Tại sao họ không làm gì để bảo vệ đứa trẻ?

“Bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất mấy lần nhập viện, những người xung quanh phải đặt nghi vấn, hành động chứ. Tại sao họ không làm gì để bảo vệ đứa trẻ?”, tiến sĩ Khuất Thu Hồng bức xúc.

Vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị người tình của bố bạo hành đến tử vong chưa lắng xuống, dư luận lại thêm một lần bàng hoàng khi bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) bị đóng 9 chiếc đinh vào đầu cùng rất nhiều lần bị tra tấn dã man. Bị can chính là nhân tình của mẹ bé gái.

"Lạnh sống lưng", "phẫn nộ"... là cảm giác chung của nhiều người đối với những kẻ nhẫn tâm ra tay bạo hành trẻ em. Song, theo các chuyên gia, vụ việc lần này tiếp tục gióng lên hồi chuông "thức tỉnh" công tác bảo vệ trẻ em.

Không thể thờ ơ

Từ góc độ chuyên gia, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, chia sẻ bức xúc trước sự thiếu cảnh giác, thiếu quan tâm của thân nhân và người xung quanh những đứa trẻ bị bạo hành.

“Bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất đã mấy lần nhập viện, những người xung quanh phải đặt nghi vấn và phải hành động chứ! Tại sao họ không làm gì để bảo vệ đứa trẻ?”, bà Hồng đặt vấn đề về trách nhiệm của người mẹ và thân nhân cháu bé.

Tại sao họ không làm gì để bảo vệ đứa trẻ?-1
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội. Ảnh: ISDS.

Nhắc lại cả vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong ở TP.HCM, nữ chuyên gia đánh giá sự thờ ở của người liên quan đã khiến cháu bé phải chịu kết cục bi thảm, đau lòng.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng cần rà soát lại Luật Hôn nhân và Gia đình để điều chỉnh theo hướng ràng buộc trách nhiệm của cha, mẹ trong việc chăm nuôi con cái.

Ở góc độ xã hội, bà đề nghị nâng cao trách nhiệm của cơ quan chức năng liên quan việc chăm sóc trẻ em. Ví dụ, trẻ em trong gia đình có bố mẹ ly hôn phải được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ chính quyền cũng như cơ quan quản lý Nhà nước. Như vậy, những trường hợp trẻ bị bạo hành, ngược đãi hay không được chăm sóc tốt mới có thể sớm phát hiện.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khi nhận được bất cứ tin báo nào về việc trẻ bị bạo hành cần kiểm tra ngay, tránh để người dân nghĩ rằng vì cơ quan hữu trách thờ ơ nên họ cũng không cần thông báo.

Không dám tin những điều đã đọc được có trong đời thực, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa nói hành vi của bị can Nguyễn Trung Huyên "quá tàn ác". Theo ông, bên cạnh trách nhiệm của các bộ liên quan, tổ chức chính trị - xã hội như khối mặt trận và đoàn thể cần chủ động vào cuộc, nắm rõ từng trường hợp cụ thể ở địa phương.

“Mặt trận và các đoàn thể trong hệ thống chính trị cơ sở không thể thờ ơ và phải có trách nhiệm trong việc này”, đại biểu Hòa nêu quan điểm.

Cần lập tổ liên ngành để bảo vệ trẻ em

Sau nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra liên tiếp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng tâm lý luôn coi “đó là chuyện nhà người ta” đã khiến hành vi bạo hành trẻ dù được nhiều người biết vẫn không có sự can thiệp kịp thời.

“Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, dư luận xôn xao và lãnh đạo cấp cao chỉ đạo thì các cơ quan mới tích cực xác minh, xử lý vụ việc. Nhưng đáng tiếc lúc đó hậu quả xảy ra rồi”, ông Cường chia sẻ sự đau buồn.

Tại sao họ không làm gì để bảo vệ đứa trẻ?-2
Bị can Nguyễn Trung Huyên - kẻ bạo hành bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất. Ảnh: Công an Hà Nội.

Phân tích từ góc độ pháp luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp khẳng định thể chế ngày càng hoàn thiện và nhiều văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này đã được ban hành. Trong đó, Luật Trẻ em được sửa đổi, quy định trách nhiệm bảo vệ và các cấp độ bảo vệ trẻ em. Luật Phòng chống bạo lực gia đình và văn bản pháp luật liên quan cũng đề cập việc hỗ trợ trẻ em.

Trong xử lý vi phạm, ông Cường cho biết có Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự đều đề cao việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về xâm hại trẻ em, thậm chí có thể truy tố tội Cố ý gây thương tích hoặc Giết người.

Bên cạnh cơ quan chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Cường cho rằng còn nhiều bộ liên quan như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Công an. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của MTTQ, đoàn thể và chính quyền địa phương.

“Khi để xảy ra các vụ bạo hành trẻ em nghĩa là các cơ quan quản lý Nhà nước còn chưa làm tròn trách nhiệm của mình”, ông Cường nói.

Ông đề nghị Chính phủ cần thành lập tổ chức phối hợp liên ngành để giúp Thủ tướng điều hành, phối hợp trong việc bảo vệ trẻ em. Tổ chức này cần được thành lập ở cả Trung ương và địa phương để phối hợp nhuần nhuyễn từ trên xuống dưới.

Với hệ thống pháp luật đầy đủ, ông Cường nhấn mạnh cái chính là tổ chức thực hiện sao cho nghiêm túc, hiệu quả. Muốn vậy, Quốc hội và HĐND các cấp cần tăng cường giám sát việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của cơ quan hữu quan trong công tác bảo vệ trẻ em.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Ủy ban Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho rằng việc bé gái 3 tuổi bị bạo hành lần này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo. Cơ quan chức năng cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình và quyết liệt hơn trong hành động để không còn các sự việc đau lòng xảy ra.

Với mong muốn Quốc hội có chương trình giám sát về nội dung bảo vệ trẻ em tránh khỏi nạn bạo hành, ông Sơn cho rằng kết quả giám sát sẽ là cơ sở để thấy được trách nhiệm của bộ, ngành và chính quyền.

Ngày 20/1, lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) về tội Giết người.

Huyên là nghi phạm chính trong vụ bé gái Đ.N.A. (3 tuổi) bị bạo hành. Ngoài ra, cảnh sát tiếp tục làm rõ vai trò của Nguyễn Thị Luyến (27 tuổi, mẹ của A. và là người tình của Huyên) trong vụ án.

Tại trụ sở công an, Huyên khai từng nhiều lần hành hạ bé gái, đóng 9 chiếc đinh vào đầu nạn nhân, bắt cháu bé uống thuốc diệt cỏ, nhét đinh vít vào miệng hay đánh gãy tay của đứa trẻ 3 tuổi.

>>> Mời độc giả xem tin tức mới nhất trong ngày chính xác nhất

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/tai-sao-ho-khong-lam-gi-de-bao-ve-dua-tre-post1291087.html?fbclid=IwAR0OI_Y2UdppPSrYat0RQMcnmUI-Fikp2pDWBhkCHdNDxDAE02wi4pX8q-E

bạo hành trẻ em


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.