Hai đứa trẻ “con trời” giờ ra sao?

Đứa văng ra khỏi bụng mẹ trong một vụ tai nạn, đứa bị đâm xuyên não khi mới 11 ngày tuổi nhưng cả 2 đã vượt qua cửa tử thần như một phép màu.

Đứa văng ra khỏi bụng mẹ trong một vụ tai nạn, đứa bị đâm xuyên não khi mới 11 ngày tuổi, hai cậu bé Nguyễn Quốc Huy (An Giang) và Dương Minh Phát (Vĩnh Long) đã vượt qua cửa tử thần như một phép màu.

Không những thế, cả hai khỏe mạnh, lớn lên từng ngày trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của gia đình, các bác sỹ và các nhà hảo tâm.

Đến thăm nhà anh Nguyễn Văn Nam (ấp An Thới, xã Hội An, huyện Chợ Mới, An Giang) vào ngày đầu năm mới 2017, gặp lúc anh Nam đang cặm cụi đóng bàn ghế trong sân nhà. Ngồi bên cạnh là cậu bé khôi ngô, hơn 2 tuổi đang cắm cúi viết, vẽ. Đó là Nguyễn Quốc Huy, con trai anh Nam. Anh Nam cho biết: “Huy rất ham học, thường lấy tập viết, bảng của chị ngồi một mình vẽ. Nam được chị bày cho vẽ, cháu thích lắm”.

hai dua tre “con troi” gio ra sao? - 1

Hai cậu bé sống sót thần kỳ như một phép màu

Huy “Tề thiên”

Nếu không nói ra, không ai có thể hình dung cậu bé Huy chào đời bằng cách dị thường văng khỏi bụng mẹ trong vụ tai nạn. Ngày 25/10/2014, khi anh trên đường chở vợ đến bệnh viện sinh bị một chiếc xe trộn bê tông đi cùng chiều đâm từ phía sau khiến vợ anh, chị Nguyễn Thị Kim Ngọc tử vong tại chỗ. Thai nhi văng ra khỏi bụng mẹ khoảng 6 m, và bị xe cán nát một chân. 

Anh Nam cũng bị xe cán mất một chân. Anh Nam nhớ lại giây phút kinh hoàng: “Hôm đó, sự việc diễn ra quá nhanh và bất ngờ. Khi tôi chở vợ đến khu vực cầu Rạch Gòi thì bị xe bồn từ sau lao tới đâm cả hai ngã xuống đường, thai nhi văng ra ngoài, vợ tử vong, chân tôi bị cán gãy nát. Lúc đó, tôi chỉ biết gào khóc trong tuyệt vọng. May mắn, có người đến ôm con đến bệnh viện cấp cứu rồi chuyển lên TPHCM, cứu lấy sinh mạng cháu”. Sau 17 ngày cứu chữa, các bác sỹ đã giành lại sự sống cho Huy.

hai dua tre “con troi” gio ra sao? - 2

Bé Nguyễn Quốc Huy

Hí hoáy viết vẽ một hồi lâu, thấy chị gái đi học về, Huy ngừng tay, lao ra đón chị với nụ cười tươi rói. Chiếc chân giả bên trái có vẻ ngắn hơn chân phải khiến bước đi của Huy tập tễnh. Mặc dù vậy, cậu bé nhanh thoăn thoắt chơi đùa cùng chị.

Chơi đùa được một lúc, Huy lại ngồi vào bàn để chị dạy học. Nhìn hai con chăm chú học, anh Nam không giấu được niềm hạnh phúc: “Bây giờ cháu khỏe mạnh, nhanh nhẹn tôi rất mừng. Tôi nghĩ cháu may mắn sống sót một phần nhờ mẹ cháu ở suối vàng luôn bên cạnh phù hộ”.

Kể từ ngày định mệnh, đến nay đã hơn hai năm rưỡi và bé Huy cũng chừng ấy tuổi. Anh Nam tâm sự: “Tai nạn xảy ra, vợ không may mất đột ngột, cha con tôi may mắn sống sót nhưng trong cảnh tật nguyền, cả hai cha con đều mất một chân. Bây giờ tôi đi lại khó khăn, một mình chăm hai con nhỏ từ sinh hoạt, tắm rửa, cơm nước rồi học hành… tuy vất vả nhưng cố gắng làm tròn vai trò vừa cha, vừa mẹ của mình”.

 Không chỉ chạy nhảy quanh nhà, Huy còn sang nhà hàng xóm chơi. Anh Nam cho biết, ở xóm này mọi người đều thương cháu vì tật nguyền, lại mồ côi mẹ từ bé. Từ bụng mẹ văng ra, Huy không chết, lại còn hay lóc chóc nhảy nhót nên mọi người gọi vui là Tề Thiên, nhờ có phép biến hóa nên thần chết bỏ qua.

Ông Huỳnh Văn Xoàn, hàng xóm cho biết, cháu Huy sống như một điều kỳ diệu. Khi xảy ra tai nạn, lúc đó mọi người không ai nghĩ cháu sống được. Khi rảnh rỗi, tôi thường đến đây chơi với cháu, nhìn cháu hồn nhiên, vui vẻ thấy ấm lòng”, ông Xoàn chia sẻ.

“Có bao giờ Huy hỏi về mẹ? - chúng tôi hỏi. Đang bế con trong lòng, anh Nam nhìn lên bàn thờ vợ, nghẹn ngào nói: “Cách nay mấy tháng, vào buổi trưa tôi lấy ảnh chụp cùng vợ và con gái ra xem. Chỉ vào ảnh, tôi hỏi Huy biết ai không. Cháu cười, chỉ ngay vào tôi rồi nói cha và  chị hai. Sau đó ngẫm nghĩ một hồi, cháu chỉ vào ảnh còn lại và nói: “Mẹ!Mẹ!Mẹ!” khiến tôi nhói lòng”- anh Nam rơm rớm nước mắt kể.

Anh Nam kể tiếp: “Con gái lớn là Nguyễn Thị Kim Huyền, năm nay 7 tuổi đang học lớp 2, có lần đi học về cháu buồn thiu rồi khóc. Cháu hỏi tôi mẹ đâu hả cha, người ta có cha mẹ đến đưa rước đi học mỗi ngày, các bạn trong lớp trêu con là không có mẹ. Tôi ôm con vào lòng rồi an ủi, động viên và giải thích cho con hiểu là mẹ không may đã qua đời sau tai nạn nhưng con may mắn và hạnh phúc là còn cha và em bên cạnh”.

hai dua tre “con troi” gio ra sao? - 3

Bố con anh Nguyễn Văn Nam

Sau tai nạn, do còn một chân nên anh Nam gặp nhiều khó khăn trong việc sinh hoạt cũng như làm ăn. Chưa kể, mỗi khi trở trời hai cha con đều bị đau nhức. Tuy nhiên, nhờ các nhà hảo tâm giúp đỡ khoản tiền kha khá, anh cất căn nhà mới và gửi tiết kiệm lấy lãi nuôi con. 

Trước đây anh sống bên vợ ở xã Phú Thuận (Thoại Sơn, An Giang). Sau khi xảy ra tai nạn, anh cùng hai con về quê nhà ở ấp An Thới, xã Hội An, huyện Chợ Mới (An Giang) sống hơn một năm nay. Để vơi đi nỗi buồn và quyết tâm thể hiện mình là người tàn nhưng không phế, anh mày mò làm thợ mộc, đóng bàn, ghế phục vụ gia đình.

“Ở nhà chỉ có 3 cha con thui thủi nên tôi vận dụng kiến thức “học lóm” hàng xóm từ trước. Sau đó, mua gỗ, đồ nghề về nhà tự mày mò đóng thành tủ, bàn ghế để trong nhà xài. “Tôi đang làm cái tủ áo và bộ ghế bằng gỗ, dự kiến trước Tết khoảng 10 ngày là xong để khách đến có ghế mới ngồi”- anh Nam nói.

Phát “thiên thần”

Chúng tôi thăm gia đình bé Dương Minh Phát ở ấp Cầu Ván, xã Tân Long Hội (Mang Thít, Vĩnh Long). Từ trung tâm tỉnh, theo quốc lộ 53 về hướng Trà Vinh khoảng 30 km rồi men theo con đường nhỏ, quanh co khoảng cây số là đến. Gần tới nơi, hỏi thăm người dân nhà của bé Dương Minh Phát bị đâm xuyên não cách đây hơn năm, hầu như mọi người đều biết. 

Khi được hỏi nhà, một phụ nữ trung niên trên đường đi chợ về liền chỉ ngay căn nhà mái ngói nằm sâu trong con đường mòn. Bà vui miệng nói: “Chú hỏi ai chứ nhà đứa bé bị đâm xuyên não thì dân xứ này ai cũng biết, không những thế hàng xóm đều quan tâm đến cháu”. Bà tiếp lời: “Nhà cháu trước đây nghèo lắm, không ruộng đất, cha mẹ đi làm thuê, giờ được mạnh thường quân giúp đỡ xây cho căn nhà ổn định rồi không còn sống cảnh trốn mưa nữa”.

Thấy có người bước vào nhà, một cậu bé mặt mũi sáng sủa đang ngồi chơi trước cửa nhà cùng người phụ nữ lớn tuổi. Cậu bé tươi cười, vẫy chào khách. Đó là bé Dương Minh Phát và bà nội-bà Phan Thị Đẹp. “Tết này Phát được 19 tháng tuổi. Cháu bây giờ khỏe mạnh, hễ thấy ai tới nhà là mừng rỡ, miệng cười toe toét. Cháu được như thế này là phúc đức của ông bà để lại”.

hai dua tre “con troi” gio ra sao? - 4

Bé Dương Minh Phát

Chị Võ Thị Hồng Duyên, mẹ bé Phát đang cho vịt ăn từ sau nhà bước ra trước khoe: “Tôi mới chở con đi tái khám ở Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cách nay vài hôm, bác sỹ nói xương của cháu giờ đã cứng, sức khỏe tốt và ổn định. 

Tết năm nay gia đình yên tâm đón Tết rồi chứ không phập phồng lo sợ như năm ngoái”. Chị cho biết, ở nhà cháu đùa giỡn suốt ngày, ăn uống bình thường. Hiện nay cháu đang bập bẹ tập nói và đã gọi được tiếng “cha”.  

Nhớ lại giây phút đưa con trai 11 ngày tuổi bị đâm, chị Duyên chưa hết bàng hoàng: Khoảng 3 giờ 30 phút ngày 8/8/2015, sau khi xin ngủ nhờ giường bệnh ở phòng số 10, tại khoa nhi, bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Vân (xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) bất ngờ rút dao từ trong giỏ ra đâm vào đầu bé Phát. 

Sau đó, bé Phát được đưa lên bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cấp cứu. “Tôi đau đớn vì tai nạn đến với con trước mặt mà mình không bảo vệ được. Bản thân thấy đau khổ, dằn vặt nhưng nhờ trời thương, các y bác sĩ tận tâm nên con mới qua khỏi”- chị Duyên nói.

hai dua tre “con troi” gio ra sao? - 5

Bé Dương Minh Phát tươi cười bên mẹ

Theo lời chị Duyên, năm rồi vợ chồng chị nuôi con gần hai tháng rưỡi ở bệnh viện Nhi đồng 1, đến 20 Tết mới xuất viện về nhà. Lúc đó sức khỏe cháu còn yếu, trên đường về mệt nên trong những ngày Tết rất lo.

Năm nay sức khỏe cháu tiến triển tốt, vui vẻ và năng động nên yên tâm hơn. Tuy sức khỏe tốt nhưng hai chân của Phát phát triển không đều, chân to chân nhỏ nên mọi người thường xuyên chở cháu đi tập vật lý trị liệu ở trung tâm công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long, cách nhà vài chục cây số.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, khoa Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ: “Trong đời bác sĩ, đây là lần đầu tiên tôi tiếp nhận một trường hợp thương tâm như thế. Đến giờ, hình ảnh đứa bé sơ sinh nhợt nhạt do mất quá nhiều máu, một chân bị đứt lìa phải ngâm trong thùng đá, được đưa đến bệnh viện, vẫn ám ảnh tôi”. Bác sĩ Tâm cho biết, ngay khi Huy được đưa vào cấp cứu, bệnh viện đã kích hoạt hệ thống “báo động đỏ” cho tất cả các chuyên khoa. Dù là ngày nghỉ nhưng các bác sĩ lập tức có mặt. Tuy nhiên, điều mong ước đầu tiên là nối lại chân đứt lìa của bé đã không thể thực hiện.


Theo Hòa Hội (Tiền Phong)

sống sót thần kỳ

đứa trẻ tiên thần

cửa tử


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.