"Chiến dịch" xử lý lấn chiếm vỉa hè tại Hà Nội nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía người dân. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn mới là đập bỏ các bậc tam cấp của nhà dân xây trên vỉa hè tại quận Đống Đa, nhiều người đã phản ứng.
Việc phá các bậc tam cấp bất kể to nhỏ, lấn chiếm nhiều hay ít bị người dân cho là không hợp tình hợp lý và cũng không giúp ích nhiều cho người đi bộ. Trong khi đó, quận Đống Đa vẫn giữ quan điểm tất cả các công trình lấn chiếm vỉa hè đều bị phá bỏ.
Hàng chục hộ dân trên phố Xã Đàn ra vào nhà rất khó khăn sau khi các bậc tam cấp bị phá.
Bậc tam cấp nhà ông Nguyễn Văn Thơm (250 Xã Đàn, phường Phương Liên) bị phá ngổn ngang |
Theo tìm hiểu của PV, năm 2005, 2006 Hà Nội giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa. Sau khi cắt một phần nhà, đất nằm trong phạm vi giải tỏa, các hộ dân được phép xây lại nhà cùng với thời gian xây dựng tuyến đường.
Trong quá trình xây nhà, vì con đường đang thi công nên các hộ phải xin quận cho cốt nền nhà phù hợp với cốt đường.
Nền nhà ông Thơm cao hơn vỉa hè 0,87m |
Ông Trần Hùng (68 tuổi, chủ nhà 242 Xã Đàn) cho biết: Giấy phép xây dựng do UBND quận Đống Đa cấp cho các hộ dân yêu cầu xây dựng cốt nhà cao hơn cốt tim đường 0,45m. Đây cũng là chiều cao yêu cầu từ nền vỉa hè lên đến nền nhà.
Sau khi đường hoàn thành, dù các gia đình làm theo đúng giấy phép xây dựng nhưng nền nhà lại cao hơn nền đường 0,6-0,8m, do đó các nhà đều xây thêm bậc tam cấp.
Trong quá trình xây dựng bậc tam cấp, thanh tra xây dựng, chính quyền phường thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn.
Giấy phép xây dựng nhà do quận Đống Đa cấp năm 2006 xác định rõ cốt nhà cao hơn tim đường 0,45m |
Cửa hàng nhà ông Thơm phải kê ghế cho khách "leo" vào nhà |
11 năm qua, bậc tam cấp vẫn tồn tại, không gây ảnh hưởng đến phần đường dành cho người đi bộ.
Chị Hạnh, chủ nhà số 264 bên bậc tam cấp bị phá, trơ đường ống nước, móng nhà |
“Chúng tôi không được thông báo trước, tổ dân phố cũng không biết, dân không được họp để chuẩn bị.
Bây giờ tuổi cao sức yếu, tôi không thể bước lên nhà được, các cháu nhỏ cũng phải bò để vào nhà. Giờ nhà nào cũng phải dựng bao tải, xếp gạch để đi lại mà vẫn sợ ngã. Riêng nhà tôi do quá cao nên vẫn chưa biết cách nào để vào nhà được thuận tiện, an toàn", ông Thơm than thở.
Một loạt đường ống nước của các hộ bị hư hỏng, lộ thiên sau khi phá bỏ bậc tam cấp |
Ngày 15/3, quận Đống Đa cho phá dỡ tất cả các bậc tam cấp lấn vỉa hè của các hộ dân trên một số tuyến phố.
Tuy nhiên, một số hộ dân trên phố Xã Đàn thuộc phường Phương Liên cho biết, trước khi phá dỡ, phường chỉ gửi bản cam kết đến một số hộ kinh doanh, buôn bán. Nhiều hộ dân khác không hề nhận được thông tin phá dỡ.
Các hộ dân phải nghĩ ra mọi cách để vào được nhà vì nền nhà quá cao |
Xác định bậc tam cấp lấn vỉa hè
Liên quan đến việc phản ứng của một số hộ dân khi bị phá dỡ bậc tam cấp lấn chiếm vỉa hè, đặc biệt là chủ nhà số 247 Xã Đàn, phường Nam Đồng (quận Đống Đa) đã mời các bên liên quan lên làm việc.
Ông Vũ Minh Hồng - Phó chủ tịch UBND phường Nam Đồng cho biết, buổi làm việc hôm qua gồm có tổ trưởng dân phố, bí thư chi bộ, cán bộ địa chính phường và chủ nhà 247 Xã Đàn.
Phá dỡ bậc tam cấp trên phố Xã Đàn, phường Nam Đồng, quận Đống Đa. Ảnh: Trần Thường |
Sau khi UBND phường đo đạc lại khuôn viên của gia đình ông Trịnh Văn Vượng (chủ nhà số 247) thì thấy, phần diện tích bậc tam cấp thứ 3 nằm ngoài khuôn viên được cấp giấy chứng nhận. Phần diện tích lấn chiếm vỉa hè này rộng 30cm.
Trước đó, việc phá bỏ các bậc tam cấp tại phường này hôm 15/3 phải dừng lại trước phản ứng của các hộ dân. Họ cho rằng, phường phải có trách nhiệm đo đạc lại, lấn chiếm đến đâu tháo dỡ đến đó.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào cho biết, việc tháo dỡ bậc tam cấp là theo quy trình. Quận sẽ hướng dẫn cho các hộ gia đình tự làm các bậc lên xuống bằng hệ thống thép, khi không dùng thì cất trong nhà để phong quang đường phố.
Tuyến đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa dài 1,1 km khánh thành sau 12 tháng thi công. Đường có tổng mức đầu tư 733 tỷ đồng, chi phí trung bình 700 triệu đồng/m. Vào thời điểm đó, tuyến đường này từng được mệnh danh là "con đường đắt nhất Việt Nam", thậm chí "đắt nhất hành tinh", trong đó 81% kinh phí dùng để thu hồi gần 56.000m2 đất của hơn 1.000 hộ dân. |