Nghệ An: Sống vật vã tại khu tái định cư thủy điện Hủa Na

Một dự án thủy điện tầm cỡ được đầu tư trên 7.000 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động được hơn 4 năm.

Một dự án thủy điện tầm cỡ được đầu tư trên 7.000 tỷ đồng, đã đi vào hoạt động được hơn 4 năm. Gần 1.400 hộ dân phải nhường nhà, đất cho dự án này thế nhưng khi đến nơi ở tái định cư mới, cuộc sống gặp vô vàn khó khăn.

Hàng trăm hộ dân chưa đủ đất sản xuất

Tháng 6 giữ tâm điểm nắng cháy và gió Lào lùa về xứ Nghệ, phóng viên NTNN/Dân Việt đã về ghi nhận phản ánh của bà con tái định cư thủy điện Hủa Na.

Nhiều bà con tái định cư nơi đây cho phóng viên biết rằng gạo trợ cấp của Nhà nước cũng đã gần cạn. Bất đắc dĩ, những thanh niên trai tráng trong làng, trong bản, những đàn ông khỏe mạnh lại bắt đầu vào rừng, trở lại vùng lòng hồ thủy điện để săn bắt, quẳng lưới kiếm con thú, con cá qua ngày. 

Theo như cam kết giữa nhà đầu tư với Công ty CP Thủy điện Hủa Na, mỗi nhân khẩu được giao ít nhất là 1ha đất rừng, hộ 3-5 khẩu được giao 3ha, hộ 5-8 khẩu được giao 8ha để trồng lúa nước, trồng rừng. 

“Hiện nay, dù trên giấy tờ, đất rừng đã được giao cho người dân, nhưng thực tế hàng trăm hộ dân vẫn chưa có một mảnh đất để mưu sinh, những hộ dân được chia đất thì chỉ được khoảng 1ha, nhưng là những ha đất cằn cỗi, không thể trồng trọt được bất kỳ giống cây gì, nên bấy lâu nay, nhưng người dân ở khu tái định cư Thủy điện Hủa Na chỉ sống nhờ vào gạo hỗ trợ và củ sắn và măng rừng. Đến nay gạo hỗ trợ của nhà nước đã hết rồi, dân bản phải vào rừng hái măng, làm đủ nghề để kiếm sống qua ngày. Trong khi đó, đất trồng lúa không có, mùa măng rừng thì có hạn biết thời gian tới bà con sống sao đây...” - ông Lương Văn Hùng, Bí thư Chi bộ bản Piêng Cu 1 chia sẻ.

nghe an: song vat va tai khu tai dinh cu thuy dien hua na hinh anh 1

Bà Lô Thị Quyên, trú tại bản Huôi Muống, xã Tiền Phong cầm đùm gạo mới đi vay về để nấu cho biết: "Cuộc sống quá khó khăn vì thiếu đất, thiếu nước sạch sinh hoạt".

nghe an: song vat va tai khu tai dinh cu thuy dien hua na hinh anh 2

Anh Hà Văn Thắng ở bản Huôi Sai, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong bức xúc vì không có đất lúa nước để canh tác. 

Ngoài việc thiếu đất để mưu sinh, người dân bản Piêng Cu 1, Piêng Cu 2, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong còn thiếu nước sạch để sinh hoạt.

Bà Lô Thi Quyên, trú tại bản Huôi Muống, xã Tiền Phong cho biết: Hầu hết các công trình nước sạch do nhà đầu tư xây dựng đã xuống cấp trầm trọng, nước không có dùng. Bể nước lớn đặt trên núi và 7 bể nước vệ tinh chia nước cho 2 bản này chỉ hoạt động được mấy tháng sau khi xây dựng, còn lại từ đó đến nay người dân ở các khu tái định cư như chúng tôi thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Ông Hùng cho biết thêm, ông đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương và nhà đầu tư nhưng đến nay đã hơn 6 năm vẫn chưa được nâng cấp sửa chữa. "Nhà đầu tư đào giếng khơi nhưng nước ít, chưa dùng đã hết, người dân chúng tôi phải đi xa hơn 1 km lấy nước khe suối về sinh hoạt, dù biết nguồn nước không đảm bảo vệ sinh nhưng chúng tôi buộc phải sử dụng"", ông Hùng chia sẻ. 

Trách nhiệm thuộc chủ đầu tư

Tại điểm tái định cư Huôi Sai, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An) có 103 hộ dân sinh sống, trên giấy tờ có những hộ dân nơi đây được cấp 320ha đất để mưu sinh.

Tuy nhiện thực tế các hộ dân nơi đây hoàn toàn không có đất như chủ đầu tư đã cam kết. “Gia đình tôi có 3 nhân khẩu, nhưng đến nay đã được Công ty CP Thủy điện Hủa Na giao đất để trồng trọt đâu, hàng ngày vợ chồng tôi phải vào rừng, vào mảnh đất ngày xưa chúng tôi sinh sống để hái măng và bắt cá kiếm sống qua ngày. Không có đất chúng tôi không biết lấy gì để kiếm sống, cứ trông chờ vào gạo trợ cấp, mà họ cấp gạo hàng tháng nhưng tháng nay đã cấp cho chúng tôi đâu...” - ông Hà Văn Hằng ở bản Huôi Sai bức xúc cho hay.

Cùng tâm trạng với anh Hằng là bà Lô Thị Quyên, trú tại bản tái định cư Huôi Muống, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An). "Lâu nay đất không được cấp, nước sạch thì không có, nghề nghiệp thì không có chỉ có nghề hái măng rừng nhưng vất vả lắm, phải có sức khỏe mới vào rừng hàng ngày được... Chúng tôi ngoài trông chờ gạo trợ cấp thì không biết lấy gì để sống qua ngày...”, bà Quyên cho biết. 

nghe an: song vat va tai khu tai dinh cu thuy dien hua na hinh anh 3

Công trình nước sạch bị hư hỏng, không hề có giọt nước nào trong bể. 

Trao đổi vấn đề này với ông Vũ Đình Tuấn, Trưởng bộ phận bồi thường giải phóng mặt bằng của Công ty CP thủy điện Hủa Na thì ông Tuấn cho biết: “Có 6/13 điểm tái định cư đã có quỹ đất trồng lúa nước, số còn lại chúng tôi vẫn chưa tìm đâu ra. Số đất trồng lúa nước chúng tôi đã tiến hành bàn giao cho dân rồi, nhưng người dân yêu cầu phải có tiền phục hóa mới chịu nhận, nên cũng rất khó cho chúng tôi... Còn công trình nước tự chảy không hoạt động được và để hoang, hư hỏng nặng là do người dân đục phá đường ống dẫn nước, chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công khắc phục sự cố nhưng phía đơn vị thì công không đồng ý nên đến nay vẫn không thể liên lạc được?!” - ông Tuấn phân trần.

nghe an: song vat va tai khu tai dinh cu thuy dien hua na hinh anh 4

Khu tái định cư Thủy điện Hủa Na nhìn từ xa

Trao đổi với NTNN/Dân Việt, ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong chia sẻ: "Hiện người dân không có đất mưu sinh và cũng thiếu nước sạch để sinh hoạt. Huyện cũng đã nhiều lần yêu cầu phía chủ đầu tư phải có giải pháp cho dân nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Chỉ có một số ít hộ dân là có đất để sản xuất, còn lại đa phần là thiếu đất để sinh hoạt, cuộc sống của họ vốn đã vất vả khó khăn, nay lại khó khăn hơn... Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư phải vào cuộc để cuộc sống của các hộ dân tái định cư được đảm bảo, an tâm hơn".

Theo Dân Việt


tái định cư

thời sự

khu tái định cư


Cảnh giác chiêu lừa của người nước ngoài giả vờ mua hàng, đổi ngoại tệ
Thủ đoạn của các đối tượng người nước ngoài lợi dụng các điểm bán hàng hoặc các điểm dịch vụ đổi tiền có ít người quản lý, giả vờ vào mua hàng hoặc đổi tiền, sau đó tạo các tình huống khiến người bán hàng phân tâm, mất cảnh giác để chiếm đoạt tài sản.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.