Hộ chiếu gắn chip giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục ở sân bay

Đại tá Nguyễn Bá Tuấn nhấn mạnh chip điện tử sẽ lưu thông tin liên hệ của công dân, người thân để báo tin. Hộ chiếu gắn chip còn giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục ở cửa khẩu.

Từ ngày 1/3/2023, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và lực lượng quản lý xuất nhập cảnh ở 63 tỉnh, thành phố bắt đầu cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Zing đã có cuộc trao đổi với đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, về những tiện ích của hộ chiếu phổ thông gắn chip.

Chống mạo danh, nâng tầm quyền lực hộ chiếu

- Trong hơn nửa năm qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp phát 2 mẫu hộ chiếu phổ thông. So với mẫu được cấp từ ngày 1/7/2022, hộ chiếu gắn chip có gì khác biệt, thưa ông?

- Hộ chiếu gắn chip (hộ chiếu điện tử) mang lại rất nhiều lợi ích cho công dân. Điểm đầu tiên là chống mạo danh, chip điện tử trên hộ chiếu có tính bảo mật rất cao. Độ bảo mật này tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế ICAO.

Để đạt được điều này, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cùng Ban Cơ yếu Chính phủ đã đến tận trụ sở của Tổ chức ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) để trao chữ ký quốc gia của Việt Nam. Từ đó, tổ chức này đưa vào hệ thống xác nhận chữ ký số trên hộ chiếu gắn chip trên thế giới. Khi công dân Việt Nam trình hộ chiếu gắn chip, hệ thống của ICAO sẽ định danh xác thực đúng con người đó nên không thể bị làm giả.

Hộ chiếu gắn chip giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục ở sân bay-1
Đại tá Nguyễn Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh. Ảnh: Hoàng Lam.

Trong khi mẫu hộ chiếu phổ thông không gắn chip chỉ có trang nhân thân thì hộ chiếu điện tử có gắn chip có thể lưu giữ đầy đủ thông tin, dữ liệu về nhân thân của người sử dụng, bao gồm những thông tin cơ bản lẫn thông tin sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay).

Đặc biệt, chip điện tử sẽ lưu thông tin liên hệ của công dân và người thân, để khi cần thì báo tin cho ai…

Hiện nay, Việt Nam và nhiều quốc gia khác đã trang bị thiết bị chuyên dụng để đọc chíp điện tử trên hộ chiếu theo tiêu chuẩn chung của ICAO. Với độ bảo mật cao của chip, ai đó muốn mạo danh người khác để sử dụng hộ chiếu này là điều không thể thực hiện. Bên cạnh đó, công dân bị thất lạc hay mất hộ chiếu điện tử thì người khác nếu có được cũng không thể mạo danh để sử dụng.

- Hiện nay, công dân sử dụng hộ chiếu phổ thông không gắn chip khi làm thủ tục xuất nhập cảnh phải chờ đợi một khoảng thời gian để làm thủ tục. Với hộ chiếu gắn chip điện tử, quy trình này có rút gọn hơn?

- Việc sử dụng hộ chiếu gắn chip tạo nhiều thuận lợi cho công dân khi qua lại các cửa khẩu, đặc biệt là rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập cảnh. Ở Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đang triển khai song song hộ chiếu điện tử và hệ thống AutoGate (kiểm tra tự động). Công dân đã có hộ chiếu gắn chip không cần phải đăng ký hệ thống này, mà có thể sử dụng AutoGate ở chiều nhập cảnh (khi ra nước ngoài rồi quay trở về).

Hệ thống AutoGate giúp công dân không phải tiếp xúc với ai, chỉ cần dùng hộ chiếu điện tử đi qua cửa kiểm tra tự động với thời gian hoàn thiện thủ tục nhập cảnh chưa đến 20 giây mỗi trường hợp. Ở một số quốc gia, hệ thống AutoGate cũng đã được trang bị dành riêng cho người sử dụng hộ chiếu điện tử.

Một điều thuận lợi nữa dành cho người dùng hộ chiếu điện tử, đó là quá trình xin visa ở các nước. Hộ chiếu điện tử có độ tin cậy cao nên công tác kiểm tra xác minh của sứ quán hay cơ quan lãnh sự các quốc gia sẽ nhanh chóng hơn.

- Với việc cấp phát hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử, quyền lực của tấm hộ chiếu Việt Nam thay đổi ra sao so với trước đây, thưa ông?

- Hộ chiếu điện tử là xu thế chung của thế giới, rất nhiều quốc gia đang sử dụng loại giấy tờ này. Việc sử dụng hộ chiếu điện tử giúp vị thế và quyền lực tấm hộ chiếu của Việt Nam được nâng tầm hơn so với trước đây.

Với việc cấp loại hộ chiếu có độ bảo mật cao hơn và hiện đại hơn, sự tin cậy của các nước đối với tấm hộ chiếu của Việt Nam sẽ ngày càng tăng, được ưu tiên hơn trước. Chẳng hạn như tại Mỹ, khi quốc gia này thực hiện chế độ miễn thị thực cho nhiều nước khác, điều kiện tiên quyết của họ là phải có hộ chiếu điện tử.

Đặc biệt, hộ chiếu gắn chip còn phù hợp với Chính phủ điện tử mà chúng ta đang xây dựng, triển khai. Sau khi các cơ quan quản lý Nhà nước cho phép liên thông và tích hợp dữ liệu với các thủ tục dân sự khác như đã tích hợp với căn cước công dân gắn chip, hộ chiếu điện tử cũng đáp ứng được các điều kiện tương tự. Chip trên hộ chiếu có hệ điều hành riêng nên việc kết nối dữ liệu với hệ thống dữ liệu chung là điều có thể thực hiện.

Chưa bắt buộc đổi sang hộ chiếu gắn chip

- Với những công dân đã được cấp hộ chiếu phổ thông từ ngày 1/7/2022, họ có bắt buộc phải đổi sang hộ chiếu gắn chip?

- Từ ngày 1/3, khi đề nghị cấp hay đổi hộ chiếu, công dân có quyền lựa chọn làm hộ chiếu phổ thông có gắn chip hoặc không gắn chip điện tử. Bộ Công an chưa bắt buộc người dân phải dùng loại có gắn chip. Nhưng về lâu dài, chúng ta sẽ dần thay thế mẫu cũ bằng loại điện tử.

Về lệ phí cấp đổi, cơ quan chức năng vẫn hỗ trợ công dân và thực hiện theo quy định tại Thông tư 25, ở mức 200.000 đồng mỗi trường hợp.

Hộ chiếu gắn chip giúp rút ngắn thời gian làm thủ tục ở sân bay-2
Bìa hộ chiếu mới chứa biểu tượng chip. Ảnh: Hoàng Lam.

Đối với công tác chuẩn bị cấp phát hộ chiếu điện tử, Cục Quản lý xuất nhập cảnh và các đơn vị liên quan trên cả nước đã hoàn thành dự án hộ chiếu điện tử. Các lực lượng đã dự báo tình hình, chuẩn bị xong cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để đảm bảo cấp phát hộ chiếu cho người dân theo đúng quy định.

Tại 63 tỉnh thành phố, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh cũng đang căng mình chuẩn bị xong nhân lực, nguồn lực trong việc tiếp nhận hồ sơ và cấp phát hộ chiếu.

Đáng chú ý, trong tháng 3, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ phối hợp với Cổng dịch vụ công Bộ Công an để cấp hộ chiếu trực tuyến, giúp người dân thuận tiện làm thủ tục tại nhà, không cần trực tiếp đến các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh ở tỉnh, thành phố để nộp hồ sơ.

- Để tránh tình trạng người dân chen lấn, xếp hàng tại các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trong ngày đầu cấp hộ chiếu mới, hoặc phải làm qua dịch vụ “cò mồi”, Cục Quản lý xuất nhập cảnh có những giải pháp gì?

- Đối với tình huống người dân phải xếp hàng, chen lấn để làm hộ chiếu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh ghi nhận hiện nay, nhu cầu làm hộ chiếu của người dân vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, cùng với lực lượng chức năng ở các địa phương, Cục đã tính toán, chuẩn bị phương án để đảm bảo hạn chế tình trạng này.

Các đơn vị sẽ đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ một cách nhanh chóng. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 80% người dân làm và nộp hồ sơ trực tuyến, chỉ 20% còn lại đến làm trực tiếp. Điều này chứng tỏ phần lớn người dân đã tiếp cận được hệ thống dịch vụ công của Bộ Công an, giúp họ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức đi lại làm hộ chiếu.

Hiện nay, dịch vụ công cấp độ 4 của Bộ Công an đã và đang hoàn thiện tốt hơn, rất dễ sử dụng cho mọi công dân. Tuy nhiên, một số trường hợp chưa hiểu cách thao tác, nghĩ làm hộ chiếu trực tuyến là khó nên đã thuê người khác kê khai thông tin khi sử dụng dịch vụ công. Điều này khiến công dân mất tiền thuê dịch vụ, dễ bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Do đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm hồ sơ cấp đổi hộ chiếu thông qua dịch vụ cò mồi. Điều này dễ dẫn đến việc công dân bị lộ thông tin cá nhân, dễ bị kẻ xấu lợi dụng thông tin bị lộ cho các mục đích phạm pháp.

- Xin cám ơn đại tá!

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/ho-chieu-gan-chip-giup-rut-ngan-thoi-gian-lam-thu-tuc-o-san-bay-post1407649.html?fbclid=IwAR29JzTSA618enL0CN-VTxOJCpkr80KgeN_nIUhjiHZhT8qY-X8CsAtnZW4

hộ chiếu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.