều gì đó mà bản thân mong ước. Giá trị tốt đẹp không phải là lợi ích cá nhân hay một nhóm người mà phải là lợi ích chung của cộng đồng, đó mới là văn hóa.

 

Theo Sài Gòn giải phóng 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.sggp.org.vn/di-mua-linh-hon-post681704.html

mê tín dị đoan


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.