Xóm giềng phải như “anh em một nhà”
“Xóm chạy thận” nằm trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đối diện Bệnh viện Bạch Mai. Hơn 20 năm nay, “xóm chạy thận” là ngôi nhà chung của hơn 100 mảnh đời đang chiến đấu trường kỳ với căn bệnh suy thận. Chỉ riêng số nhà 32, ngõ 121 Lê Thanh Nghị, biết bao nhiêu “thế hệ” chạy thận đã sinh sống tại đây.
Những bệnh nhân mang trong mình căn bệnh suy thận trong “gia đình chạy thận” đối diện BV Bạch Mai. Ảnh: B.Loan
Hầu hết, những bệnh nhân trong “Xóm chạy thận” đều là người ngoại tỉnh, già có, trẻ có nhưng họ đều có điểm chung là hoàn cảnh gia đình khó khăn và cùng mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối. Vì chi phí cho thuốc men chữa trị không được bảo hiểm thanh toán, nên họ chọn cho mình một nơi ở nhỏ nhất, với giá tiền rẻ nhất để tiết kiệm nhất, bù đắp cho chi phí chữa bệnh. Đó là những căn phòng trọ được lợp mái tôn, ẩm thấp có diện tích chưa đến 8m2, mức giá 800.000 đồng/tháng chưa kể chi phí điện, nước.
Vì có hoàn cảnh khó khăn và phải gắn bó trường kỳ với bệnh viện, hầu hết, những bệnh nhân chạy thận đều không có người nhà bên cạnh chăm sóc. Chị Nguyễn Thị Oanh (29 tuổi, ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) là một người trong số đó. Mặc dù gia đình ở ngoại thành Hà Nội nhưng với lịch chạy thận dày đặc, chị Oanh phải trọ lại khu xóm. Hơn 17 năm nay, bên cạnh Oanh là những người hàng xóm coi nhau như người trong nhà cùng có chung bệnh suy thận. Chị Oanh chia sẻ: “Nói cho cùng, với bệnh nhân suy thận, nếu không may có sự việc xảy ra thì đầu tiên là nhờ hàng xóm gọi xe ôm đưa sang bệnh viện. Sau đó, mới nương tựa đến anh em trong gia đình”.
Là con thứ trong gia đình nhưng 4 chị em trong gia đình Oanh đều phải nhận phần thiệt thòi, vì phải gác lại sự nghiệp học hành để kiếm tiền, hỗ trợ gia đình trang trải khoản chi phí thuốc men sau mỗi ca chạy thận. Mặc dù đã tự chuẩn bị tâm lý “lên thiên đường” bất cứ lúc nào, nhưng Oanh cũng không tránh khỏi tâm lý lo lắng về số phận của mình. Bởi “Cứ phải sống thấp thỏm từng ngày, qua hôm nay là biết mình thoát chết 01 ngày. Có những người hôm qua còn cười nói nhưng ngày mai huyết áp tăng, vỡ động mạch máu rồi tử vong. Những người mang bệnh này không thể biết trước được vận mệnh của chính mình. Còn tôi, mỗi khi huyết áp lên đột ngột thì không muốn nghĩ đến nữa...”, chị Oanh thở dài.
Cố mưu sinh để kéo dài sự sống
Xóm chạy thận số 32, ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội.Xóm chạy thận số 32, ngõ 121 Lê Thanh Nghị, Hà Nội.
Nhắc đến bệnh nhân tên H ở Hà Nam ngày nào còn sinh sống trong xóm trọ, những thành viên trong gia đình “xóm chạy thận” không khỏi lặng người. Vì đến lúc “cạn tiền” mà H không còn sức khỏe để mưu sinh. H chỉ còn sự lựa chọn là “Nhắm mắt ở đâu?”. H đã quyết định về quê, chị em trong xóm đã quyên góp mỗi người 5.000 đồng để H có đủ tiền chi trả cho chuyến xe khách để “bình yên nhắm mắt”. Để không bị rơi vào tình cảnh như H, mọi người trong xóm đều chọn cho mình một công việc phù hợp với tình hình sức khỏe. Người thì đi rửa bát thuê, người bán nước, bán báo dạo... thậm chí là nhặt ve chai để có tiền chủ động duy trì sự sống.
Bắt đầu chạy thận từ năm 20 tuổi, anh Nguyễn Duy Thưa (37 tuổi, quê ở Vũ Thư, Thái Bình) đã làm xe ôm ngay trước cổng Bệnh viện Bạch Mai. Nói đến gia đình, anh Thưa lặng người: “Ở quê thì sống với mẹ già, bản thân phải chạy thận từ khi còn thanh niên nên nhiều lúc cũng thèm lắm cảm giác yêu thương, quan tâm từ người khác giới. Nhưng bệnh tật đeo đẳng và nghề xe ôm thì thấp thỏm, làm sao tôi dám mơ đến nửa kia của mình?”.
Chị Lê Thị Khuyến (44 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội) cũng không ngoại lệ. Chồng mất đã gần chục năm nay, 2 con gái nhỏ tuổi phải nhờ cậy vào ông bà ngoại đã ngoài 80 tuổi. Để có tiền chữa bệnh, chị Khuyến đã phải lén bán nước trong khuôn viên bệnh viện. “Tôi biết là cấm bán hàng trong bệnh viện nhưng túng đói làm càn vì chẳng biết làm gì khác để kiếm ra tiền chữa bệnh, trang trải chi tiêu nữa. Bệnh của tôi không ở gần bệnh viện là không được vì không biết mình sẽ bị ngã qụy lúc nào. Ngã trong khuôn viên bệnh viện chắc chắn sẽ có người đưa vào phòng cấp cứu, ngã bên ngoài xử lý không kịp thì sẽ không còn cơ hội gặp con nữa”, chị Khuyến ngậm ngùi.
Chị Khuyến tiếp lời: “Tôi đã tìm hiểu rất rõ về bệnh của mình. Kể cả có tiền thay thận mới cũng chưa chắc sẽ khỏi hoàn toàn. Vì nếu cơ thể không hợp thì chỉ được khoảng nửa tháng hoặc nửa năm sau lại phải chạy thận. Thậm chí là bệnh này chưa dứt mà bệnh khác đã phát sinh”.
Cũng lén bán nước dạo trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai vào ban đêm, chị Nguyễn Thị Oanh chi sẻ: “Thu nhập giống như “câu cá”, đêm nào đông khách cũng được hơn 100.000 đồng. Bán vào đêm nhá nhem còn có người mua chứ ban ngày nhìn tôi mắc bệnh đã bắt đầu ảnh hưởng đến tim. Môi tím tái, mặt mệt mỏi, nghe ai quát người lại run lên bần bật, ít người uống lắm. Nhưng ban đêm cũng ít người khát nước hơn ban ngày nên thu nhập kém lắm” –chị Oanh xúc động.
Không chỉ ảnh hưởng đến tim, chị Oanh lại mắc thêm chứng bệnh gút ban đỏ do căn bệnh suy thận mang lại. Chỉ số canxi sụt giảm, hệ số phốt pho và huyết áp thường xuyên tăng đột biến. Cơ thể thường xuyên trong tình trạng bất ổn, thế nhưng, những “chị em” trong xóm chạy thận đều phải quay quắt mưu sinh để kéo dài sự sống. Bởi theo chị Oanh: “Không ai sinh ra được quyền lựa chọn cuộc sống cho mình, những đêm nằm suy nghĩ chỉ thêm mỏi mệt, nhìn người ta mạnh khoẻ thành đạt mà tôi thèm khát vô cùng”.
Chia sẻ với PV, bà Lê Thị Quý, 70 tuổi, chủ xóm trọ số 30, ngõ 121 Lê Thanh Nghị cho biết: “Xóm trọ của gia đình đang cho thuê 9 phòng trọ, vì người trọ ở đây chủ yếu là bệnh nhân chạy thận có hoàn cảnh khó khăn nên gia đình tạo điều kiện cho thuê phòng với giá 800.000 đồng/tháng. Ở đây, bệnh nhân sống nương tựa vào nhau như thể anh em một nhà”. |