Hoa đăng gửi tới Gạc Ma và ngọn lửa trong lòng người ở lại

30 năm qua, mỗi lần nhớ con, mỗi lần giở ra đọc, là một lần bà nghẹn ngào vì thương nhớ.

Bà Trần Thị Huệ (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) nhớ như in hình ảnh con trai Lê Thế cười y hệt đứa trẻ nhận được quà khi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Đó là một ngày đầu xuân năm 1988.

>>
Mẹ chiến sĩ Gạc Ma: 'Các con nằm lại nhưng sống mãi trong mọi người'

Con đi nhất định sẽ trở về", bà Huệ nhớ lại những lời cuối của con.

Ngày 14/3/1988, Lê Thế và 63 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh trong cuộc chiến đấu không cân sức với hải quân Trung Quốc trên đảo Gạc Ma.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 4

Vào quân ngũ, Lê Thế được điều động về Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 (Quân chủng Hải quân). Sau Tết Nguyên đán, anh và đồng đội nhận lệnh vào Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng với lực lượng bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng đảo chìm theo chiến dịch CQ-88.

Trước lúc lên tàu, chàng trai lần đầu xa nhà viết thư về cho gia đình. Anh kể về những câu chuyện nho nhỏ, lên dự định cho tương lai, không quên dặn mẹ giữ gìn sức khỏe, và hẹn ngày trở về Đà Nẵng.

- Ngờ đâu chỉ ít ngày sau, tôi nhận tin con hy sinh ngoài Gạc Ma.

Những nét chữ cuối cùng của người con trai hy sinh ngoài biển khơi được bà Huệ giữ gìn như báu vật. 30 năm qua, mỗi lần nhớ con, mỗi lần giở ra đọc, là một lần bà nghẹn ngào vì thương nhớ.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 5

Người mẹ già vẫn khôn nguôi day dứt vì chưa thể mang hài cốt của Thế trở về quê nhà. "Dù chỉ là mảnh san hô mang về từ biển cũng cam lòng".

Năm 2017, khi bảo tàng Cam Ranh hoàn thành, bức thư của liệt sĩ trẻ tuổi được mẹ anh tặng cho phòng lưu trữ di vật liệt sĩ Gạc Ma trong khu tưởng niệm.

- Hy vọng những thế hệ sau này sẽ nhớ về sự mất mát và hy sinh của những người như con tôi.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 6

Có hai người mẹ liệt sĩ Gạc Ma vẫn luôn nhủ lòng rằng mình vẫn còn may mắn so với những người mẹ khác. Đứa con không trở về nhưng họ còn có chiếc áo, tấm chăn vương hơi ấm của con.

"Con không về nhưng vẫn còn chiếc áo làm kỷ vật", bà Lê Thị Muộn (trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nói. Gia tài đơn sơ, nhưng lại là nguồn an ủi vô biên với người mẹ già.

Nhập ngũ được 7 ngày, chàng binh nhất Phan Văn Sự thuộc Trung đoàn Công binh 83 Hải quân (nay là Lữ đoàn 83 Hải quân) được về ăn Tết. Khi chào mẹ, anh báo mình sắp cùng đồng đội ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ.

- Nó đi ra đến đầu ngõ còn nhìn lại bảo mẹ đừng lo. Con sẽ đi về nhanh thôi.

Tháng 3/1988, trong lúc bà đang trong bệnh viện chăm chồng thì nghe tin về trận chiến Gạc Ma. Nhiều chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ đảo đã nằm lại, trong đó có con trai bà. Năm đó Sự mới 20. Nếu còn sống, giờ này có lẽ không những anh đã lập gia đình mà con cũng lớn như anh hồi đó rồi.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 7

Tin con trai hy sinh khiến cho ông Phan Văn Bé, chồng bà Muộn, đang điều trị bệnh phổi suy sụp và qua đời. 14/3 hàng năm trở thành ngày giỗ chung của 2 cha con.

- Chỉ còn cái áo nên tôi sửa thành cái áo cụt, nắng cũng mặc, lạnh cũng mặc, đi đâu cùng cầm theo cho đỡ nhớ con...

Cách nhà bà Muộn hàng trăm km, ở một làng quê phía bắc tỉnh Quảng Bình, có một người mẹ cũng đau đáu nỗi niềm nhớ thương người con đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma xưa. Bà Trương Thị Bảo (78 tuổi), mẹ liệt sĩ Trương Minh Thương.

- Sau ngày nó hy sinh, người ta đem về cho tôi một bộ áo quần của nó cùng với tấm chăn cũ. Tấm chăn tôi vẫn cất giữ cẩn thận, thi thoảng lại đem ra đắp.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 8

Người dân làng chài ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đã quen với hình ảnh ông Hoàng Nhỏ đi bộ một mình ra biển. Ở phía xa mờ, sau những con sóng, có hài cốt của đứa con trai mà ông yêu thương hết mực. Phần mộ ở nghĩa trang liệt sĩ xã chỉ là ngôi mộ gió.

Ông là cha của liệt sĩ Hoàng Văn Túy.

Từ sau ngày con hy sinh, ông Hoàng Nhỏ lấy ngày 27/1 âm lịch làm ngày giỗ. Mâm cỗ cúng đặt trên 2 chiếc bàn gỗ ngoài trời hướng về phía biển, luôn đặt đủ 64 chiếc chén, 64 đôi đũa. Người cha làm giỗ chung cho con trai và 63 đồng đội đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma.

Vài năm nay, người cha 91 tuổi chỉ còn có thể loanh quanh trong nhà vì sức khỏe không cho phép. Hôm nào cảm thấy cơ thể khỏe khoắn, ông lại ra biển ngóng, như trông chờ hình bóng người con đã đi xa từ 30 năm trước.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 9

Cùng ở cái tuổi gần đất xa trời, tâm nguyện của bà Hoàng Thị Thìn (xã Trung Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), mẹ liệt sĩ Cao Đình Lương, là đưa được hài cốt con trai trở về quê hương.

Lần về phép năm 1986, ba mẹ giục Lương lấy vợ. Chàng bộ đội cười hiền, hứa khi nào hết nghĩa vụ sẽ lập gia đình.

- Ngày xưa nghèo không đủ gạo nấu cho con ăn. Giờ no đủ thì con không còn nữa - Bàn tay thô ráp quệt ngang đôi má nhăn nheo, bà chỉ có vỏn vẹn tấm ảnh chân dung con trai trong bộ quân phục hải quân làm kỷ vật.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 10

Liệt sĩ Lê Bá Giang hy sinh khi vừa tròn 20 tuổi. Xương cốt của chàng trai trẻ vẫn còn nằm ở đâu đó ngoài kia. Cha anh, ông Lê Bá Nghị (trú tại Nghệ An) tha thiết được đưa con về đất liền.

Năm đó, vợ chồng ông nhận giấy báo tử và kỷ vật con trong cùng một ngày: chỉ có chiếc ba lô và vài bộ quần áo giản dị. Hồi ấy, nhà đông con, nghèo khó, mấy đứa em được "thừa hưởng" đồ đạc của anh. Những kỷ vật ngày nào giờ chỉ còn trong ký ức.

- 30 năm qua không ngủ yên vì con và đồng đội còn nằm lại ở biển khơi - Ông Nghị nói nhỏ, tay mân mê tấm huân chương và bức ảnh duy nhất của Giang.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 11

Năm chồng qua đời, bà Cao Thị Bình (ở xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá) sinh cậu con trai thứ 3, Hồ Công Được. Anh chưa một lần được nhìn thấy bố, liệt sĩ Hồ Công Đệ. Ngày đó, chồng bà Bình nhập ngũ, được giữ lại học quân y. Năm 1987, ông được điều động ra Trường Sa.

- Ngày đi, anh dặn tôi ở nhà yên tâm, không phải lo lắng gì. Dù thương chồng nhưng tôi vẫn tươi cười để anh yên tâm lên đường làm nhiệm vụ.

Hạnh phúc ngắn ngủi, người vợ nhận tin chồng hy sinh vào một ngày tháng 3 năm 1988.

- Tôi tự hào khi anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì Tổ quốc trong trận chiến năm đó. Thương anh hơn khi hài cốt anh nằm ngoài biển lạnh.

Cuộc sống vẫn tiếp tục, mẹ của 3 đứa con phải lặn lội từ Bắc vào Nam làm thuê để nuôi con ăn học. "Giúp việc, rửa bát, nhặt ve chai... có việc là tôi làm", bà Bình chùng giọng.

Năm 2013, bà mắc bệnh thoái hóa cột sống, đau dạ dày vì lao động quá sức và phải trở về quê. Đến giờ, khi cả ba con đã yên bề gia thất, nỗi cô đơn tuổi già lại dày vò vợ của người liệt sĩ anh hùng.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 13

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 14

Phan Thị Trang sinh năm 1988, ít tháng sau trận Gạc Ma. Chưa một lần được nhìn mặt nhưng qua những câu chuyện mà mẹ, ông bà ngoại và hàng xóm kể, cô hình dung rõ về người cha đáng kính của mình - liệt sĩ, y sĩ hải quân Phan Huy Sơn.

Dù cuộc sống vất vả, cô quyết tâm nối nghiệp cha. Qua nhiều lần gián đoạn, cuối cùng Trang đã cầm được tấm bằng dược sĩ tại ĐH Y khoa Vinh. Con gái của người liệt sĩ hiện làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Với anh lính Vũ Xuân Đăng, những chuyến đi - về giữa đất liền và Trường Sa có lẽ luôn có bóng hình người cha - anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng của con tàu HQ 604 quả cảm trong trận chiến giữa đảo Gạc Ma.

Thuyền trưởng Trừ hy sinh khi con trai đầu của ông, Vũ Xuân Đăng, mới chỉ 5 tuổi. Anh Đăng lớn lên và nối nghiệp cha trở thành người lính hải quân. Ký ức của anh vẫn còn in đậm hình ảnh người mẹ, bà Nguyễn Thị Tần, khóc ngất khi hay tin chồng hy sinh ngoài biển.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 15

Nhưng rồi mẹ anh vẫn phải gượng dậy sau mất mát để nuôi hai đứa con trai, đứa lớn chỉ mới 5 tuổi, đứa bé mới dứt sữa ít ngày. Hình dung của anh về cha chỉ qua lời kể của mẹ, của đồng đội liệt sĩ Vũ Phi Trừ và từ những tấm ảnh hiếm hoi được gửi về nhà.

- Mẹ vẫn dạy phải tiếp tục sống như bố, như các đồng đội của bố. Hãy tiếp tục cống hiến và sẵn sàng hy sinh khi Tổ quốc cần, hãy để bố cùng các đồng đội ở nơi biển đảo mãi tự hào về thế hệ của tương lai.

Anh Đăng được điều động về nhận nhiệm vụ tại Lữ đoàn 125 (tiền thân là Đoàn 759 - Đoàn tàu không số) năm 2003. Những chuyến đi của anh như nối dài hải trình dang dở của cha 30 năm về trước.

30 năm qua, Gạc Ma vẫn là nỗi đau âm ỉ trong tim người cha, người mẹ, người vợ nơi quê nhà. Nhưng trong mất mát, đau khổ và chia ly, những đứa con Gạc Ma như Vũ Xuân Khoa, Phan Thị Trang... vẫn lớn lên và vững vàng trước bão gió. Gạc Ma là nỗi đau nhưng cũng là ngọn lửa, là động lực thôi thúc những người ở lại sống tiếp cuộc đời tươi đẹp dang dở của các anh.

Hôm nay, ngày 14/3, thân nhân 64 chiến sĩ cùng nhiều đồng đội lại ra biển thả hoa đăng, gửi thương nhớ theo sóng trùng khơi ra đến Gạc Ma.

Hoa dang gui toi Gac Ma va ngon lua trong long nguoi o lai hinh anh 16

Theo Zing

đảo Gạc Ma

chiến sỹ Gạc Ma

hoa đăng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.