Lễ hội chém lợn : Liệu người lớn có thực sự lo cho trẻ em?

Gần đây có cuộc tranh cãi gay gắt quanh lễ hội chém lợn, TTOL giới thiệu góc nhìn riêng của tác giả Phạm Khánh Sơn. Mời độc giả cùng tranh luận.

Gần đây có cuộc tranh cãi gay gắt quanh lễ hội chém lợn, TTOL giới thiệu góc nhìn riêng của tác giả Phạm Khánh Sơn. Mời độc giả cùng tranh luận.

Một số người bày tỏ quan điểm lo lắng cho con trẻ khi tồn tại một lễ hội đầy tính bạo lực, dã man như lễ hội chém lợn. Tuy nhiên, trong những bức hình và clip đó, tôi lại thấy rất ít bóng dáng trẻ em trong đó. Và chính xác là người lớn đang tự phát tán cho nhau, đang tự nhân rộng nhưng lại cho rằng những hình ảnh này tác động tiêu cực tới nhận thức của con trẻ.


Văn hóa nói chung và những tập tục nói riêng là thứ được hun đúc từ hàng trăm năm, thậm chí nghìn năm, chứ không phải là thứ nhất thời có được. Tập tục không ngẫu nhiên sinh ra và tồn tại bền vững đến thế, và chắc chắn cũng không ngẫu nhiên mất đi một cách chóng vánh đến thế, chỉ bởi một vài lập luận cứng nhắc, và lý thuyết sáo rỗng.

Chúng ta hướng tới văn minh, nhưng điều đó không có nghĩa là phải a dua với những giá trị văn minh mà chính bản thân chúng ta cũng chưa hiểu tường tận về nó. Văn hóa ngấm dần qua ngày tháng vào máu, vào thịt, vào hơi thở, vào tâm hồn, chứ văn hóa chắc chắn không thể là thứ có được chỉ với vài ba tuyên bố nhân danh tổ chức này nọ.

Mỗi nền văn hóa đều có đặc trưng riêng, chẳng hạn như comple – cravat là thứ trang phục văn minh, nhưng ai dám chê khăn đóng áo dài của dân tộc Việt Nam là phản văn hóa, và lạc hậu, và chối bỏ nó? Đôi đũa tre tượng trưng cho một nét nguồn cội làng quê lúa nước, nó chắc chắn khác hẳn với dao, nĩa của người phương Tây, nhưng ai dám bảo nó là phản văn hóa, và lạc hậu, và chối bỏ nó?

Quay trở lại lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, tôi vừa thấy vui vừa thấy buồn khi đọc những ý kiến lên án sự kiện này. Vui vì ở đâu tôi cũng thấy trẻ em của chúng ta được đưa lên hàng đầu trong mọi tranh luận, người ta lo lắng cho sự tác động tiêu cực lên tâm hồn con trẻ, người ta thể hiện thiện tính của mình trong việc xót thương cho cái chết của những chú lợn trong lễ hiến tế.

Nhưng, tôi buồn vì tôi biết rằng, một khi đã phải viện dẫn những điều như thế, tức là chúng ta đã hết lý lẽ và sử dụng chúng như một điều ngụy biện cuối cùng, để biện minh cho cái tôi adua và vị kỷ của chính mình!


Tại sao lại adua và tại sao lại vị kỷ? Adua vì đã từ lâu, chúng ta bị cuốn vào những phát ngôn mang “dáng dấp” văn minh mà không hề có một sự kiểm chứng hay cân nhắc thấu đáo. Chưa bao giờ khái niệm “thấy người sang bắt quàng làm họ” lại phổ biến như thế này trong vấn đề nhận thức. Chúng ta dễ bị lôi cuốn bởi đó là một tổ chức quốc tế, hay một vài cá nhân nổi trội trong xã hội, hay một vài tờ báo đình đám khéo léo kích thích tâm lý “bắt chước văn minh” của chúng ta, mà quên rằng không kiểm chứng lại nhận thức của chính bản thân mình, đặc trưng của chính bản thân mình là như thế nào?

Chúng ta không yêu trẻ con để đến mức độ phải phẫn nộ như thế, tôi tin chắc chắn điều đó. Vì nếu điều này là có thật, hẳn chúng ta đã không phải chứng kiến bao nhiêu trường hợp ngược đãi trẻ con trong bao nhiêu năm qua? Tình yêu này nếu có thật, vẫn chỉ là thứ tình yêu được thể hiện bằng ngôn ngữ và bàn phím trên báo chí và trên mạng ảo, chứ có vẻ như khá tiết kiệm ở đời sống thường ngày.

Vị kỷ là bởi, hàng ngày chúng ta vẫn đang dùng thịt lợn như một thức ăn chủ đạo trong gia đình, điều này là hiển nhiên và phải khẳng định rằng dân tộc này đã tồn tại được bao nhiêu năm thì bấy nhiêu năm chúng ta dùng …thịt lợn, đó là bất biến, cha ông chúng ta đã dùng, chúng ta dùng, và chắc chắn con cháu chúng ta còn dùng vĩnh viễn, nhưng vào ngay lúc này, tự nhiên lại có một khoảnh khắc chúng ta đưa miếng thịt lên miệng và lại nhỏ giọt nước mắt khóc thương nó, và chúng ta tự hào rằng mình là người văn minh?

Chúng ta bảo, ừ, nhưng nên giết thịt nó kín đáo, và nhẹ nhàng, mà quên mất rằng đây là một lễ hội hàng năm mới có một lần, đây là lễ hội của cộng đồng và nó phải thuộc về cộng đồng, và con lợn lúc này là vật hiến tế trong lễ hội đó! Lưu ý rằng hiến tế là một thứ văn hóa đã tồn tại từ rất lâu đời và có mặt ở bất cứ quốc gia nào chứ không phải chỉ mỗi chúng ta, và đã là lễ hội, chắc chắn nó phải khác với các hoạt động đời sống thường ngày. Thực ra cũng đã rõ, không ai bố trí lò mổ gần trường học cả, không ai xách lợn ra giữa đường để mổ cả, luật pháp không cho phép điều đó, cộng đồng không chấp nhận điều đó.

Hãy yêu thương con trẻ của mình một cách thiết thực và nhân văn hơn. Thay vì bị cuốn vào những hình ảnh giết lợn trong lễ hội, chúng ta hãy giảng giải cho trẻ về khái niệm văn hóa hiến tế, về những tập tục mà cha ông ta đã sáng tạo và bảo tồn, về nét đẹp của nó. Trẻ con như một tờ giấy trắng, và chúng ta đều biết với nhau rằng, chính sự chân thành chúng ta, chính nhận thức và tư duy, và tình yêu của chúng ta mới là yếu tố tiên quyết để vẽ nên bức tranh tâm hồn của trẻ, chứ dứt khoát không thể bởi vài ba hình ảnh đang được truyền nhau trên mạng như thế!

  • Phạm Khánh Sơn/ Vietnamnet

Thăm dò ý kiến

Theo bạn có nên bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.