Tách nhập thế nào cũng nên giữ quận Hoàn Kiếm

Quận Hoàn Kiếm là trung tâm của Thủ đô, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hoá. Do vậy, bạn đọc cho rằng Hà Nội tách nhập đơn vị hành chính như thế nào cũng phải giữ quận Hoàn Kiếm.

Báo cáo tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính ngày 31/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, thành phố có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

Quận Hoàn Kiếm có diện tích tự nhiên là 5,347km2, quy mô dân số hơn 212.000 người. Theo Nghị quyết 1211 của Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận phải có từ 150.000 người trở lên, rộng 35km2 trở lên và 12 phường trực thuộc.

Như vậy, quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp do chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã còn phụ thuộc vào yếu tố đặc thù như lịch sử, văn hóa.

Tách nhập thế nào cũng nên giữ quận Hoàn Kiếm-1
Quận Hoàn Kiếm có nhiều di tích lịch sử, văn hóa quan trọng của Thủ đô. (Ảnh: Phạm Hải)

Nêu ý kiến về vấn đề trên, bạn đọc Phan Văn Thịnh cho rằng, dù tách nhập thế nào thì vẫn nên giữ tên 4 quận trung tâm Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

“Các nhà quy hoạch đô thị cũng cần tham khảo ý kiến các nhà văn hóa, lịch sử”, bạn đọc Phan Văn Thịnh nhận định.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, bạn đọc Nguyễn Văn Minh cho rằng, các khu phố cổ, công trình lịch sử nên được bảo tồn, không nên áp tiêu chuẩn thời hiện đại để làm mất đi ý nghĩa lịch sử.

Bạn đọc Lưu Trần Việt đề nghị cơ quan chức năng không nên sáp nhập quận Hoàn Kiếm với đơn vị hành chính khác.

“Quận Hoàn Kiếm là quận trung tâm của Thủ đô mang nhiều ý nghĩa lịch sử, cần có cơ chế đặc biệt, không nên áp quy định chung của các quận huyện”, bạn đọc Lưu Trần Việt nêu quan điểm.

Tuy nhiên, bạn đọc Nguyễn Minh Châu cho rằng, luật là luật, không có ngoại lệ. Đã nói đến sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã thì phải nói đến tiêu chí.

“Nếu tiêu chí không đề cập đến lịch sử, văn hóa thì ta không lấy lịch sử, văn hóa ra để xét mà chỉ xét theo những tiêu chí đã được quyết định.

Mặt khác, nhập vào thì các công trình, di tích trên đó vẫn còn tồn tại chứ có mất đi đâu. Thậm chí, sáp nhập đơn vị hành chính, bộ máy tinh gọn giúp công tác quản lý, bảo tồn di tích tốt hơn”, bạn đọc Nguyễn Minh Châu giải thích.

Theo bạn đọc Đỗ Hạnh, quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ, nhiều công trình công cộng, lịch sử nhưng dân số quá đông không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. “Là quận đặc biệt, trái tim của Thủ đô, cần sáp nhập để mở rộng diện tích”, bạn đọc Đỗ Hạnh kiến nghị.

Còn theo bạn đọc Bình Sơn, việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm cũng đơn giản, chỉ cần sáp nhập với quận khác, còn vẫn lấy tên là Hoàn Kiếm.

Bạn đọc Hoàng Vinh cho rằng, nếu diện tích chưa đủ rộng thì sáp nhập thêm một số phường vào quận Hoàn Kiếm, còn những gì thuộc về lịch sử trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nên được bảo tồn.

Trong khi đó, bạn đọc Hồng Việt băn khoăn: “Có nên sáp nhập hay không, vì mỗi vùng miền, địa phương, làng xã, xóm thôn đều có tên gọi mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử của từng vùng. Nếu sáp nhập thì phải đánh giá kỹ tác động tới mọi mặt”.

Bạn đọc Nguyễn Dung nhận định, đây mới là thông tin theo tiêu chí về dân số và diện tích tự nhiên quy định tại Nghị quyết 1211 của Quốc hội chứ không phải là bắt buộc phải sáp nhập.

Theo Vietnamnet


Hà Nội


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.